Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc cây chè tại huyện Tân Sơn
Vụ Xuân năm 2023 được xem là một vụ
Xuân khô hạn, lượng mưa ít, không thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển.
Đặc biệt, cuối tháng 5, đầu tháng sáu, đợt nắng nóng đầu mùa Hè kéo dài khoảng
trên 7 ngày, với nhiệt độ ban ngày luôn luôn duy trì khoảng 350C –
380C, có những ngày trên 400C, ẩm độ không khí thấp dưới
60%, đã làm cho một số diện tích chè đang vào đợt thu hái búp lứa 2 bị cháy
búp, táp lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cũng như năng suất thu hoạch.
Điều này càng nghiêm trọng hơn đối với những nương chè không có cây che bóng hoặc
có cây che bóng nhưng không đủ mật độ.
Qua kiểm tra thực tế, Chi cục Trồng
trọt và BVTV đã phát hiện một số diện tích chè có biểu hiện cháy búp, táp lá nằm
rải rác ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng…Chi cục Trồng trọt và BVTV đã
phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện kiểm tra tình hình sinh trưởng
và phát triển của cây chè, hướng dẫn chăm sóc, khắc phục ảnh hưởng của đợt nắng
nóng kéo dài. Qua đó, chúng tôi xin đưa ra một số lưu ý trong chăm sóc cây chè
nhằm giảm ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài như sau:
Cây chè có nguồn gốc từ vùng rừng á
nhiệt đới. Nó chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện sinh thái trong quá trình sống
và phát triển. Điều kiện tối thích để cây chè phát triển là nhiệt độ bình quân
ngày đêm 150C đến 250C, tổng nhiệt độ hằng năm khoảng
80000C, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.500 – 2.000mm, ẩm độ
không khí 80 – 85%, ẩm độ đất 70 – 80%, dưới ánh sáng tán xạ. Nếu nhiệt độ bình
quân ngày đêm dưới 150C và trên 300C, cây chè sẽ ngừng
sinh trưởng.
Nguyên nhân gây cháy búp, táp lá: Có
một số nguyên nhân chính như nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhiệt độ ban ngày trên
mặt tán chè lên đến 350C - 380C, có những ngày trên 400C;
đồi chè không có cây che bóng hoặc có cây che bóng nhưng không đủ mật độ (Do
nông dân đã phá đi để thu hái bằng máy cho tiện), bón phân không cân đối, bón
nhiều phân đạm; phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dạng nhũ dầu (Ký hiệu EC, ND),
thuốc kích thích sinh trưởng vào ngày trời nắng.
Cách khắc phục:
Trước mắt: Sau đợt nắng nóng cần cắt và
dọn hết những búp non và lá bị cháy táp trên mặt tán, tăng cường bón phân hữu
cơ, HC- vi sinh kết hợp cầy xới dưới gốc, tủ gốc bằng rơm rạ, cây phân xanh hoặc
cành chè khi đốn để tăng khả năng giữ ẩm. Hạn chế tối đa bón phân hóa học, đặc
biệt là phân đạm vào mùa nắng nóng. Sau khi nhiệt độ giảm xuống dưới 350C,
có mưa, cây chè sẽ hồi phục trở lại. Tuyệt đối không được phun thuốc BVTV dạng
nhũ dầu (Ký hiệu EC, ND) hoặc thuốc kích thích sinh trưởng vào thời điểm nắng
nóng.
Về lâu dài: Cần trồng cây che bóng đủ
mật độ trên nương chè, xây dựng hệ thống tưới cho cây chè (Tưới dạng phun mưa
là tốt nhất), sản xuất chè theo hướng hữu cơ, sinh thái, ứng dụng biện pháp quản
lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng.
Chúc bà con nông dân trồng chè và các
cơ sở sản xuất, kinh doanh chè gặt hái nhiều thành công./.
Chi
cục Trưởng – Phan Văn Đạo