Thứ Bảy, 20/4/2024
CHĂM SÓC CÂY KHOAI TÂY VỤ ĐÔNG
Gửi bài In bài
Chỉ đạo nông dân xã Yên Kiện huyện Đoan Hùng chăm sóc khoai tây vụ đông năm 2011

                        

Cây khoai tây( Solanum Tuberosum. L) là cây trồng vụ đông có năng suất ổn định và hiệu quả kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Khoai tây có thời gian sinh trưởng ngắn 85 – 90 ngày, là cây ưa lạnh, đáp ứng điều kiện sản xuất vụ đông muộn ( 15/10 – 15/11, có thể muộn hơn) nên không bị áp lực về thời vụ như các cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương.

    Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng được trên 150 ha khoai tây, trong đó, gần 60 ha áp dụng làm đất tối thiểu. Các huyện trồng nhiều như: Tân Sơn 47,5 ha, Yên Lập 32,2 ha, Lâm Thao 20,1 ha... giống được lựa chọn gieo trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của tỉnh như: Diamant, Atlantic, Sinora, Aladin, Solara... có năng suất khá, phù hợp với thị hiếu ăn tươi và chế biến công nghiệp. Nhiều mô hình khuyến nông; mô hình giảm nghèo; mô hình nông nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai, lồng ghép nhằm mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ đông năm nay.

    Để cây khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, cần quan tâm chăm sóc và phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại chính như sau:

    - Chăm sóc, bón phân: Sau khi trồng khoảng 3 tuần (cây cao 20 cm) cây khoai tây hình thành tia củ, quá trình này kéo dài 30 - 45 ngày tuỳ theo giống và điều kiện sinh thái nhưng tập trung nhất trong khoảng 20 – 25 ngày đầu. Những tia củ ra muộn khó phát triển thành củ. Ngoài yếu tố về nhiệt độ thích hợp từ  17- 200 c, yêu cầu độ ẩm đất 70 - 80%, dinh dưỡng đầy đủ và đất tơi xốp thông thoáng. Vì vậy, khi cây  được 7- 10 ngày cần tỉa bớt mầm, chỉ để lại 3 – 4 mầm trên khóm. Cây được 3 tuần tiến hành bón thúc đợt đầu. Lượng phân bón lần này nếu bón phân đơn từ 4 - 5 kg đạm và 5 - 6 kg kali /sào. Nếu bón theo quy trình khép kín thì cần 17 – 20 kg N:P:K-S 12.5.10-14 /sào. Với phương pháp làm đất tối thiểu chỉ cần vạch rơm rạ, bón vào giữa 2 hàng khoai rồi phủ bổ sung rơm rạ. Trồng theo truyền thống thì sới nhẹ bón xung quanh, cách gốc 15 – 20 cm kết hợp vun nhẹ lấp đất kín phân. Nếu đất khô thì lấy nước vào rãnh ngập ½ rãnh để ngấm đủ thì tháo cạn. Trường hợp không chủ động lấy nước tự chảy phải bơm hoặc dùng ô doa tưới nước để phân tan vào đất. Bón thúc lần hai khi cây khoai được 6 tuần, lượng bón tương tự như lần một và nên giảm 1- 2 kg đạm/sào. Lưu ý: Nếu không phủ thêm rơm rạ hoặc sới vun cao đất nhỏ kín gốc, ánh sáng chiếu vào tia củ làm cho củ bị xanh, giảm năng suất và giảm giá trị thương phẩm.

   - Phòng trừ sâu, bệnh hại chính:

  + Nhện trắng: Xuất hiện và gây hại khi thời tiết ấm, chúng rất nhỏ, mắt thường khó nhìn thấy, tập trung ở mặt sau lá chích hút dịch lá. Nhận biết khi lá và ngọn cây quăn lại chuyển màu tím tái. Sử dụng thuốc: Aremec 36EC, Shepatin 36EC, Silsau 10WP, Soka 25EC, Ortus 5SC ... phun theo hướng dẫn trên bao bì

    + Bọ trĩ: Cơ thể cũng rất nhỏ, mầu vàng, dài khoảng 1 - 2 mm, nằm ở mặt dưới lá non. Chúng chích hút dịch lá ở các đường gân lá, làm cho lá bị khô và chết. Nhiều khi nhện và bọ trĩ cùng xuất hiện gây hại nặng giai đoạn cây còn non. Sử dụng thuốc: Dylan 2EC, Actatoc 200 WP, Reasgant 1.8EC, Confidor 100 SL, Actamec 20EC... phun theo hướng dẫn trên bao bì.

    + Rệp sáp: Khi mới nở màu trắng hồng hay vàng nhạt. Trưởng thành hình bầu dục, dài 4 mm, mắt thường dễ nhìn thấy, gây hại mạnh khi khoai tây 30 – 60 ngày tuổi. Chúng tụ tập phần ngọn, nách lá, mặt dới lá để chích hút dịch làm cho mầm thui, lá khô. Rệp còn là môi giới truyền một số bệnh do vi rút. Sử dụng thuốc:Reasgant 1.8EC; Shepatin 18EC; Scorpion18 EC; Actamec 20EC; Actatoc 200WP; Bestox 5EC; Fastac 5 EC... phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

    + Bệnh mốc sương (sương mai) do nấm Phytophhthora infestans. Vết bệnh có màu nâu. Nếu trời ẩm ướt thì mặt dưới lá có một lớp mốc trắng, còn trời khô lạnh thì vết bệnh khô lại, trường hợp bị nặng bệnh xâm nhập xuống củ làm cho củ teo khô và thối ướt. Nhiệt độ 10 - 250C, mưa phùn kéo dài, trời nhiều mây mù, độ ẩm không khí cao, ruộng khoai ẩm ướt thì bệnh dễ phát sinh phát triển. Để hạn chế bệnh nên sử dụng củ giống sạch bệnh, không để ruộng quá ẩm, bón vôi bột khi trồng. Sử dụng thuốc: Ridomil Gold 68WP; Score 250EC; Zinep Buld ... phun ngay khi bệnh mới xuất hiện.

     + Bệnh héo xanh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây nên. Cây bị bệnh, lá và thân cây vẫn xanh, nhưng héo rũ đột ngột như nhúng nước nóng. Bị nặng, gốc cây và củ thối nhũn, trong có chất nhầy dính, mùi hôi. Nguồn bệnh có thể từ củ giống; nguồn nước tưới có vi khuẩn; bón phân chuồng tươi...Thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều, đất quá ướt là điều kiện tốt cho bệnh phát triển. Hạn chế bệnh là sử dụng củ giống sạch bệnh, luân canh khoai tây với lúa nước, không bón phân tươi, khi có mưa to phải tháo kiệt nước. Nhổ bỏ toàn bộ cây bệnh (cả củ) đem tiêu huỷ và rắc vôi vào gốc cây bệnh. Sử dụng thuốc: PN-Balacide 32WP; Stifano 5.5SL; Fulhumaxin 5.15 SC phun ngay khi bệnh mới xuất hiện.

    Cây khoai tây còn gặp một số bệnh như:  Vi rút xoăn lùn làm cho lá bị xoăn lại, cây còi cọc, thấp lùn; bị nhẹ lá nhăn lại, có màu xanh đậm – nhạt xen kẽ, phiến lá gồ ghề, củ nhỏ, ít củ.  Vi rút cuốn lá làm cho lá phía dưới cong lên, màu sắc lá trở thành vàng nhạt hoặc tím tía, đỏ; lá dễ bị gẫy ròn. Đây là 2 loại vi rút nặng đối với cây khoai tây, nguy hiểm nhất là vi rút xoăn lùn rất phổ biến, tuy không làm cây chết nhưng ảnh hưởng năng suất tới 40%. Ngoài ra, còn vi rút khảm lá cũng làm giảm năng suất từ 10 -15 %, phiến lá có những vết đốm mầu vàng nhạt xen với mầu xanh tạo thành vết khảm lốm đốm. Lá cũng hơi biến dạng, nhỏ lại, mép hơi cong, mặt lá hơi gồ ghề. Nhìn chung các loại bệnh do vi rút là không có thuốc chữa, biện pháp chính là phòng bệnh: Sử dụng củ giống sạch bệnh; luân canh khoai tây với lúa nước; sử dụng phân chuồng hoai mục, bón vôi bột khi trồng. Diệt trừ tác nhân truyền bệnh như các loại rệp, bọ phấn. Phát hiện sớm cây bệnh nhổ bỏ và tiêu huỷ. Bón đầy đủ dinh dưỡng, tưới đủ ẩm giúp cây sinh trưởng khoẻ tăng khả năng đề kháng bệnh.

                                                                                                                           KS: Phạm Văn Hiển

                                                                                  

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn