Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ
vừa phối hợp với Tập đoàn ThaiBinh Seed tổ chức tổng kết mô hình quản lý cây
trồng tổng hợp (ICM) trên giống lúa TBR225 gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật vụ
mùa 2023 tại xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) vào ngày 21/9 vừa qua.
Trình diễn giống lúa TBR 225 kháng bạc lá vụ mùa 2023, đem
lãi hơn 8 triệu đồng/ha cho bà con nông dân tại xã Mỹ Thuận. Ảnh: Hoan Nguyễn
Mô hình ICM trên giống lúa TBR225 gắn với dịch
vụ bảo vệ thực vật vụ mùa 2023 được triển khai trên tổng diện tích 5ha với tổng
số 53 hộ tham gia. Giống lúa được sử dụng là giống TBR225 kháng bạc lá, gieo
cấy theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI).
Gia đình chị Ngô Thị Hài (xóm Đường, xã Mỹ
Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đang chuẩn bị thu hoạch lúa TBR225 trong
mấy ngày tới. Chị Hài cho biết, khi mới cấy giống lúa này cũng hơi nghi ngại
bởi không biết năng suất lúa thế nào, nếu thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn
thu của gia đình.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn cấy giống
lúa TBR225, gia đình chị Hài đã thấy được nhiều ưu điểm vượt trội so với những
giống lúa trước đây từng gieo trồng như: Cây cứng, ít sâu bệnh, sinh trưởng,
phát triển nhanh. Khi lúa trổ, bông dài, số hạt nhiều...
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang chịu nhiều rủi ro
do biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại phức tạp, việc đưa các giống lúa mới TBR225
vào canh tác giúp nông dân ở huyện miền núi Tân Sơn nâng cao thu nhập. Ảnh:
Hoan Nguyễn
Chị Hài nhận định, năng suất giống lúa TBR225
sẽ đạt hơn 2,3 tạ/sào, cao hơn các giống lúa trước đây đến gần 50kg/sào...
"Giống lúa tốt giúp tăng năng suất, giảm
công làm cỏ, chăm bón, nhất là giảm nhiều chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu.
Chắc chắn, sau khi trừ chi phí sẽ mang lại số tiền lãi cao trong vụ này, thế là
thành công, sung sướng nhất rồi" - chị Hài nói.
Tại buổi đánh giá kết quả thực tế tại cánh
đồng xã Mỹ Thuận cho thấy, giống lúa TBR225 thực hiện cấy theo phương pháp SRI,
ứng dụng ICM nhanh bén rễ, hồi xanh sau cấy, đẻ nhánh sớm, đạt số dảnh hữu hiệu
cao; thời gian sinh trưởng ngắn, trổ bông tập trung, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp;
cứng cấy, chống đổ tốt hơn so với sử dụng biện pháp cấy tập quán...
Hiệu quả kinh tế rõ rệt từ giống lúa TBR 225 gen kháng bạc,
trong vụ mùa tới, nhiều bà con nông dân xã Mỹ Thuận cho biết sẽ tiếp tục sử
dụng để gieo cấy. Ảnh: Hoan Nguyễn
Đồng thời, khi áp dụng mô hình ICM trên giống
lúa TBR225 gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật, nông dân chỉ phun thuốc trừ sâu
bệnh một lần trong cả vụ. Từ đó, giúp nhà nông giảm được chi phí sản xuất, đặc
biệt là chi phí thuốc và công phun thuốc bảo vệ thực vật.
Đánh giá chung, năng suất của giống lúa TBR225
đạt gần 219kg/sào (tương đương 61,2 tạ/ha), cao hơn ruộng gieo cấy lúa theo tập
quán 43kg/sào, tương đương 12 tạ/ha; doanh thu đạt khoảng 60 triệu đồng/ha, cao
hơn ruộng tập quán 8 triệu đồng/ha.
Ông Phan Văn Đạo, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng
trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết, mô hình ICM trên giống lúa TBR225 gắn
với dịch vụ bảo vệ thực vật là mô hình tích hợp nhiều nội dung, kỹ thuật. Qua
đó, giúp giảm chi phí đầu vào, giảm lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật,
nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho người sản
xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.
"Từ những hiệu quả mang lại, thời gian
tới hy vọng Tập đoàn ThaiBinh Seed sẽ tiếp tục giới thiệu một số giống lúa có
năng suất, chất lượng cao, ngắn ngày phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất
của nông dân địa phương. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ sẽ đề
nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh nhân rộng mô hình ICM gắn với dịch vụ bảo
vệ thực vật nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi
trường. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ hỗ trợ phát triển tổ
dịch vụ bảo vệ thực vật để giảm thiểu mối nguy hại khi nông dân sử dụng thuốc bảo
vệ thực vật..." - ông Đạo nhấn mạnh.
Hoan Nguyễn
– Dân Việt