Ruồi vàng hại quả bưởi
là một trong những đối tượng gây hại mạnh trên cây ăn quả có múi và gây thiệt hại
đáng kể đối với cây bưởi. Những quả bị ruồi hại bị biến màu, chuyển vàng sớm
(giả chín), rụng sớm và rất dễ rụng. Thiệt hại do ruồi vàng gây ra thường từ
2-5% số quả trên vườn, cá biệt có những vườn bị hại trên 10% số quả. Trên các
giống bưởi khác nhau, mức độ gây hại của ruồi vàng cũng khác nhau, có thể là do
đặc điểm mùi tinh dầu và màu sắc của quả bưởi có ảnh hưởng đến tính hấp dẫn đối
với ruồi vàng. Giống bưởi Diễn tôm vàng bị ruồi vàng hại mạnh nhất, sau đó đến
các giống bưởi khác như Diễn tôm xanh, Da xanh, Xuân Vân,... bưởi đặc sản Đoan
Hùng, đặc biệt là giống bưởi Bằng Luân ít bị ruồi vàng gây hại, đây là đặc điểm
rất quý mà chọn lọc tự nhiên ban tặng cho giống này.
Ruồi vàng gây hại rất
rộng cũng như có nhiều loài, ruồi vàng hại quả bưởi đồng thời cũng hại nhiều quả
khác và ngược lại vì thế việc quản lý và phòng trừ ruồi vàng là không hề đơn giản.
Ruồi vàng là đối tượng kiểm dịch thực vật của nhiều nước có nhập khẩu hoa quả của
nước ta như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật và EU.
Trên cây bưởi, ruồi
vàng hại từ khá sớm, vào tháng 6, khi quả bưởi có kích thước tầm cái bát cơm đã
thấy ruồi gây hại, mức độ tăng dần và thường hại mạnh vào cuối hè và những
tháng mùa thu. Sau đó, bước sang mùa đông, nhiệt độ giảm dần mức độ hại của ruồi
cũng giảm tương ứng. Những quả bưởi bị cháy nắng, bệnh loét đồng thời cũng là những quả bị
ruồi vàng hại đầu tiên ngay tại vị trí vỏ quả bị tổn thương, biến màu. Những vườn
rậm rạp, ít thông thoáng sự gây hại của ruồi vàng cũng mạnh hơn so với những vườn
được cắt tỉa.
Trồng xen ổi trong vườn
bưởi sẽ hút ruồi vàng tới vườn, nhưng vườn bưởi có vài cây để dẫn dụ và diệt
cũng là một biện pháp hợp lý. 1ha bưởi có thể trồng 4-5 cây ổi ở vị trí rìa vườn và chúng ta có thể đặt các bẫy trên
cây ổi. Đối với những vườn thuần, 1ha treo từ 25-35 bẫy. Thị trường phổ biến 3
loại bẫy:
- Sử dụng bẫy dích màu
vàng, loại này đơn giản nhất và bắt được những côn trùng gây hại khác như rầy,
bọ phấn.
- Bẫy xịt màu vàng
dính và có mùi hấp dẫn ruồi, loại này người làm vườn cần treo thêm chai nhựa,
bóng nhựa để xịt lên đó làm bẫy. Tấm chắn mưa, nắng phía trên cũng làm tăng thời
gian xử dụng bẫy khi xịt.
- Sử dụng lồng treo kết
hợp với chất dẫn dụ, diệt ruồi vàng. Một số chế phẩm dẫn dụ trên thị trường hiện
có là Acdruoivang 900OL, Flykil 95EC, Vizubon – D AL,...
Các bẫy dẫn dụ và tiêu
diệt trên cần được treo ngoài rìa vườn là chủ yếu để ngăn chặn ruồi vào vườn
cũng như kéo ruồi ở trong vườn ra. Mật độ thay bẫy phụ thuộc vào thời tiết và mức
độ gây hại của ruồi vàng, trung bình 2 tuần thay bẫy 1 lần. Sử dụng bẫy sẽ rất
hiệu quả khi trong vùng các nhà vườn cùng thống nhất treo bẫy. Nếu nhà vườn
riêng lẻ thì cần treo đủ số lượng bẫy (ít nhất là 30 bẫy/ha) và thay bẫy khi hết
mùi, hết dính theo khuyến cáo.
Sử dụng túi lưới màu
trắng để bao quả cũng ngăn ngừa được ruồi vàng gây hại, nhưng cần tính toán về chi
phí mua túi, công bọc, công tháo để quyết định. Bao quả được tiến hành trong
tháng 5, đầu tháng 6, khi số quả trên cây đã ổn định và được tuyển chọn. Trước
khi tiến hành bao cần phòng trừ các loại rầy rệp gây hại.
Ngoài ra, một số thuốc
BVTV sinh học như Biomax 1EC, Neem Nim Xoan xanh green 0.3EC, GC-Mite 70SL, Emi
oil, dầu khoáng, ... được thử nghiệm đối với các mô hình quản lý dịch hại tổng
hợp IPM, sản xuất hữu cơ đã có hiệu quả tốt trong xua đuổi, làm mất định hướng
của trưởng thành và gây chết khi tiếp xúc với thuốc./.
Th.s Nguyễn Trường Giang
Phó Chi cục trưởng