Thứ Năm, 26/12/2024
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ Ruồi đục quả trên cây bưởi
Gửi bài In bài
Chi cục TT&BVTV kiểm tra, hướng dẫn người dân xã Vân Đồn phòng trừ Ruồi đục quả bưởi

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Đoan Hùng nói riêng, toàn bộ diện tích bưởi kinh doanh đã bước vào giai đoạn quả phát triển ổn định về kích thước, chuyển sang giai đoạn tích luỹ và chuyển hoá về chất lượng. Đây là giai đoạn quan trọng, bà con nông dân cần tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật để đạt năng suất cao, chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp, giá bán cao.

Theo kinh nghiệm, giai đoạn quả bước vào chuyển hoá dinh dưỡng cũng chính là thời điểm bón phân đợt cuối (thường vào khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 hàng năm), bón phân kali với lượng bón khoảng 30% tổng lượng phân bón cả vụ thì quả mới ngọt, mẫu mã quả đẹp, vỏ quả có màu vàng sáng. Sử dụng các loại phân có hàm lượng Kali cao như Kalisulphate (K2SO4), Kali clorua (KCl), … để bón gốc hoặc sử dụng phân bón qua lá có hàm lượng Kali cao như Profarm Kalisol one, Farm Kali top, Kali siêu ngọt, Epnon K36, … để phun; kết hợp tưới nước đủ ẩm khắc phục hiện tượng khô tôm, khô múi, trước khi thu hoạch từ 1 -1,5 tháng dừng tưới để chất lượng quả ngon, ngọt hơn.

Ở giai đoạn này bà con nông dân không được chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại, cần lưu tâm đến các đối tượng thường hay xuất hiện, gây hại: Ruồi đục quả, bệnh chảy gôm, bệnh sẹo, bệnh loét, nhện, rệp, đặc biệt Ruồi đục quả (hay còn được gọi là Ruồi vàng, Dòi đục quả) là loại côn trùng gây hại mạnh và ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, mẫu mã và doanh thu của người trồng bưởi. Ruồi đục quả (Ruồi vàng) thường gây hại mạnh từ tháng 7 trở đi đến lúc thu hoạch. Ruồi đục quả dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả và đẻ trứng tại đó, mỗi lần chích có thể đẻ từ 5 - 10 trứng/lỗ, một con cái có khả năng đẻ từ 150 - 200 quả trứng. Các vết chích của ruồi lúc đầu to bằng đầu kim hơi lõm xuống (chấm đen nhỏ), 2 - 3 ngày sau vết chích to dần và có màu nâu sẫm rồi chuyển sang màu vàng, có nhựa chảy ra (xì mủ). Ruồi cái đẻ trứng, sau 1 - 2 ngày trứng nở ra thành sâu non (ấu trùng hay dòi), dòi đục sâu vào trong quả thành nhiều đường vòng vèo khác nhau. Mỗi quả có thể có nhiều ấu trùng dạng dòi nên mức độ gây hại của ruồi vàng là rất lớn. Từ vết đục, vi khuẩn, nấm, … có thể xâm nhập vào và gây bệnh thối quả. Quả bị Ruồi vàng hại thường dễ biến dạng, cong vẹo, méo mó và rụng hàng loạt.

 Để quản lý tốt đối tượng Ruồi vàng, các hộ trồng bưởi cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong suốt quá trình sinh trưởng của cây như sau:  

- Biện pháp canh tác: Bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán hợp lý để vườn bưởi thông thoáng, quản lý cỏ dại, vệ sinh vườn bưởi, thu nhặt quả bị hại đem tiêu hủy để diệt dòi.

- Biện pháp thủ công: Sử dụng túi chuyên dùng bao quả từ sau thời kỳ rụng quả sinh lý trở đi. Quản lý tốt các cây trồng xen (ổi, khế, dứa…), thu hoạch quả chín kịp thời để tránh hấp dẫn ruồi đẻ trứng.

- Sử dụng các chế phẩm bẫy bả dẫn dụ để tiêu diệt ruồi trưởng thành: Dùng những loại thuốc như Vizubon - D, Ento-Pro 150SL, Acdruoivang 900OL, … quét lên những loại hoa quả có mùi thơm dẫn dụ như dứa, xoài, ổi …; Hoặc tẩm thuốc vào bông và đặt vào lồng (bẫy) mua sẵn trên thị trường hoặc lồng tự chế. Hoặc dùng những bẫy dính màu vàng để treo. Mật độ bẫy khoảng 20 - 25 bẫy/1ha, treo rìa xung quanh vườn, không treo giữa vườn.

 Cách làm lồng tự chế như sau: Dùng chai nhựa có màu vàng (không dùng chai màu trắng) khoét 2 lỗ nhỏ hình chữ nhật đối diện nhau khoảng 2 x 2,5cm; dùng dây thép 1 đầu buộc bông đã thấm thuốc, 1 đầu còn lại đâm thủng đáy chai để cố định và làm móc treo.

- Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam trên cây có múi chứa hoạt chất Flubendiamide, Petroleum oil, … Ví dụ thuốc: Takumi 20 SC, Soka 25EC, … sử dụng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

 

Đỗ Chí Thành

Trưởng Trạm TT&BVTV huyện Đoan Hùng



THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn