1. Tình hình chung về bệnh Lùn sọc đen:
Ổ bệnh mới xuất hiện, gây hại trên ngô bãi và ngô trồng trên ruộng cao, hạn tại 2 thôn Đầu Vườn, Nông Trường xã Sơn Hùng, thôn Tân Bình xã Võ Miếu huyện Thanh Sơn và khu Đồng Lỏn xã Văn Luông huyện Tân Sơn; cụ thể:
a, Tại huyện Thanh Sơn:
- Trên trà ngô gieo từ 30/2 - 05/3/2010 bằng giống NK4300 và C919, tỷ lệ cây bị hại trung bình 5-10%, cao 30%, cục bộ 70-100%.
- Trên trà ngô gieo từ 25/01 - 15/02/2010 cũng bằng 2 giống trên, tỷ lệ cây bị hại trung bình 3-5%, cao 15-20%, cục bộ 30-50%.
b, Tại huyện Tân Sơn: Trên trà ngô gieo từ 25/02 - 30/02 bằng 2 giống trên, tỷ lệ cây bị hại trung bình 10-16%, cao 45 - 52%.
Tổng diện tích nhiễm bệnh Lùn sọc đen trên ngô là 5,74 ha (Sơn Hùng là 5 ha, Võ Miếu là 0,54 ha, Văn Luông là 0,2 ha) trên tổng số diện tích khu đồng ngô là 21,86 ha (Sơn Hùng 17 ha, Võ Miếu 4,5 ha, Văn Luông 0,36 ha) và 12,68 ha lúa, đỗ, lạc xen kẽ (Sơn Hùng là 11 ha, Võ Miếu là 1,5 ha, Văn Luông là 0,18 ha).
Bệnh tiếp tục lây lan, phát triển do nhiều cây đã nhiễm bệnh xong triệu chứng mới bắt đầu biểu hiện ra bên ngoài và do có môi giới rầy lưng trắng tiếp tục truyền bệnh.
Đây là bệnh rất nguy hiểm do khả năng lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn và hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ.
2. Biện pháp chỉ đạo phòng trừ:
Để chủ động ngăn chặn bệnh Lùn sọc đen lây lan gây hại ra diện rộng và cắt đứt nguồn bệnh chuyển gây hại trên lúa mùa và vụ ngô tới, Chi cục BVTV Phú Thọ đề nghị:
a, UBND các huyện, thành, thị:
UBND huyện Thanh Sơn và Tân Sơn: Chỉ đạo UBND các xã Sơn Hùng, Võ Miếu và Văn Luông tập trung phun phòng trừ rầy ngay trên toàn bộ diện tích các khu đồng đã nêu trên (Bao gồm cả ngô, lúa, đỗ, lạc). Sau phun 2-3 ngày chỉ đạo nhổ toàn bộ cây ngô có biểu hiện triệu chứng bệnh tập trung lại và tiêu hủy. Phân công cán bộ các phòng ban chuyên môn xuống phối hợp với xã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh. UBND huyện có cơ chế hỗ trợ thuốc phòng trừ rầy để kịp thời dập dịch, Chi cục cho mượn máy phun thuốc động cơ để triển khai phun tập trung nâng cao hiệu quả phòng trừ.
Các huyện còn lại cần chỉ đạo tăng cường điều tra, phát hiện trên ngô, nhất là trà ngô gieo cuối tháng 2 đầu tháng 3 trùng với lứa rầy lưng trắng ra rộ. Khi phát hiện cây có biểu hiện triệu chứng của bệnh cần báo ngay cho Trạm BVTV huyện và tiến hành nhổ, thu gom tiêu hủy triệt để.
b, Yêu cầu các Trạm BVTV huyện, thành, thị:
Trạm BVTV huyện Thanh Sơn và Tân Sơn: Cử cán bộ xuống phối hợp với xã tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn nông dân kỹ thuật phun phòng trừ rầy cũng như tiêu hủy các cây ngô bị bệnh. Lập dự trù cho UBND huyện chủng loại, lượng thuốc đặc hiệu phòng trừ rầy đồng thời chuyển và quản lý máy phun thuốc động cơ cho các xã mượn để dập dịch.
Trạm BVTV các huyện còn lại: Tăng cường mở rộng điều tra trên ngô và các cây trồng khác. Phối hợp các phòng ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân cách nhận biết triệu chứng bệnh Lùn sọc đen trên ngô và các biện pháp phòng chống.
3. Đề nghị:
Để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm ngày càng phát triển gia tăng trên các loại cây trồng, bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chi cục BVTV kính đề nghị với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT:
1. Bổ sung thêm biên chế sự nghiệp cho các Trạm BVTV vì hiện nay mỗi Trạm chỉ có 2 biên chế khó có thể giám sát đầy đủ, hiệu quả các loại dịch bệnh trên các loại cây trồng liên tục được chuyển đổi và mở rộng trong điều kiện thời tiết biến động rất thất thường.
2. Cho lập quỹ thuốc dập dịch giao cho Chi cục BVTV quản lý để kịp thời cấp hỗ trợ cho phòng trừ khi dịch bệnh mới phát sinh ổ nhỏ, vừa tăng hiệu quả, vừa tiết kiệm và ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng rất khó kiểm soát.