Thứ Sáu, 27/12/2024
Rệp sáp bột hồng hại sắn
Gửi bài In bài

RSBH gây hại chủ yếu ở các nước Châu phi, Châu Mỹ, và các nước Đông Nam Á trong đó có Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia.

Ở nước ta, lần đầu tiên RSBH xuất hiện ở Tây Ninh vào tháng 6 năm 2012. Đến năm 2013 RSBH đã xuất hiện ở một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, KonTum, Sơn La và Gia Lai. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đối tượng này sẽ phát tán, lây lan ra các vùng trồng sắn ở các địa phương khác. Do tính chất nguy hiểm và nguy cơ gây hại nghiêm trọng của RSBH đối với sản xuất sắn ở trong tỉnh nên việc triển khai sớm các biện pháp cụ thể để ngăn chặn sự lây lan gây hại của RSBH là hết sức cần thiết. Trong tháng 9 và 10 năm 2014, Chi cục BVTV Phú Thọ đã chủ động triển khai tổng điều tra đối tượng này trên địa bàn toàn tỉnh. Chi cục cũng đã cử cán bộ tập huấn phương pháp điều tra, phát hiện và phối hợp với Trung tâm BVTV Phía Bắc điều tra RSBH tại các huyện Phù Ninh, Tam Nông và Cẩm Khê. Qua điều tra, đoàn đã khẳng định hiện tại trên các vùng trồng sắn của tỉnh Phú Thọ chưa phát hiện thấy sự có mặt của đối tượng RSBH.

Tuy nhiên, đây là đối tượng gây hại nguy hiểm, việc trồng và luân chuyển, buôn bán hom sắn cũng như các sản phẩm khác của sắn được thực hiện rộng khắp trên địa bàn toàn quốc. Để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời đối tượng này trong những vụ trồng sau, Chi cục BVTV Phú Thọ trích dẫn một số thông tin liên quan đến đối tượng RSBH:

Rệp sáp bột hồng - Tên khoa học: Phenacoccus manihoti

Họ: Pseudococcidae; Bộ: Homoptera

1. Ký chủ chính: ngoài  ký chủ chính trên cây sắn, RSBH còn phát hiện gây hại trên cây cao su, cây trạng nguyên, cây nam sâm, cói lác và cây bái chổi (bái nhọn).

2. Đặc điểm hình thái:

Trứng: Trứng thuôn hình chữ nhật, màu hồng vàng, trong các túi trứng bao phủ kín bằng lông mịn và nằm ở điểm cuối phía sau của trưởng thành cái, Kích thước trứng: chiều dài: 0,30-0,75mm; chiều rộng: 0,15-0,30mm.

Rệp non: Râu đầu của rệp non tuổi 1 có 6 đốt, của rệp non các tuổi tiếp theo có 9 đốt.

Rệp trưởng thành cái: Cơ thể màu hồng, hình bầu dục, bao phủ bởi lớp bột màu trắng mỏng nên màu sắc có thể nhìn thấy được. Chiều dài cơ thể khoảng 1,8-2,3mm. Xung quanh cơ thể có nhiều sợi ngắn bên, cuối bụng có 2 sợi dài hơn.  Có sống sọc nổi trên lưng.

3. Đặc điểm sinh học:

- Ở nhiệt độ khoảng 28 0C: Thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành đẻ trứng khoảng 33 ngày.

- Rệp có khả năng sinh sản đơn tính.

- Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ 300-500 quả trứng, trứng đẻ theo từng ổ.

- Rệp sáp bột hồng phát triển mạnh trong các tháng mùa khô và các tháng có lượng mưa thấp < 30 mm.

- Rệp sống cộng sinh với một số loài kiến.

4. Triệu chứng và tác hại:

- Rệp sáp bột hồng tấn công điểm sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn. Ngọn chính bị gây hại dẫn đến cây sắn trở nên lùn, thân cây cong queo gây rối loạn, rệp bám mặt sau lá. Bị nhiễm với mật độ cao, cây sắn có thể bị rụng toàn bộ lá làm giảm năng suất củ sắn tới 80-84%.

5. Cơ chế lan truyền:

- Rệp sáp bột hồng tồn tại trên tất cả các bộ phận của cây sắn (gốc, thân, lá, điểm sinh trưởng).

- Rệp mới nở dễ dàng bị cuốn theo gió.

- Rệp sáp bột hồng lây lan qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ, và phương tiện vận chuyển…

6. Biện pháp xử lý:

6.1. Biện pháp kiểm dịch thực vật:

- Giám sát chặt chẽ công tác nhập khẩu giống sắn từ các nước vào Việt Nam.

- Tuyệt đối không vận chuyển hom sắn đã bị nhiễm rệp từ vùng này sang vùng khác để trồng,..

 - Nếu phát hiện RSBH có trên hom giống lập tức xử lý lô hàng, hom giống theo quy định của pháp lệnh Bảo vệ và KDTV.

6.2. Biện pháp canh tác và cơ giới:

- Chuẩn bị hom giống sạch, không bị nhiễm rệp.

- Thu dọn tồn dư, dọn sạch cỏ dại, gốc sắn sau thu hoạch để tránh một phần rệp sáp bột hồng còn tồn lại trên ruộng

6.3. Biện pháp hóa học:

- Sử dụng một số hóa chất để phun rệp theo quy định và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

6.4. Biện pháp sinh học: sử dụng các loại ong ký sinh hay các loại bắt mồi ăn thịt.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn