Chủ Nhật, 24/11/2024
Môi giới chính truyền bệnh lùn sọc đen - nguy cơ và biện pháp phòng trừ
Gửi bài In bài

     Vụ mùa 2009, hiện tượng lúa " lùn lụi " đã xuất hiện và gây hại khá nặng cho sản xuất lúa gạo ở nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung nước ta. Đến cuối năm bệnh đã xuất hiện ở hơn 20 tỉnh, thành phố với tổng diện tích bị nhiễm lên tới trên 42 nghìn ha trong đó 28 nghìn ha bị nặng và khoảng 17 nghìn ha bị mất trắng. Hiện tượng này cũng xuất hiện trên ngô với diện tích khoảng 2 nghìn ha tại 16 tỉnh. Triệu chứng của bệnh khá giống với triệu chứng bệnh vi rút vàng lùn, lùn xoắn lá đã và đang gây hại ở các tỉnh nam Bộ từ 2004 đến nay.

     Theo kết quả nghiên cứu và công bố gần  đây nhất của Viện Bảo vệ thực vật bằng phân tích cây phả hệ dựa trên trình tự gene của các sản phẩm PCR, kết luận hiện tượng "lúa lùn lụi" tại các tỉnh miền Bắc nước ta trong vụ mùa 2009 là do chủng vi rút thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridea gây nên. Chủng vi rút này gây bệnh lúa lùn sọc đen phương Nam (SRBSDV), một loại vi rút mới được phát hiện đầu tiên ở các tỉnh phía nam Trung Quốc và gây hại phổ biến từ năm 2001 tới nay. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh chính vi rút lúa lùn sọc đen.

      Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị  bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều dễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng  cây lúa không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen.

       Ở tỉnh Phú Thọ, vụ mùa 2009 vào thời  điểm một số tỉnh miền Bắc công bố nhiễm"lúa lùn lụi" thì hầu hết diện tích lúa mùa của tỉnh ta đã và đang thu hoạch, tiến hành gieo trồng cây vụ đông; chỉ còn một số huyện như Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Việt Trì là còn một số diện tích lúa mùa muộn đã vào chắc cho nên kết quả điều tra tại thời điểm đó chưa phát hiện diện tích nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh ở tỉnh ta rất cao vì: Gần và giáp ranh với các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu... bệnh đã xuất hiện và gây hại trên lúa mùa. Môi giới truyền bệnh là các loại rầy lại có khả năng di chuyển rất xa, nguồn rầy lại luôn sẵn có trên đồng ruộng, nhiều diện tích lúa chét, bờ cỏ là điều kiện để các loại rầy di trú tồn tại, phát triển. Đúng như cảnh báo, kiểm tra diện tích ngô đông 2009, Chi cục Bảo vệ thực vật phát hiện xã Sóc Đăng huyện Đoan Hùng, xã Tiên Du huyện Phù Ninh một số cây ngô có biểu hiện sinh trưởng bất thường, lấy mẫu gửi Viện Bảo vệ thực vật giám định kết quả dương tính với vi rút lùn sọc đen. Kết quả tổng điều tra đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 34 xã tại 9 huyện nhiễm vi rút lùn sọc đen trên ngô đông với tổng diện tích 998,4 ha. Tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình 0,05 - 0,1%, cao 1,2%, cá biệt một số xã huyện Yên Lập có tỷ lệ bệnh 10 - 12%. Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho sản xuất lúa tại tỉnh ta. Như vậy, sản xuất lúa chiêm xuân 2010, với đặc thù của một vụ xuân ấm điển hình, thời tiết biến đổi bất thường, sản xuất không những phải đối diện với hạn hán gay ngắt mà còn phải đối mặt với sâu bệnh diễn biến sẽ hết sức phức tạp nhất là bệnh do vi rút lúa lùn sọc đen.

       Đến cuối tháng 2/2010, toàn tỉnh đã gieo cấy xong diện tích lúa chiêm xuân, cơ bản hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Lúa đang giai đoạn đẻ nhánh nhưng hạn đã xảy ra gay gắt, nhiều ruộng lúa chưa kịp sục bùn bón thúc thì ruộng đã khô cứng, nứt nẻ đang được các địa phương và nhân dân tích cực chống hạn. Để chủ động phòng trừ sâu bệnh, từ ngày 23 - 25/2 Chi cục Bảo vệ thực vật đã  huy động lực lượng toàn Chi cục tiến hành Tổng điều tra sâu bệnh đầu vụ. Đã phát hiện một số nơi cây lúa có biểu hiện sinh trưởng bất thường, lấy mẫu gửi Viện BVTV giám định, kết quả mẫu lúa tại xã Ngọc Lập huyện Yên Lập dương tính với vi rút lùn sọc đen. Từ ngày 9- 11/3 Chi cục BVTV tiếp tục tổ chức Tổng điều tra bệnh lùn sọc đen tại 66 xã của 13 huyện thành thị. Kết quả điều tra lần này phát hiện 5 xã của 4 huyện Yên Lập, Thanh Thuỷ, Tam Nông, Tân Sơn, với tổng diện tích gần 1 ha cây lúa có biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh vi rút lùn sọc đen. Như vậy, bệnh vi rút lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại trên lúa chiêm xuân 2010 trên địa bàn tỉnh. Đây là một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm do có tốc độ lây lan rất nhanh, hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ; hầu hết diện tích bị nhiễm bệnh nhẹ thì nhổ vùi cây bệnh, nặng thỉ tiêu huỷ toàn bộ gây rất tốn kém.

     Để dập tắt các ổ bệnh, ngăn chặn bệnh lây lan phát triển trên diện rộng, các địa phương cần bình tĩnh xử lý, tránh gây hoang mang cho người dân và hết sức chủ động trong công tác phòng chống bệnh. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu rõ nguy cơ về bệnh, để cùng vào cuộc một cách quyết liệt và có hiệu quả sớm phát hiện nguồn bệnh và tiêu huỷ kịp thời cũng như phòng chống tác nhân truyền bệnh. Phải phát huy sức mạnh của nhân dân cùng với tinh thần trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật, cán bộ địa phương cơ sở nhanh chóng phát hiện và sử lý nguồn bệnh một cách triệt để để hạn chế lây lan thiệt hại trong vụ này, hạn chế nguồn bệnh, không cho môi giới sống sót để truyền bệnh. Có như vậy mới hạn chế bệnh tồn tại gây hại các vụ tiếp theo.

        Về kỹ thuật: Cần tiến hành nhổ vùi các cây lúa có triệu trứng điển hình như thấp lùn hơn khóm khác, cổ lá ôm xít và hơi xoè ngang, lá có màu xanh đậm, đầu lá có thể hơi xoăn, gân lá ở mặt sau hơi sưng. Trường hợp trên ruộng có trên 30% số khóm lúa bị bệnh, khó phục hồi và không còn khả năng cho năng suất phải tiến hành tiêu huỷ cả ruộng. Tại các khu ruộng có cây lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen nếu thấy xuất hiện rầy các loại nhất là rầy lưng trắng phải tiến hành phun phòng trừ ngay bằng các thuốc đặc hiệu: Penalty 40 WP, Sectox 10WP, Midan 10WP, Conphai 700 WG, ...  hỗn hợp với thuốc Bassa 50EC, Jetan 50 EC, Superista 25EC,.. theo hướng dẫn kỹ thuật. Tăng cường sức khoẻ cho cây lúa bằng các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối hợp lý, tưới đủ nước để cây lúa khoẻ có khả năng chống chịu với bệnh 

                                                KS. PHẠM VĂN HIỂN

                                                CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn