Thứ Bảy, 20/4/2024
Hiệu quả ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra, chỉ đạo xử lý sinh vật gây hại trên lúa ở xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê

(baophutho.vn) - Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) là biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới, có nhiều ưu việt, đang được người dân trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng. Phương pháp này đã và đang giúp giảm được chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận trên một đơn vị canh tác.

 

Giảm thiểu mối nguy hại
Thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực; lồng ghép triển khai một số mô hình IPM trên cây chè, lúa, cây ăn quả, tạo hiệu ứng tích cực để mở rộng diện tích ứng dụng IPM trên cây trồng, giảm được lượng thuốc, phân bón hóa học sử dụng. 

Là một trong những người đầu tiên tham gia thực hiện mô hình IPM ở địa phương trên cây bưởi, ông Nguyễn Minh Mạch, khu Chí, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng chia sẻ: “Nếu như trước đây, người dân trồng bưởi phun thuốc theo định kỳ, thì nay đã biết điều tra đối tượng dịch hại, đến ngưỡng nào đó mới phun và dùng bằng chế phẩm sinh học là chủ yếu. Riêng gia đình tôi còn ủ thêm cá, đậu tương để bón cho cây, tăng sức đề kháng, mọi vật tư chăm sóc cho vườn bưởi đều được ghi tên, ngày mua, đại lý nào, dùng khi nào để theo dõi. Đến nay, vườn bưởi của gia đình đã cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm”. 

Ông Đỗ Chí Thành - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đoan Hùng cho biết: “Từ khi thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, huyện đã xây dựng 34 mô hình ứng dụng IPM trên cây bưởi và cây lúa với tổng số gần 300ha, trong đó chủ yếu áp dụng trên cây bưởi. Để đảm bảo cây bưởi phát triển, cho năng suất cao khi áp dụng IPM, Trạm thường xuyên tập huấn cho người dân các xã. Việc tập huấn này không chỉ ở hội nghị mà còn cầm tay chỉ việc ngay tại vườn cho nông dân, để người dân áp dụng các biện pháp sinh học như tỉa cành tạo tán, bao quả, bẫy bả…, nhờ đó đã kìm hãm mật độ sâu hại một cách đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả trên cây trồng”.

Cùng với mô hình IPM trên cây bưởi, mô hình IPM trên cây lúa gắn với tổ dịch vụ BVTV được triển khai ở nhiều địa phương. Mô hình ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với quy mô liền vùng 10ha, gieo cấy cùng thời vụ trên giống lúa VNR20 và áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI); quản lý dịch hại theo IPM, trong đó có triển khai dịch vụ BVTV để phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái; tổ chức diệt chuột tập trung. Kết quả cho thấy, cấy theo kỹ thuật SRI, trong mô hình cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm hơn tập quán 3 ngày, số dảnh hữu hiệu bình quân đạt 6,8 dảnh/khóm, tập quán đạt 6,2 dảnh/khóm, mức độ bị sâu bệnh thấp hơn so với tập quán. Năng suất đạt trên 230kg/sào (gần 6,3 tấn/ha), cao hơn ruộng tập quán 29kg/sào (tương đương 8,0 tạ/ha) và cho lãi cao hơn tập quán 8 triệu đồng/ha. Mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu bệnh khi đến ngưỡng giúp giảm chi phí phun mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao. 

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm hóa chất sử dụng, hướng đến quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện gần 400 mô hình ứng dụng IPM với trên 96.000 hộ tham gia. Trong đó cây lúa 159 mô hình; cây rau 26 mô hình; cây chè 24 mô hình; cây bưởi 60 mô hình; các mô hình IPM khác như: Bể chứa, diệt chuột tập trung, ngô, ổi, cây dược liệu,… 90 mô hình. Hiệu quả khi ứng dụng biện pháp IPM trong sản xuất đã góp phần giảm đáng kể lượng thuốc BVTV, nếu như năm 2015 tổng sản lượng thuốc BVTV kinh doanh buôn bán gần 120 tấn  đến năm 2020 còn trên 70 tấn. Trung bình trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng thuốc tiêu thụ trên địa bàn tỉnh gần 90 tấn; lượng thuốc giảm trung bình hàng năm trên 9 tấn, tương ứng 9,65%. Lượng thuốc BVTV sử dụng năm 2020 giảm gần 48 tấn so với năm 2015, tương ứng 40,06%. 



Cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đoan Hùng hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp IPM trên cây bưởi.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng IPM

Việc áp dụng IPM trên cây trồng đã góp phần tăng tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thuốc BVTV hóa học, giảm lượng giống và nước tưới, tăng năng suất cây trồng. Người dân đã từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, hạn chế sử dụng phân vô cơ, giảm tồn dư hóa chất trong không khí, nguồn nước, đất đai, sản phẩm làm ra sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do thời tiết trong vài năm gần đây có những diễn biến bất thuận cho sản xuất nông nghiệp, kèm theo đó là tình hình sinh vật gây hại cũng phát triển khiến cho công tác chỉ đạo phòng trừ khó khăn hơn. Diện tích canh tác tuy đã được dồn đổi một phần song còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến khó đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ và khó khăn trong quản lý, khống chế sinh vật gây hại. Nhân lực lao động cho sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa, rau màu có xu hướng già hóa. Đến cuối giai đoạn thực hiện, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công tác chỉ đạo, tập huấn, đầu ra cho các nông sản còn gặp khó khăn. Kinh phí để thực hiện chương trình IPM còn ít, một số huyện chưa bố trí được kinh phí hàng năm cho thực hiện chương trình.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên, đồng thời thực hiện đảm bảo các mục tiêu ứng dụng IPM trên cây trồng, ngành Nông nghiệp và PTNT, các huyện, thành, thị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và người sản xuất; xây dựng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và dịch vụ BVTV; nhân rộng các mô hình IPM có hiệu quả trong sản xuất đại trà; phát triển các tổ dịch vụ BVTV đáp ứng với nhu cầu sản xuất; tăng cường và sử dụng hợp lý, tiếp tục lồng ghép các nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% diện tích cây chè, cây bưởi, 80-85% diện tích cây lúa, cây rau và cây chuối áp dụng chương trình IPM vào sản xuất, có từ 60-70% thuốc BVTV sinh học được sử dụng, có 60% diện tích được sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hiệu quả sản xuất tăng 10%. 

Ông Phan Văn Đạo-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng là định hướng, giải pháp phù hợp trong canh tác bền vững đã được các cấp, ngành quan tâm, được nông dân, các HTX, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hưởng ứng, áp dụng. Thực hiện IPM đã giảm được mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, giảm lượng phân bón hóa học, làm môi trường sản xuất sạch và bền vững. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.


Hoàng Hương



THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn