Khi nhện xâm nhập đẻ trứng vào mặt dưới của lá búp, chúng tiết ra các chất có tác dụng làm cho các tế bào biểu bì lá sản sinh rất nhiều lông nhỏ trông mịn như nhung, nên nhiều người còn gọi nó là “bệnh lông nhung”.
Khi bị hại, nhện làm lá kém phát triển, lá nhỏ và co quắp, quang hợp của lá bị ảnh hưởng. Những cành bị nhện lông nhung thì số lượng hoa quả ít, quả nhỏ, màu quả xỉn và chất lượng quả kém.
Thời gian phát sinh gây hại
Nhện lông nhung phát sinh quanh năm trên vườn vải. Chúng thường phát sinh gây hại nặng ở vườn rậm rạp, trồng dày và ở các bộ phận tán cây đan xen nhau bị thiếu ánh sáng. Trong năm, nhện phát sinh theo các đợt cây ra lộc, nhưng thường gây hại nặng cho cây vào đợt lộc xuân trong tháng 2- 3 và lộc hè tháng 5- 6.
Nhện xâm nhập và đẻ trứng vào các chồi non. Nhện non nở ra chích hút mô bì lá, khi lá non hình thành thì mặt dưới lá xuất hiện triệu chứng lông nhung, lúc đầu màu xanh lục nhạt, sau có màu trắng bạc, dần chuyển sang màu vàng sáng và cuối cùng là màu vàng nâu rồi nâu sẫm. Lúc này, nhện di chuyển sang các chối non khác trên cây và trên các cây khác để tiếp tục phát triển và gây hại cho cây.
|