Thứ Sáu, 19/4/2024
CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ CHÂU CHẤU HẠI TRE, MAI, LUỒNG ĐẾN 20/4/2009
Gửi bài In bài

1, Tình hình châu chấu hại tre, mai, luồng:

     Hiện tại, đã phát hiện các ổ Châu chấu nở tại 7 xã của huyện Đoan Hùng, trong đó có 4 xã mới so với năm 2008 (Vân Đồn, Tiêu Sơn, Sóc Đăng, Chi Đám). Diện tích nhiễm 56 ha (Chân Mộng 35 ha, Minh Phú 12 ha, Tiêu Sơn 2  ha, Vân Đồn 2,5 ha, Chi Đám 2,5 ha, Sóc Đăng 1 ha, Ngọc Quan 1 ha). Châu chấu non đang co cụm thành ổ trên các bụi tre, bụi cây với mật độ trung bình từ 3.000 - 5.000  con/ổ. Một số điểm châu chấu non đã di chuyển sang phá hại lúa và ngô (Chân Mộng, Chi Đám).

       Dự báo, trứng Châu chấu sẽ tiếp tục nở mạnh trong thời gian tới do thời tiết thuận lợi, các ổ chấu chấu non sẽ  phát tán ra diện rộng, có nguy cơ gây hại nặng trên tre, mai, luồng và cả trên lúa, ngô do chấu chấu trưởng thành có khả năng di chuyển nhanh và sức phá hại lớn, rất khó kiểm soát. Dự kiến diện tích nhiễm sẽ cao hơn so với năm 2008 (Năm 2008 là 250 ha)

2, Công tác chỉ đạo phòng trừ:

     Ngay sau khi phát hiện Châu chấu nở, Chi cục đã phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng đi kiểm tra tình hình thực tế; UBND huyện Đoan Hùng đã ra văn bản chỉ đạo các xã vùng trọng điểm trồng tre, mai, luồng tổ chức tổng điều tra phát hiện các ổ Châu chấu nở. UBND các xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông và chủ rừng điều tra, phát hiện và tổ chức phòng trừ kịp thời.

      Hiện tại, Chi cục đã cấp cho mượn 6 máy phun động cơ, cấp thuốc BVTV để phun dập dịch các ổ chấu chấu non; Các xã hỗ trợ tiền xăng và tổ chức cho chủ rừng phun phòng trừ. Tính đến ngày 19/4/2009, diện tích đã phòng trừ là 15 ha (Chân Mộng 7 ha, Minh Phú 6 ha, Vân Đồn 2 ha).

3, Những khó khăn trong chỉ đạo phòng trừ:

      Việc triển khai phòng trừ các ổ dịch Châu chấu gặp rất nhiều khó khăn:

      Thứ nhất, đây là đối tượng sâu hại mới, phát sinh lây lan nhanh, kinh nghiệm tổ chức phòng trừ tại địa phương chưa có. Việc phòng trừ cần có bình bơm máy động cơ chuyên dụng để phun thuốc lên các bụi tre, mai, luồng, hiện tại trong dân không có.

      Thứ hai, việc phòng trừ mang tính dập dịch, phải phun cuốn chiếu đồng thời cả khoảnh rừng, nếu để từng hộ chủ rừng phun riêng lẻ sẽ kém hiệu quả do chấu chấu di chuyển rất nhanh.  

       Thứ ba, việc dập dịch đòi hỏi khẩn trương trong thời gian ngắn khi chấu chấu non còn đang co cụm chưa phát tán, bên cạnh đó chi phí phòng trừ khá tốn kém nên nông dân không đáp ứng được kịp thời theo yêu cầu.

4, Biện pháp chỉ đạo phòng trừ thời gian tới:

a, Công tác chỉ đạo:

      Đề nghị UBND huyện, thành, thị có rừng, chỉ đạo UBND các xã huy động cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân kiểm tra ngay toàn bộ rừng tre, mai, luồng trên địa bàn, phát hiện và phòng trừ triệt để các ổ Châu chấu theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật.

     Chi cục giao các Trạm BVTV cử cán bộ kỹ thuật phối hợp các xã có nhiều rừng tre, mai, luồng điều tra phát hiện các ổ chấu chấu và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ.

     Các xã đã phát hiện có Châu chấu nở: Tập trung chỉ đạo cán bộ khuyến nông và bà con nông dân khoanh vùng, tổ chức phun diệt trừ Châu chấu cả trên tre, mai, luồng và trên diện tích lúa, ngô vùng ven đã có châu chấu xuống gây hại.

b, Biện pháp kỹ thuật:

     Tiếp tục đều tra, giám sát phát hiện kịp thời các ổ Châu chấu tiếp tục nở, tổ chức diệt trừ ngay khi chúng còn co cụm thành ổ, vừa đảm bảo hiệu quả vừa giảm chi phí.

     Tiến hành phun khoanh vùng các ổ Châu chấu bằng các thuốc Fastac 50EC, Mospilan 3EC, Ofatox 400EC, Acelant 4EC, Bestox 5EC,... Chú ý hỗn hợp thuốc để tăng hiệu quả.

5, Đề nghị:

      Để triển khai kịp thời công tác dập dịch, ngăn chặn nguy cơ Châu chấu phát tán lây lan gây hại lúa, ngô, Chi cục BVTV đề nghị: Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Phú Thọ:

     Cấp hỗ trợ kinh phí để mua thuốc BVTV đặc hiệu phun kịp thời các ổ Châu chấu còn đang co cụm, nếu để chúng phát tán ra diện rộng sẽ rất khó kiểm soát.

     Bố trí thêm biên chế cho Chi cục BVTV để thực hiện điều tra phát hiện sớm và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại trên cây rừng; Hiện nay mỗi Trạm BVTV huyện có 2 biên chế nên chỉ thực hiện được công tác điều tra, phát hiện sâu bệnh trên lúa, chè, ngô, rau màu và cây ăn quả.

                                                                             CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ THỌ




THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn