Thứ Tư, 17/4/2024
Bệnh lùn sọc đen gây hại lúa chiêm xuân năm 2010 đã được khống chế tại phú thọ
Gửi bài In bài

  Năm 2009, bệnh Lùn sọc đen lần đầu tiên xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc xong diễn biến rất phức tạp và lây lan rất nhanh. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, diện tích lúa mùa nhiễm bệnh trong toàn vùng là 42.385 ha, trong đó có 33.182 ha bị nhiễm nặng và trên 10 ngàn ha phải tiêu hủy, các tỉnh bị hại nặng là Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, ... Bệnh lây truyền sang gây hại trên ngô đông tại 19 tỉnh, diện tích ngô nhiễm bệnh là 1.231 ha.

  Vụ  chiêm xuân năm 2010, tính đến ngày 30/3/2010 đã có 18/25 tỉnh khu vực phía Bắc với 20.500 ha lúa đã xuất hiện triệu chứng bệnh, trong đó nhiễm nặng là trên 4.000 ha. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 653/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/3/2010 công bố dịch Lùn sọc đen ở các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra. Phú Thọ là 1 trong 18 tỉnh khu vực phía Bắc có xuất hiện triệu chứng bệnh tại 5 xã thuộc 4 huyện với diện tích gần 1 ha và có mẫu phân tích dương tính với bệnh.

  Nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, Chi cục BVTV đã chủ động tham mưu cho các cấp, ngành chỉ đạo phòng trừ bệnh một cách hiệu quả:

  Là loại bệnh mới lại do Virut gây ra nên rất khó phát hiện, nhận biết, Chi cục đã chủ động cử cán bộ kỹ thuật đi về Nghệ An, Thái Bình, Nam Định trung tâm vùng dịch để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và thu thập mẫu bệnh làm trực quan tập huấn tại đơn vị. Bên cạnh đó, Chi cục đã mời các chuyên gia đầu ngành, những người đầu tiên nghiên cứu và phát hiện ra bệnh của Viện BVTV về tập huấn cách điều tra nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh cho toàn bộ cán bộ kỹ thuật của Chi cục. Mọi thông tin, hình ảnh trực quan về bệnh đều được đăng tải trên trang Web của Chi cục nên rất thuận tiện cho việc học tập, điều tra, đối chiếu và so sánh triệu chứng bệnh.

  Nắm bắt, hiểu biết về bệnh là vấn đề quan trọng xong công tác điều tra phát hiện sớm và khoanh vùng, dập tắt các ổ dịch không để lây lan đóng vai trò quyết định trong công tác phòng trừ; Ý thức được điều này, ngay từ đầu vụ Chi cục đã chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn bệnh trên đồng ruộng, đã tổ chức 2 đợt tổng điều tra trên toàn tỉnh vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.

  Khi phát hiện trên đồng ruộng có các biểu hiện triệu chứng bệnh hại, Chi cục đã khẩn trương lấy mẫu đi phân tích giám định đồng thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Phú Thọ ra các văn bản chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Các đồng chí lãnh đạo Sở đã trực tiếp đi kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo cụ thể cho từng điểm nhiễm bệnh. Chi cục đã huy động toàn thể cán bộ công chức làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật để tăng cường điều tra giám sát bệnh hại trên đồng ruộng. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, các xã, phường, thị trấn đã huy động lực lượng khuyến nông cơ sở và nông dân tổng kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và nhổ tiêu hủy toàn bộ cây lúa có biểu hiện triệu chứng của bệnh và tiến hành phòng trừ rầy, môi giới truyền bệnh trên toàn bộ khu ruộng. Các huyện vào cuộc mạnh mẽ, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả có Yên Lập, Thanh Thủy, Tân Sơn, ...

  Do là loại bệnh mới lại rất nguy hiểm nên công tác thông tin tuyên truyền được Chi cục đặc biệt chú trọng, Chi cục đã phối hợp liên tục đưa tin bài, phóng sự, chuyên mục trên Đài PTTH tỉnh và Báo Phú Thọ; Chỉ đạo các Trạm BVTV tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ KNCS, viết tin bài tuyên truyền trên đài PTTH huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã.

  Với các biện pháp quyết liệt và hiệu quả nêu trên, các ổ bệnh Lùn sọc đen đều được phát hiện rất sớm và xử lý triệt để, các cây có biểu hiện triệu chứng bệnh đều được nhổ tiêu hủy, diện tích nhiễm nặng tại Yên Lập đã được Ủy ban nhân huyện ra quyết định tiêu hủy toàn bộ; Khu đồng có xuất hiện triệu chứng bệnh đều được phun phòng trừ rầy là môi giới truyền bệnh một cách triệt để. Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định bệnh Lùn sọc đen gây hại trên lúa chiêm xuân năm 2010 tại Phú Thọ đã được khống chế dựa trên các cơ sở:

  Một là, qua điều tra những nơi đã xuất hiện bệnh không thấy có sự phát triển, lây lan của các ổ bệnh mới và không xuất hiện các địa điểm mới có bệnh ngoài 5 xã của 4 huyện cũ.

  Hai là, lúa trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị vào giai đoạn đứng cái, mà theo kết quả nghiên cứu, từ sau thời điểm lúa đứng cái, nếu bị lây nhiễm bệnh thì sẽ không gây thiệt hại lớn cho năng suất mà chỉ tồn lưu nguồn bệnh lây truyền cho các vụ sau.

  Nhìn từ góc độ phương thức lây truyền bệnh thì  có 2 yếu tố quyết định: Một là phải có nguồn bệnh (có cây lúa bị bệnh); Hai là phải có rầy môi giới truyền bệnh thì bệnh mới phát triển được. Như vậy để đảm bảo bệnh không lây lan sang gây hại vụ mùa tới, vụ phát triển chính của bệnh trong năm do có thời gian tích lũy bệnh, các địa phương cần chú ý: Tiếp tục tăng cường giám sát đồng ruộng, phát hiện sớm các ổ bệnh, nhổ tiêu hủy các cây lúa có biểu hiện triệu chứng bệnh (loại bỏ nguồn bệnh). Tiến hành phòng trừ triệt để các đợt rầy di trú, ngăn chặn không cho chúng mang nguồn bệnh lây từ cây này sang cây khác, từ vụ này chuyển sang vụ tới.

Kỹ sư Lê Toàn

Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn