Thứ Bảy, 21/12/2024
NHỆN ĐỎ
Gửi bài In bài

Đặc điểm hình thái

 

Trưởng thành:

có màu đỏ hồng hay đỏ nhạt, con cái thân hình gần tròn, con đực thân thuôn hơn, có 8 chân, thân dài khoảng 0,3 - 0,5 mm, bề ngang khoảng 0,2 - 0,4 mm.


 

Trứng:

hình cầu dẹt, ở giữa có một lông cong, lúc mới đẻ có màu hồng, sau chuyển thành màu đỏ tươi, lúc sắp nở màu đỏ nâu.

 

 

Nhện non:

mới nở có 6 chân, kích thước thân khoảng 0,2 mm, nhện non lột xác lần 1 thành nhện tiền trưởng thành 1, có 8 chân, kích thước cơ thể khoảng 0,3 mm, lột xác lần 2 thành tiền trưởng thành 2, kích thước cơ thể khoảng 0,35 mm, lột xác lần thứ 3 thành nhện trưởng thành.


 

 

 

Đặc điểm sinh học

Giai đoạn trứng khoảng 3-8 ngày, một nhện đỏ cái có thể đẻ khoảng 90 trứng; nhện non  khoảng 4-12 ngày, trưởng thành sông khoảng 10-20 ngày. Vào các tháng hè nhiệt độ cao, nhện đỏ có thể hoàn thành một thế hệ khoảng 9-12 ngày; các tháng mùa đông lạnh hơn thời gian có thể hoàn thành một thế hệ khoảng 28-30 ngày. Nhện đỏ xuất hiện gây hại quanh năm trên nương chè.

Thiên địch của nhện hại:

Thiên địch của các loại nhện gây hại chè là các loại nhện ăn thịt như nhện Phytoseiulus, Amblyseius, Typhlodromus, Mexecheles.; loại bọ rùa đen nhỏ, bọ cánh ngắn đen nhỏ, nhện chăng lưới nhỏ, ấu trùng loài cánh gân.

Đặc điểm gây hại:

Nhện đỏ là loại nhện gây hại quan trọng trên cây chè, chúng sống ở cả hai mặt lá bánh tẻ đến lá trưởng thành, thường tập trung dọc hai bên gân chính của lá, di chuyển chậm chạp. Nhện gây hại làm  lá chè chuyển thành màu hung đỏ. Tại nơi chúng sống có thể có một lớp mạng nhện bao phủ được tạo bởi các sợi tơ ngắn và mảnh.

Các loại nhện này đều sống trên lá, cuống lá, búp cây chè, dùng vòi hút dạng kim châm hút dịch cây làm cây chè sinh trưởng kém, búp chè bị mù xoè nhiều, lá cây bị hại biến màu nâu lốm đốm đến màu tím đồng, trên mặt lá có nhiều bụi bẩn màu trắng xám. Chè bị hại nặng mép lá non cong lên, lá rụng dần, năng suất bị giảm nghiêm trọng. Ngoài cây chè còn có thể bắt gặp nhện trên các cây trồng khác như hoa hồng, mít, ngô, long não.

Những năm gần đây một số vùng khô hạn, sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, trồng nhiều giống chè mới nên tác hại của nhện có chiều hướng gia tăng.

 

 

Biện pháp phòng trừ tổng hợp

- Trồng và chăm sóc cây chè khoẻ mạnh để có thể chống chịu được nhện hại như trồng cây che bóng và tủ gốc để tăng độ ẩm, bón phân cân đối và đầy đủ đáp ứng dinh dưỡng cho cây chè sinh trưởng phát triển mạnh, tưới nước dạng phun mưa cho chè trong mùa khô, thu hái chè đúng lứa, vệ sinh đồng ruộng và diệt cỏ dại. Loại bỏ các cây dại và trồng xa nương chè các cây là ký chủ của nhện như cây cao su, cây bông, cây có múi, cây cà chua, khoai tây, đay, hoa hồng,...

- Bảo vệ thiên địch bằng cách giảm phun thuốc BVTV và chọn các loại thuốc ít độc hại đối với thiên địch, thuốc có tính chọn lọc, thời gian cách li ngắn để phun. Nếu dùng các loại thuốc BVTV có phổ tác động rộng, thuốc có độ độc cao, thuốc hệ tổng hợp pyrethroids sẽ làm chết các loại thiên địch của nhện hại. Do thiên địch bị giết chết sẽ gây bột phát về mật độ nhện hại chè. Thuốc trừ bệnh gốc đồng cũng gây bùng phát nhện vì thuốc làm chết các nấm có ích gây bệnh cho nhện hại chè.

Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nuôi thiên địch của nhện hại cây trồng trên các cây đậu để thả ra ruộng bổ sung vào để cùng thiên địch tự nhiên để tiêu diệt nhện hại.

 - Kiểm tra nương chè thường xuyên vào các tháng nhện phát sinh gây hại nhiều xem mật độ nhện hại, các biểu hiện triệu chứng gây hại có gì thay đổi; số lượng thiên địch trên nương chè, dự báo thời tiết ...để xác định xem có cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật hay không. Nếu phải phun thuốc nên chọn các loại thuốc có tính chọn lọc, thời gian cách ly ngắn và mỗi lần phun thuốc trừ nhện nên đổi thuốc không nên phun một loại thuốc nhiều lần liền nhau.

Các tin khác

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn