Thứ Năm, 26/12/2024
Tập trung phòng trừ sâu xanh ăn lá cây bồ đề năm 2022
Gửi bài In bài
Sâu non gây hại lá bồ đề

Kết quả điều tra, phát hiện sinh vật gây hại (SVGH) trên cây lâm nghiệp vừa qua của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy: Một số loại sâu hại xuất hiện sớm và mạnh hơn so với những năm gần đây và cùng kỳ. Một trong số đó là sâu xanh gây hại cây bồ đề. Hiện nay, sâu xanh bồ đề gây hại tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa, Yên Lập với tổng diện tích nhiễm trong tháng 6 là 322,5 ha, trong đó nhiễm nhẹ 145 ha, nhiễm trung bình 117,5 ha, nhiễm nặng 60 ha (Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn của huyện Yên Lập; Hiền Lương, Đại Phạm, Tứ Hiệp, Đan Thượng của huyện Hạ Hòa); mật độ gây hại phổ biến 30 - 50 con/cây, cao 100 - 150 con/cây, cục bộ 500 - 600 con/cây. Diện tích đã phòng trừ 217 ha, trong đó có 10 ha tại Hạ Hòa phải phun lại lần 2.

Dự báo trong thời gian tới, lứa tiếp theo, sâu xanh tiếp tục phát sinh gây hại với quy mô rộng hơn, dự kiến diện tích tiếp tục cần phòng trừ trong thời gian đầu đến giữa tháng 7 vào khoảng 360 ha. Để tập trung phòng trừ sâu xanh gây hại bồ đề hiệu quả, tránh lây lan ra diện rộng, chúng tôi xin phổ biến một số đặc điểm gây hại và biện pháp phòng trừ loài sâu này như sau:

* Về đặc điểm hình thái và tập tính sinh học:

Sâu xanh ăn lá Bồ đề có vòng đời khoảng 35 - 45 ngày. Trưởng thành màu xám, có râu đầu hình lông chim, hoạt động về đêm, ưa ánh sáng đèn (đây là đặc điểm để bẫy trưởng thành bằng đèn); sau khi vũ hoá, chúng giao phối và đẻ trứng ngay, mỗi con cái đẻ khoảng 100 - 120 trứng, 2-3 ổ, mỗi ổ từ 40 - 70 trứng, các ổ trứng thường ở trên thân cây, mặt dưới lá bồ đề ở độ cao dưới 2,5m. Sâu non màu xanh có 4 tuổi, tuổi 1 sống quần tụ, từ tuổi 2 trở đi sống tản mạn, phân bố đều trên tán lá và gây hại mạnh ở tuổi 3 và 4. Nhộng màu nâu đen, nằm trong đất, phân bố đều trong hình chiếu tán lá ở độ sâu 1 - 7 cm.

 

Trưởng thành và trứng sâu xanh bồ đề

Hàng năm, có khoảng 6 - 7 lứa sâu gối nhau gây hại trên các đồi, rừng Bồ đề từ tháng 4 đến tháng 10, trong đó gây hại mạnh nhất từ trung tuần tháng 6 trở đi. Cần đặc biệt quan tâm lứa sâu tháng 7 và tháng 9 hàng năm.

 

Sâu non mới nở 

          * Đặc điểm gây hại:

Loài sâu này có tính chọn lọc thức ăn cao, chỉ ăn lá Bồ đề, không ăn các loại lá cây khác. Sâu non ăn toàn bộ phần lá, từ lá non, lá bánh tẻ và lá già của cây đến khi trụi toàn bộ lá trên cây. Cây Bồ đề bị hại nặng không còn lá sẽ chậm phát triển, còi cọc, khẳng khiu, một thời gian sau mới hồi phục và ra lá mới. Khi ra lá mới lại bị sâu gây hại, nhiều lứa liên tục như vậy cây có thể chết.

 

Sâu non gây hại lá bồ đề

* Biện pháp phòng trừ:

Cần áp dụng tổng hợp các biện pháp để phòng trừ có hiệu quả:

- Biện pháp canh tác: Tỉa, dặm, phát cành để cây có khoảng cách hợp lý, bón cân đối các loại phân bón để cây khỏe, tăng khả năng chống chịu với sâu hại.

 - Biện pháp thủ công: Huy động chủ rừng tiến hành sử dụng bẫy đèn để bắt và tiêu diệt trưởng thành; thực hiện xới xáo quanh gốc cây (toàn bộ hình chiếu tán lá) để diệt nhộng nhằm hạn chế trưởng thành vũ hóa; bắt giết trưởng thành, diệt các ổ trứng, giết ổ sâu non mới nở khi còn ở tầm thấp chưa di chuyển lên trên tán cây.

- Biện pháp sinh học: Bảo vệ các loài thiên địch có sẵn trong rừng, đặc biệt là bảo vệ các loài chim ăn sâu để khống chế mật độ sâu hại.

- Biện pháp sử dụng thuốc BVTV: Tổ chức các đội phun tập trung, sử dụng bình phun động cơ, bình ác quy, những diện tích khó tiếp cận có thể sử dụng thiết bị không người lái, phun triệt để các khu rừng bị hại, cụ thể:

+ Đối với những diện tích rừng có địa hình thấp, nguồn nước thuận lợi, cây còn thấp: Sử dụng những loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi mạnh, pha với nước dùng bình phun để phun phòng trừ, ví dụ như: Bestox 5EC, Thanatox 5EC, Supertox 5EC,...

+ Đối với những diện tích rừng tuổi lớn, địa hình cao, không có nguồn nước: Sử dụng những loại thuốc có hoạt chất Nereistoxin, ví dụ như: Neretox 95 WP, liều lượng 1,1 kg trộn đều với 6 - 7 kg bột nhẹ phun cho 1 ha; Dùng máy phun động cơ phun thuốc dạng bột phun theo từng băng rộng 10 - 15 m theo đường đồng mức từ trên xuống dưới.

+ Đối với diện tích rừng khó tiếp cận dùng thiết bị bay không người lái để phòng trừ.

Đặc biệt chú ý: Khi phun thuốc cần cắm biển cảnh báo khu vực phun thuốc đảm bảo an toàn cho người và động vật, nhất là những nơi lấy nguồn nước từ trong rừng về để sử dụng làm nước sinh hoạt. Sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì để đúng nơi quy định của địa phương.

Để đảm bảo phòng trừ hiệu quả sâu xanh ăn lá Bồ đề, cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND các xã có diện tích trồng cây bồ đề, thực hiện tốt công tác rà soát diện tích rừng trồng Bồ đề, phát hiện các diện tích nhiễm sâu, đồng thời tuyên truyền cho các chủ rừng về nhận biết, tác hại của sâu xanh ăn lá Bồ đề để tiến hành phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

                              Ths. Trần Thái Ninh

                     Cán bộ phòng BVTV


THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn