I/ TRÊN CÂY LÚA
1, Bệnh đạo ôn:
* Hiện tại: Bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển trên các trà lúa, tỷ lệ bệnh hại trung bình 1 - 2 %, cao 8 - 15%, cục bộ ổ 20 - 35% (Hạ Hoà, Tân Sơn, Phú Thọ, Lâm Thao). Diện tích nhiễm 2.116 ha, trong đó nhiễm nặng 63,3 ha. Diện tích đã phòng trừ 1516,4 ha, trong đó diện tích phun 1 lần là 1300,5 ha, diện tích phun 2 lần là 215,9 ha.
Bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện cục bộ tại Cẩm Khê và Lâm Thao, tỷ lệ bông bị hại trung bình 1,5 - 2,3%, cao 20%, cục bộ 40 - 50% trên giống Thiên nguyên ưu 16 tại Cẩm Khê. Diện tích nhiễm đạo ôn cổ bông là 4,1 ha, trong đó nhiễm nặng 1,5 ha.
* Dự báo 10 ngày tới: Điều kiện thời tiết mát, ẩm độ cao là điều kiện thích hợp để bệnh đạo ôn cổ bông phát triển và gây hại trên lúa xuân muộn giai đoạn lúa trỗ bông; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên khu ruộng đã có đạo ôn lá. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 1.000 ha, các huyện cần chú ý: Cẩm Khê, Hạ Hoà, Tân Sơn, Phú Thọ, Lâm Thao.
* Kỹ thuật phòng trừ: Trên khu ruộng đã có đạo ôn lá, phải phun phòng đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc đặc hiệu: Bump 80 WP, PN Balacide 32 WP, Fuji one 40WP, BeamSuper 75WP, Fu - Army 30WP,.. Thời điểm phun tốt nhất trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày.
2, Rầy các loại (Rầy nâu, rầy xám, rầy lưng trắng):
* Hiện tại: Mật độ trung bình 100 - 300 con/m2, cao 800 - 1.500 con/m2, cục bộ 2.250 – 3.100 con/m2 (Cẩm Khê, Hạ Hoà). Phát dục chủ yếu tuổi 2, 3 trưởng thành. Mật độ trứng trung bình 50 - 200 quả/m2, cao 1.890 quả/m2 (Cẩm Khê). Diện tích nhiễm 1.331,6 ha, trong đó nhiễm nặng 1,5 ha. Diện tích đã phòng trừ 802 ha.
* Dự báo 10 ngày tới: Rầy tiếp tục tích luỹ, đẻ trứng gia tăng mật độ, mức độ gây hại trung bình, cục bộ gây hại nặng trên chân vàn trũng; Rầy còn là môi giới truyền bệnh vi rút lúa lùn sọc đen, các huyện cần chú ý: Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Việt Trì, Tân Sơn ...
* Kỹ thuật phòng trừ: Khi mật độ rầy trên 1.500 con/m2 sử dụng các loại thuốc: Penalty 40 WP, Sectox 10WP, Conphai 700 WG, Amira 25 WG, Actara 25 WP,.. để phòng trừ, lưu ý pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Trên các khu ruộng đã xuất hiện cây lúa có biểu hiện triệu chứng bệnh Lùn sọc đen nếu có rầy thì phải phun phòng trừ ngay mặc dù mật độ rầy còn thấp.
3, Bệnh khô vằn:
* Hiện tại: Bệnh lây lan nhanh và gây hại trên các trà lúa, tỷ lệ dảnh hại trung bình 5 - 10%, cao 20 - 30%, cục bộ trên 40% (Hạ Hoà, Lâm Thao, Việt Trì), cấp bệnh chủ yếu cấp 3, 5. Diện tích nhiễm 7.755,5 ha, trong đó nhiễm nặng 421,2 ha. Diện tích đã phòng trừ 3.739,5 ha, trong đó diện tích phun 1 lần là 3.167,4 ha, diện tích phun 2 lần là 572,1 ha.
* Dự báo 10 ngày tới: Bệnh tiếp tục phát triển và gây hại trên các trà; Mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng bón nhiều đạm, ruộng bị hạn,... Dự kiến diện tích nhiễm cần phòng trừ là 3.000 ha, các huyện cần chú ý: Hạ Hoà, Lâm Thao, Việt Trì, Thanh Ba, Đoan Hùng, Tam Nông, Yên Lập, Phù Ninh.
* Kỹ thuật phòng trừ: Ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Lervil 5SC, Aloannong 50SL, Validacin 5SL, Jinggang meisu 3SL, 5WP, ... phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.
4, Chuột hại:
* Hiện tại: Chuột gia tăng gây hại trên các trà, tỷ lệ dảnh hại trung bình 0,5 - 2 %, cao 5 - 10%, cục bộ ổ nhỏ 15 - 21% (Yên Lập, Lâm Thao). Diện tích nhiễm 2.925,4 ha, trong đó nhiễm nặng 77,3 ha. Diện tích đã phòng trừ 1.325,8 ha.
* Dự báo: Chuột tiếp tục gia tăng gây hại mạnh trên trà lúa xuân muộn do lúa giai đoạn làm đòng, trỗ bông là nguồn thức ăn rất thích hợp; Mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng lúa thơm, lúa chất lượng cao, ruộng ven làng, ven đồi gò,... Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Lâm Thao, Tân Sơn, Đoan Hùng, Tam Nông, Phù Ninh.
* Kỹ thuật phòng trừ: Do giai đoạn lúa làm đòng - trỗ bông chuột rất kén mồi, ít ăn bả thuốc hóa học nên cần diệt chuột tập trung bằng thuốc sinh học sản suất tại chỗ; Dùng thuốc Rat - K 2%D trộn với thóc luộc nứt vỏ chấu có hiệu quả rất cao (Các địa phương có thể huy động nông dân góp lúa, xã hỗ trợ tiền thuốc khoảng 1.000 đ/sào để đánh chuột tập trung).
5, Ngoài ra: Bọ xít dài gây hại nhẹ đến trung bình; Bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại cục bộ tại huyện Thanh Ba. Sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh bạc lá gây hại nhẹ.
II/ TRÊN CÂY ĐẬU TƯƠNG:
1, Sâu đục quả:
* Hiện tại: Tỷ lệ hại trung bình 1 - 2%, cao 5 - 10%, cục bộ 21% (Cẩm Khê). Diện tích nhiễm 111,6 ha chủ yếu nhiễm nhẹ đến trung bình. Diện tích đã phòng trừ 56,3 ha.
* Dự báo 10 ngày tới: Sâu tiếp tục phát triển và gây hại trên diện tích đậu tương trồng muộn giai đoạn quả non, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng nếu không phòng trừ kịp thời.
* Kỹ thuật phòng trừ: Nên phun phòng trừ cho tất cả diện tích đậu tương khi vào giai đoạn ra hoa, đậu quả; Sử dụng các loại thuốc Kuraba 1.8 EC, Regent 800WG, Tasodant 600 EC, Silsau, Finico 800 WG ... để phòng trừ; Phun các loại thuốc trên sẽ diệt trừ luôn sâu cuốn lá, bọ xít,.. gây hại.
2, Sâu cuốn lá:
* Hiện tại: Sâu non gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Mật độ trung bình 1 – 3 con/m2, cao 10 – 20 con/m2, cục bộ 30 – 35 con/m2 (Hạ Hoà, Đoan Hùng). Diện tích nhiễm 185ha, trong đó nhiễm nặng 4 ha. Diện tích phòng trừ 68 ha.
* Dự báo: Sâu non tiếp tục gây hại trên những diện tích đậu tương trồng muộn; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng nếu không phun phòng trừ kịp thời.
* Kỹ thuật phòng trừ: Khi sâu non nở tuổi 1, 2 sử dụng các loại thuốc Regent 800WG, Finico 800 WG, Actamec 20EC, 40EC ... hỗn hợp với các loại thuốc tiếp xúc như Bestox 5EC hoặc Pertox 5EC để phòng trừ.
3, Ngoài ra: Các đối tượng sâu ăn lá, rệp, ruồi đục thân, bệnh sương mai, gây hại nhẹ.
III. TRÊN CÂY NGÔ:
1. Bệnh vi rút lùn sọc đen:
* Hiện tại: Bệnh mới xuất hiện, gây hại trên ngô bãi và ngô trồng trên ruộng cao, hạn tại 2 thôn Đầu Vườn, Nông Trường xã Sơn Hùng, thôn Tân Bình xã Võ Miếu huyện Thanh Sơn và khu Đồng Lỏn xã Văn Luông huyện Tân Sơn. Tổng diện tích nhiễm bệnh là 5,74 ha.
* Dự báo: Bệnh tiếp tục lây lan, phát triển do nhiều cây đã nhiễm bệnh và có môi giới rầy lưng trắng tiếp tục truyền bệnh. Đây là bệnh rất nguy hiểm do khả năng lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn và hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ.
* Kỹ thuật phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu trừ rầy ngay trên toàn bộ diện tích các khu đồng đã nêu trên (Bao gồm cả ngô, lúa, đỗ, lạc). Sau phun 2 - 3 ngày chỉ đạo nhổ toàn bộ cây ngô có biểu hiện triệu chứng bệnh tập trung lại và tiêu hủy.
2. Ngoài ra: Các đối tượng bệnh khô vằn, bệnh đốm lá nhỏ, rệp, chuột gây hại nhẹ đến trung bình. Sâu ăn lá, sâu đục thân, đục bắp gây hại nhẹ.