Thứ Năm, 26/12/2024
Mọt đậu MEXICO - Dịch hại kiểm dịch thực vật nhóm I của Việt Nam
Gửi bài In bài

Trưởng thành Zabrotes subfasciatus
(Hình thái, thời gian sinh trưởng và đặc điểm gây hại trên đậu, đỗ)

Mọt Mexico là một trong những dịch hại kiểm dịch thực vật nguy hiểm thuộc nhóm I của Việt Nam. Chúng gây hại chủ yếu trên họ đậu đỗ ở cả giai đoạn trước và sau thu hoạch. Để giúp các chủ vật thể, cơ quan chức năng liên quan nắm được thông tin về loài mọt này, Chi cục BVTV Phú Thọ giới thiệu một số thông tin liên quan như sau:

Mọt đậu Mexico - Tên khoa học: Zabrotes subfasciatus (Boheman)
Lớp: Insecta (Côn trùng); Bộ: Coleoptera (Cánh cứng); Họ: Bruchidae

Synonyms: (tên gọi khác) 
    Zabrotes pectoralis (Sharp)

    Spermophagus subfasciatus Boheman

    Spermophagus musculus Boheman

    Spermophagus pectoralis Sharp

    Spermophagus semifasciatus Boheman

1. Ký chủ chính:  Chủ yếu trên đậu tây, đậu ngự; Ngoài ra còn hại trên: Đậu Hà Lan, đậu Đũa, Đậu ván và nhiều loại đậu khác,...
Các loại đậu đỗ ký chủ của mọt Mexico - ảnh sưu tầm
(Ảnh sưu tầm trên mạng)

2. Phân bố:

Chưa có ở Việt Nam (là đối tượng thuộc diện KDTV nhóm I của Việt Nam)

Z. subfasciatus có nguồn gốc và là dịch hại quan trọng ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới Trung và Nam Mỹ, đặc biệt có mặt ở Trung và Đông Phi, Madagascar, vùng Địa Trung Hải, Ấn Độ. Theo Bảo tàng sinh học của London, loài này phân bố ở:

Châu Á: Ấn Độ, Israel, Lebanon, Myanmar.

Châu Phi: Ethiopia, Ghana, Kenya, Madagascar, Malawi, Mauritius, Nigeria, Nam Phi, Tanzania, Uganda.

Tây Bán cầu: Argentina, Brazil, Cuba, Ecuador, Guatemala, Jamaica, Mexico, Nicaragua, Panama, Peru, USA (Minnesota, Texas), Venezuela.

3. Đặc điểm hình thái

Trứng: hình bán cầu, trong suốt, màu trắng, lồi ở đỉnh, kích thước: 0,5 x 0,4 mm (Balachowsky, 1962).
Trứng bám trên bề mặt hạt và lỗ đục của mọt
(Trứng đẻ trên bề mặt hạt)
Sâu non: thường đục bên trong hạt. Màu trắng, hơi cong, đầu có một đôi mắt đơn, không có chân, nhiều nếp nhăn, cơ thể dài 2,73 - 3,02 mm, rộng nhất 1,33 - 1,53 mm (Arora, 1978).

Nhộng: dạng nhộng trần, nằm bên trong hạt, màu trắng kem, dài 3,0 mm. Cuối bụng có vài lông cứng ngắn. Có lỗ thở trên đốt ngực và đốt bụng từ đốt 1 đến đốt 6.

Trưởng thành: dài 1,8-2,8 mm, thân hình bầu dục tròn, màu đen, con cái lớn hơn con đực. Trên mảnh lưng ngực phủ nhiều lông màu vàng, 2 bờ bên và bờ trước cong hình bán cầu. Con cái có nhiều đốm lông màu trắng rải rác trên mảnh lưng ngực. Chiều dài của cánh cứng bằng chiều ngang của hai cánh, con cái có đám lông màu trắng chạy ngang chính giữa cánh. Mặt bụng phủ lông màu trắng xám, chính giữa mặt bụng của ngực sau lõm vào trên phủ lông màu trắng.

Trưởng thành đực và cái Râu đầu của trưởng thành - hình răng cưa Hai cựa dài màu nâu đỏ trên đốt chày chân sau con trưởng thành
  (Trưởng thành đực và cái - Râu đầu trưởng thành - Cựa trên đốt chày chân sau)
- Râu đầu hình răng cưa, các đốt nhỏ và dài, 2 đốt gốc màu nâu đỏ.

- Chân màu đen, cuối đốt chày chân sau có 2 cựa dài màu nâu đỏ. Đường sọc thứ 10 của mỗi cánh trước bằng chiều dài của cánh trước. Khớp háng (coxa) trước đóng (sát nhau không tách ra).

4. Đặc điểm sinh học

Trứng được đẻ bên ngoài quả đậu hoặc vỏ đậu. Điều kiện thích hợp để phát triển khoảng 32 oC và ẩm độ 70%, vòng đời là 24 - 25 ngày (Howe và Currie, 1964; Singh và cộng sự, 1979). Nhiệt độ tối thấp để phát triển là 20 oC và nhiệt độ tối cao là 37 - 38 oC.

5. Tác hại:

- Mức độ nguy hiểm: Là dịch hại quan trọng trên đậu (Phaseolus), rất khó phòng trừ vì các pha phát dục nằm trong hạt

- Triệu chứng: Trứng dính bên ngoài vỏ hạt đậu, dễ dàng phát hiện nhất. Trưởng thành sau khi vũ hoá sẽ để lại lỗ thủng trên hạt. Sâu non ăn hại bên trong hạt thành những đường ngoằn ngoèo, làm rỗng hạt.

- Giai đoạn bị hại: Hạt chín sinh lý và sau thu hoạch. Hạt đậu đỗ có thể bị mọt xâm nhiễm và gây hại từ ngoài đồng (hại sơ cấp) vào trong kho.

- Phương pháp phát hiện: Quan sát kỹ bên ngoài hạt, phát hiện pha trứng và vết vũ hoá của trưởng thành, bóp nát hạt đậu kiểm tra pha sâu non và pha nhộng bên trong hạt. Kiểm tra bao bì và phương tiện vận chuyển.
đậu đỗ bị hại
               (Đậu đỗ bị hại)

6. Biện pháp phòng trừ trong kho:

 - Phơi khô hạt đậu đỗ hạn chế mọt gây hại; bảo quản hạt đậu đỗ trong kho thoáng mát;

 - Thường xuyên theo dõi và vệ sinh kho tàng sạch sẽ, thu gom không để lưu các sản phẩm thừa của vụ thu hoạch trước; Khi phát hiện Mọt Mêxicô gây hại, báo cho cơ quan KDTV thuộc Chi cục BVTV biết, áp dụng biện pháp xử lý kịp thời.

- Áp dụng biện pháp xử lý nhiệt (với lượng hàng nhỏ): rang, xử lý nước sôi, ...

- Biện pháp hóa học: Áp dụng với số lượng lớn và  cá nhân, tổ chức được cấp thẻ, chứng chỉ hành nghề xồng hơi khử trùng.

Dùng phosphine và methyl bromide xông hơi kho tàng, đảm bảo đúng  nông độ, liều lượng quy định và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; an toàn cho người, môi trường. Ngoài ra, - theo Don-Pedro, 1989 - có thể trộn thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ trừ Z. subfasciatus.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn