Thứ Năm, 25/4/2024
RẦY XANH
Gửi bài In bài

Đặc điểm hình thái

 

Trưởng thành:

thân dài từ 2,5 - 4 mm, màu xanh lá mạ, đầu hình tam giác, chính giữa đỉnh đầu có đường vân trắng, hai cánh trước màu xanh trong suốt xếp úp hình mái nhà.

 

Trứng:

có hình dạng hơi cong hình quả chuối dài khoảng 0,8 mm, mới đẻ màu trắng sữa, sắp nở có màu lục nhạt.

  

Rầy non:

chưa có cánh mà mới chỉ có mầm cánh, lúc mới nở có màu trắng trong, sau chuyển sang màu xanh nhạt và trong quá trình lớn lên mầm cánh của rầy non lớn dần theo tuổi.

 

 

 

Đặc điểm sinh học

Rầy xanh thường đẻ trứng rải rác từng quả một ở các mô mềm của búp chè, nhưng tập trung ở các đốt nối, một con rầy cái trưởng thành có thể đẻ trung bình khoảng 30 trứng và chúng có thể đẻ tối đa tới 150 trứng.
Thời gian trứng từ đẻ đến nở ra rầy non khoảng 5 - 10 ngày tùy thuộc vào thời tiết. Rầy non có 5 tuổi qua 4 lần lột xác, thời gian sống của rầy non khoảng 7-16 ngày tuỳ thuộc vào thời tiết ấm hay lạnh.
Rầy trưởng thành sống khoảng 14-21 ngày, rầy trưởng thành cái sống lâu hơn rầy trưởng thành đực.
Trong một năm trên nương chè có thể có đến 10 thế hệ rầy xanh sống nối tiếp nhau gây hại cây chè và cây kí chủ khác, trong đó có 2 cao điểm mật độ cao gây hại nhiều trong năm là tháng 3-5, tháng 9-11.

Rầy xanh hại chè có đặc tính sợ ánh nắng mặt trời cho nên ban ngày chúng thường ẩn nấp ở trong tán chè và mặt dưới của lá chè. Rầy xanh có đặc tính di chuyển bằng cách bò ngang và có xu tính với ánh sáng đèn yếu.

Triệu chứng tác hại:

Hiện nay rầy xanh hại chè là một trong những loại sâu hại chè quan trọng nhất ở các vùng sản xuất chè nước ta. Cả rầy non và rầy trưởng thành dùng vòi chọc hút dịch cây dọc hai bên gân chính và gân phụ của lá non, đọt chồi non. Các vết chích của chúng nhỏ như kim châm gây thương tổn cho lá, đọt non làm gián đoạn quá trình vận chuyển nước, các chất dinh dưỡng đến lá non, đọt non.

Nếu bị hại nhẹ lá, đọt non chè phát triển chậm, lá uốn cong chuyển màu hồng tím, khi bị hại nặng đọt non bị cong, gặp thời tiết khô nóng các lá non bị hại khô dần từ đầu, mép lá trở vào và có thể khô tới 1/2 diện tích lá. Rầy xanh gây hại làm giảm nghiêm trọng năng suất và chất lượng búp chè. Những vườn chè con mới trồng rầy xanh gây hại làm khô đọt, cây cằn cỗi sinh trưởng chậm và có thể bị chết gây hiện tượng mất khoảng trên nương chè.

Thiên địch của rầy xanh hại chè:

Trên nương chè có nhiều loài sinh vật có ích cho con người vì chúng tiêu diệt rầy xanh gây hại cây chè. Các loài nhện khác nhau như nhện xám trắng, nhện đen, nhện chân dài,... là những loài ăn thịt rầy xanh. Bọ rùa đỏ, bọ rùa carabid; một số loài chuồn chuồn cũng ăn rầy xanh non và trưởng thành. Bên cạnh đó cũng đã phát hiên thấy trứng rầy xanh cũng bị một số loài ký sinh gây hại.

 

Biện pháp phòng trừ tổng hợp

- Trồng và chăm sóc cây chè khoẻ để chịu được rầy:

  + Trong quá trình canh tác cần áp dụng các biện pháp đúng kỹ thuật chăm sóc cây chè để cây chè khoẻ mạnh như tủ gốc giữ ẩm, bón phân hữu cơ và bón cân đói các loại phân khoáng; diệt cỏ dại và loại bỏ các cây ký chủ phụ của rầy trong và xung quanh nương chè; thu hái kịp thời, tạo hình đốn đúng kỹ thuật...

  + Hái thường xuyên (hái san trật) khi búp chè đạt tiêu chuẩn sẽ làm giảm đi các vị trí phù hợp cho rầy đẻ trứng và các búp chè hái sẽ mang nhiều trứng rầy chưa kịp nở từ nương chè. Bằng cách làm thường xuyên như vậy sẽ loại bỏ trứng rầy và mật độ rầy xanh gây hại trên nương sẽ giảm đi đáng kể.

  + Trồng các cây che bóng cho nương chè sẽ làm tăng độ ẩm cho gốc chè, cung cấp nơi cư trú cho các loại thiên địch...sẽ góp phần làm giảm tác hại của rầy xanh trên nương chè.

  + Bảo vệ các loài thiên địch trên nương chè bằng cách sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật và chọn lọc các loại thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại với ký sinh thiên địch.

- Người trồng chè phải thường xuyên kiểm tra nương chè để phát hiện, đánh giá để có các quyết định kịp thời:

  + Hàng năm có hai giai đoạn thời tiết và cây trồng phù hợp cho rầy xanh phát triển là tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12. Những thời gian quá khô nóng và mưa nhiều không thuận lợi cho rầy xanh phát triển.

  + Rầy xanh hại chè là loại côn trùng nhỏ, hoạt động nhanh nhẹn, muốn kiểm tra rầy xanh hại chè trên nương chè, người lao động cần phải lấy mẫu bằng cách dùng một khay có kích cỡ 20 x 20 x 5 cm, có láng lớp dầu hoặc nước xà phòng ở đáy, đặt khay nghiêng một góc 45 độ dưới tán chè và gõ mạnh vào cây chè 3 lần, đếm số rầy các loại trên khay.

- Biện pháp hạn chế mật độ rầy xanh hại chè trên đồng ruộng:

 Căn cứ vào việc kiểm tra mật độ rầy xanh trên nương chè và biến động mật độ rầy trong vài tuần qua; căn cứ vào tuổi và giai đoạn sinh trưởng của cây chè; căn cứ vào số lượng thiên địch chúng ta tìm thấy; dựa vào dự báo thời tiết...để đưa ra quyết định và giải pháp quản lý rầy xanh sao cho có lợi nhất, tránh dùng thuốc trừ sâu khi chưa thật cần thiết. Khi thật cần thiết phải sử dụng thuốc trừ sâu để phun trừ rầy xanh, nên chọn các loại thuốc phổ tác động hẹp, thời gian cách ly ngắn, ít gây độc hại cho các loại thiên địch hoặc dùng thuốc trừ sâu thảo mộc...

Các tin khác

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn