Thứ Năm, 31/10/2024
Mọt đậu xanh
Gửi bài In bài
Mọt đậu xanh

Thực hiện chỉ đạo của Cục BVTV về việc tổng điều tra, phát hiện đối tượng KDTV họ mọt đậu trên địa bàn quản lý. Chi cục BVTV Phú Thọ đã tổ chức tổng điều tra sâu mọt trên địa bàn 13/13 huyện, thành, thị.

Trong quá trình điều tra, Chi cục đã phát hiện 03 loài mọt hại thông thường thuộc họ mọt đậu: mọt đậu xanh, mọt đậu đỏ và mọt đậu nành. Trong đó phát hiện mọt đậu xanh có mật độ và phân bố khá rộng trên địa bàn. Để giúp chủ vật thể nhận biết đối tượng này, chúng tôi xin hướng dẫn chi tiết đối tượng mọt đậu xanh:

Mọt đậu xanh - Tên khoa học: Calosobruchus chinensis (Linnacus).

Lớp: Insecta (Côn trùng); Bộ: Coleoptera (Cánh cứng); Họ: Bruchidae.

1.Ký chủ chính

Là loài ăn tạp trong họ mọt đậu, nó ăn hại các loại đậu, lạc và các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc thực vật, như:  Đậu xanh, đậu tằm, đậu đũa, đậu Hòa Lan, đậu đen, hạt sen, đậu tương, đậu biển... Trong đó, đậu xanh và hạt sen là bị thiệt hại nặng nhất.

2.Phân bố

Mọt đậu xanh có mặt khắp thế giới, các nước vùng nhiệt đới. Phát triển mạnh ở Châu Phi, vùng nhiệt đới Châu Á, Nam Mỹ và miền Nam nước Mỹ. Ở nước ta khắp các vùng đều có loài mọt này.

3.Đặc điểm hình thái

Trưởng thành: Thân hình bầu dục ngắn, kích thước 2,5 - 3,5 mm, màu nâu đen hoặc nâu đỏ. Trên thân có nhiều lông nhỏ màu đen nâu, vàng nâu hoặc trắng xám tạo thành các vân hoa. Râu đầu 11 đốt, râu con cái hình răng cưa, râu con đực hình răng lược.

Râu trưởng thành cái mọt đậu xanh

Ảnh: Râu trưởng thành con cái và con đực mọt đậu xanh

Đầu màu nâu tối đến đen, phủ đầy chấm lõm và lông nhung màu vàng kim. Mảnh lưng ngực hình chóp cụt, mép sau có 2 túm lông hình bầu dục dài màu xám trắng. Trên 2 rãnh của đốt đùi chân sau có 2 răng, răng ngoài tù, răng trong dài và thẳng.

Trứng: Được đẻ dính trên thành vỏ đậu. Có hình trái xoan, một đầu to, một đầu nhỏ. Kích thước khoảng 0,4 -0,6 mm chiều dài và 0,28 -0,4 mm chiều rộng.

Sâu non: Có 4 tuổi, màu sắc thay đổi theo độ tuổi. Tuổi 1 có chân rất nhỏ, không phân đốt. Khi đẫy sức dài khoảng 3,5 mm, màu trắng sữa, mập, cong hình chữ C, không có chân, ăn bên trong sản phẩm.

4.Đặc điểm sinh học

- Trưởng thành không ăn có đời sống ngắn, khoảng 12 ngày ở điều kiện tối thích.

- Con cái đẻ trứng từ giai đoạn quả chín ngoài đồng đến sau khi thu hoạch vào trong kho.

- Điều kiện tối thích cho sự phát triển là khoảng 320C, ẩm độ 90%.

- Vòng đời rất ngắn, khoảng 21 - 23 ngày.

5.Đặc điểm gây hại

- Mọt đậu xanh thường có mặt ngoài đồng ruộng vào thời gian đậu sắp thu hoạch. Chúng đẻ trứng vào các hạt mà quả đã bị khô nứt vỏ hoặc vỏ bị côn trùng hay côn trùng khác ăn hại bỏ sót lại.

- Sau một thời gian ngắn mọt đã phát triển ở trong kho chứa đậu xanh.

6.Biện pháp phòng trừ trong kho

- Phơi khô hạt đậu đỗ hạn chế mọt gây hại; bảo quản hạt đậu đỗ trong kho thoáng mát;

 - Thường xuyên theo dõi và vệ sinh kho tàng sạch sẽ, thu gom không để lưu các sản phẩm thừa của vụ thu hoạch trước.

- Biện pháp hóa học: Áp dụng với những nơi có số lượng hàng lớn, thực hiện bởi các tổ chức được cấp thẻ, chứng chỉ hành nghề xồng hơi khử trùng theo quy định.

                                                                                           Sưu Tầm

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn