Nông dân huyện Đoan Hùng thụ phấn bổ sung cho bưởi đặc sản
Bưởi
Đoan Hùng là cây đặc sản có giá trị của tỉnh Phú Thọ, được cấp văn bằng bảo hộ
chỉ dẫn địa lý (đối với 2 giống bưởi đặc sản) và công nhận là tài sản quốc gia
được nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên lãnh thổ Việt Nam. Trong những năm qua,
được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện,
sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn kỹ thuật, cùng với việc áp dụng các tiến
bộ kỹ thuật vào sản xuất, cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã tiếp tục phát triển và đạt
hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm giàu cho người trồng bưởi. Tính đến hết năm
2021, diện tích bưởi trên toàn huyện là 2.574,5 ha, năng suất bưởi 24.000 tấn,
giá trị kinh tế cho thu trên 330 tỷ đồng.
Hiện
tại, cây bưởi đang ra lộc, phát triển nụ hoa, một số vườn đã nở hoa rải rác. Tuy
nhiên, đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ những ngày cuối năm Âm lịch tới nay kèm
theo mưa ẩm đã ảnh hưởng đến quá trình ra hoa - đậu quả của cây bưởi. Theo dự
báo thời tiết, tháng 2 năm 2022, khả năng nền nhiệt độ sẽ thấp hơn trung bình
nhiều năm và cùng kỳ, để cây bưởi có hoa khỏe, tỷ lệ đậu quả cao người trồng bưởi
cần chú ý một số kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh giai đoạn cây bưởi ra
hoa - đậu quả như sau:
* Chăm sóc: Bổ sung thêm
dinh dưỡng cho cây bằng cách sử dụng phân bón gốc,
các chế phẩm sinh học, phân bón qua lá phun ở giai đoạn ra nụ và sau khi hoa
tàn đến quả non để làm tăng tỷ lệ đậu quả, giảm số hạt trong quả (Phun theo hướng
dẫn trên bao bì với từng loại chế phẩm). Sử dụng phân bón gốc, qua lá có các nguyên tố đa vi lượng, đặc biệt lưu
ý phân bón vi lượng có hàm lượng Bo như: Botrac, Agrifert - Liquid Bor, Profarm - Lbor, Profarm - Fruity, V -
Zinplus…Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm kéo dài có thể dùng biện pháp thủ công
rung cây, rung cành nhẹ để giảm bớt tình trạng cánh hoa bết dính vào nhau gây rụng
hàng loạt. Ngoài ra, quản lý cỏ, tạo độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt.
* Kỹ thuật thụ phấn bổ sung: Kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho bưởi Đặc sản Đoan Hùng
làm tăng tỷ lệ đậu quả rõ rệt so với thụ phấn tự nhiên. Việc thụ phấn cần tiến hành nhiều đợt trong thời gian hoa nở, tranh
thủ lúc trời tạnh ráo dùng sào có đầu gắn chổi lông mềm để quét qua nhị, nhụy
các hoa khỏe, mới nở (hoa to, cánh đều, trắng; nhiều nhị, túi phấn to, vàng). Sử
dụng hoa bưởi chua, bưởi khác giống làm hoa cho phấn, chọn những hoa mới nở
dùng panh kẹp bỏ cánh hoa và nhụy hoa, sau đó lấy nhị của hoa cho phấn chấm nhẹ
lên đầu nhụy hoa bưởi Đoan Hùng. Mỗi hoa cho phấn thụ cho khoảng 8-10 hoa bưởi
Đoan Hùng. Thời gian thụ phấn tốt nhất từ 8-10 giờ và 14-16 giờ.
*
Phòng trừ sinh vật gây hại: Thường xuyên kiểm tra
vườn bưởi phát hiện và phòng trừ kịp thời, nhất là trước thời điểm vườn nở rộ
và sau khi tàn hoa. Coi trọng các biện pháp thủ công, ưu tiên sử dụng các loại
thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, phòng trừ sâu bệnh theo IPM. Một số đối tượng sinh
vật gây hạicần chú ý: bệnh thán thư gây thối nụ thối hoa, thối quả, bệnh chảy
gôm, bọ trĩ, rầy, rệp các loại, sâu vẽ bùa,…
+ Bọ trĩ: Hiện nay trong danh
mục thuốc BVTV hiện hành rất ít thuốc đăng ký trừ bọ trĩ, có thể sử dụng một số
thuốc ví dụ như: Catex 3.6 EC, Silsau 10WP, Aremec 36EC, Reasgant 1.8EC/3.6EC,
Karate 2.5EC, Confidor 200SL, ….
+ Rệp sáp: Khi cây có trên 15% cành, lá bị hại sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như thuốc: Biomax
1EC, Applaud 25SC, Hello 700WG, Map - Judo 25WP, Taron 50EC, Actara 25WG,...
+ Bệnh thán thư: Vệ sinh vườn bưởi, tỉa bớt chồi trong thân, lộc xuân mọc quá dày, thu dọn các
bộ phận bị bệnh đem tiêu hủy, khi tỷ lệ lộc, lá hại từ 10% thì sử dụng một số
loại thuốc BVTV như: Fungonil 75WP, Amistar® 250 SC, Diboxylin 4SL, Sucker 2SL,
Penncozeb 75WG /80 WP, Actinovate 1SP, Actino - Iron 1.3SP....
+ Bệnh chảy gôm: Khi trên
vườn có trên 10% thân cây bị hại hoặc trên 25% số cành bị hại, Sử dụng một
số loại thuốc: Insuran 50 WG, Profiler 711.1 WG, Aliette 800 WG, Stifano 5.5SL, Sat 4SL, MAP Green 6SL, Xanized
72WP, Tungsin-M 72WP, Alpine 80WP (80WG), .... Đối với bệnh hại trên thân, cành cần cạo sạch
vết bệnh sau đó dùng thuốc quét vào vết bệnh.
* Lưu
ý: Hạn chế tối đa
việc dùng thuốc BVTV hay phân
bón qua lá trong thời kỳ hoa nở rộ để tránh ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ phấn và côn
trùng có ích tới vườn. Chỉ nên xử lý giai đoạn phát triển nụ và sau khi hoa tàn,
đậu quả trên 70%.
Đỗ Chí Thành
Trưởng trạm TT&BVTV huyện Đoan Hùng