Thứ Ba, 23/4/2024
Hiệu quả từ mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã chè Hoàng Văn
Gửi bài In bài
Lãnh đạo chi cục Trồng trọt và BVTV cùng HTX kiểm tra, đánh giá chất lượng chè nguyên liệu tại mô hình

Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) là quy trình sản xuất kết hợp hài hòa giữa các biện pháp quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại và quản lý kinh tế với mục tiêu đem lại lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao, bền vững, tránh sự lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và ít ảnh hưởng tới môi trường nhất. Cây chè là một trong những cây trồng sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV, có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, diện tích trồng chè của tỉnh chủ yếu là canh tác trên đất dốc, việc quản lý dinh dưỡng và sinh vật gây hại (SVGH) sẽ kém hiệu quả nếu không áp dụng đúng kỹ thuật. Với mục tiêu giảm thiểu mối nguy hại từ sử dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ và tăng hiệu quả sản xuất chè, năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mô hình Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên cây chè gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Hoàng Văn.

Mô hình được triển khai với quy mô 5ha của 8 hộ trong HTX chè Hoàng Văn và được áp dụng kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên cây chè. Trong mô hình các hộ được hỗ trợ bón bón hữu cơ vi sinh Sông Lô Phú Thọ với lượng 2,5 tấn/ha, phân sinh học Azotobacterin với lượng 700kg/ha; phân NPK bón giảm 40% so với trước và được bón sau các lứa hái thay vì bón theo đợt 2-3 lần/năm như trước kia. Đối với công tác phòng trừ sâu bệnh, mô hình được thực hiện theo hình thức dịch vụ BVTV, hàng kỳ cán bộ của chi cục phối hợp hướng dẫn HTX điều tra phát hiện sâu bệnh gây hại và biện pháp phòng trừ.

Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Hoàng văn được thành lập từ năm 2018 trên cơ sở một bộ phận của làng nghề chè Hoàng Văn trước đây. Hiện tại, HTX chè có 13 thành viên tham gia trồng chè với tổng diện tích hơn 20ha được trồng chủ yếu các giống chè LDP 1 và Bát Tiên. Sản phẩm chính của HTX là chè xanh: Bát Tiên, Mộc và LDP1. Ông Đặng Đức Nam – Giám đốc HTX cho biết HTX đang tập trung phát triển các dòng sản phẩm chè xanh chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Trong điều kiện còn hạn chế về kỹ thuật của các hội viên HTX và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, được triển khai mô hình và hỗ trợ chúng tôi rất phấn khởi. Khi bón phân hữu cơ vi sinh có chủng vi sinh vật cố định đạm và vi sinh vật có ích, đối kháng với nấm bệnh chúng tôi thấy các nương chè dần xanh tốt sau các lứa hái. Đặc biệt, việc phòng trừ sâu bệnh đã sử dụng hoàn toàn thuốc BVTV sinh học và được thực hiện theo hình thức BVTV nhờ đó mà sản phẩm chè của các hộ viên trong HTX đồng đều và đạt được chất lượng cao hơn trước đây.

Ông Trần Văn Trưởng hội viên HTX có 1 ha chè 4 năm tuổi (LDP1, LDP2 và chè Bát Tiên) phấn khởi chia sẻ: Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT của mô hình, đến hết tháng 7 nhà Tôi thu được gần 7 tấn chè búp tươi các loại, tăng gần 1,5 tấn so với năm ngoái, mà sâu bệnh phun ít hơn, màu lá chè xanh óng hơn, dày hơn, chè thành phẩm màu nước xanh hơn vị ngọt lưu lại lâu hơn.

 

Đối với các cơ sở sản xuất có nhiều hội viên như HTX chè Hoàng Văn, việc áp dụng cùng một quy trình kỹ thuật trong thâm canh để có sản phẩm chè đồng đều, đảm bảo chất lượng là một trong những khâu quan trọng giúp cơ sở giữ vững được thương hiệu và giá bán trên thị trường. Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ chi cục cùng với HTX tại từng thời điểm chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đều bàn thảo thống nhất cách chăm sóc. Sau khi thống nhất, HTX là đầu mối phân phối vật tư sử dụng cho các hội viên. Cách làm này đã khắc phục được tình trạng một số hộ viên sử dụng vật tư chưa phù hợp với yêu cầu trong sản xuất chè an toàn như trước kia.

Hiện nay, các sản phẩm chè xanh của HTX đã tạo được chỗ đứng ổn định trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Chè Bát Tiên hiện có giá 600.000 đồng/kg; chè Mộc có giá 350.000-400.000 đồng/kg và chè LDP 1 có giá 250.000 đồng/kg. Năm 2019, HTX đã tiêu thụ được hơn 16 tấn chè xanh, cho doanh thu hơn 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sản lượng chè xanh của HTX bị chững lại, để duy trì sản xuất HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu để cung cấp nguyên liệu giảm bớt áp lực đối với sản lượng chè xanh. Đồng thời, HTX đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến, xây dựng hồ sơ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu để được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP trong năm nay, từ đó tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất thị trường tiêu thụ.

Với hiệu quả từ mô hình đem lại, trong thời gian tới chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng ra nhiều cơ sở sản xuất chè và các địa phương khác trong tỉnh, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu chè Phú Thọ trên thị trường trong nước và quốc tế./.

 

TH.S NGUYỄN TRƯỜNG GIANG

PHÓ CHI CỤC TRƯỞNG

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn