Chủ Nhật, 24/11/2024
Chủ động phòng trừ cao điểm sâu bệnh hại lúa trong tháng 4
Gửi bài In bài

Vụ Chiêm xuân năm nay, diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh là 36.624,6 ha, đạt 101,7 % kế hoạch. Nhìn chung các trà lúa sinh trưởng phát triển tốt, hiện tại trà xuân sớm đang giai đoạn cuối đẻ đến đứng cái, trà xuân trung, xuân muộn đang ở giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Theo quy luật hàng năm, trong tháng 4 thường xuất hiện cao điểm sâu bệnh hại lúa với các đối tượng chính sau:

* Bệnh đạo ôn lá: Bệnh thường phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết ấm, trời âm u, ẩm độ không khí cao và hại nặng trên các giống nhiễm như lúa nếp, lúa chất lượng, Xi23, X21, KD18, Nhị ưu 838,... đặc biệt là trên những ruộng xanh tốt, bón nhiều đạm. Vết bệnh đầu tiên giống vệt dầu nhỏ màu xanh, dần dần phát triển thành hình thoi rìa màu nâu đỏ, giữa bạc trắng, các vết bệnh này liên kết với nhau thành mảng lớn hình thù không rõ rệt, bị nặng có thể gây cháy khô toàn bộ lá. Khi bệnh chớm xuất hiện, bà con cần tạm ngừng bón và phun các loại phân hoá học, phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng; Giữ mực nước trong ruộng 2 - 3cm; Sử dụng một trong các loại thuốc hoá học như: Bemsuper 75WP, Fuji - one 40WP, Beam 75WP, New Hinosan 30EC, Fu-army 30WP, Kasai 21,2WP,...  phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì. Nếu ruộng bị nặng phải phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày, chú ý phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá thì mới đạt hiệu quả cao.

* Bệnh khô vằn: Bệnh thường xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, khi cây lúa giai đoạn cuối đẻ đến đứng cái và hại mạnh từ  giai đoạn làm đòng đến cuối vụ. Trên bẹ lá, vết bệnh ban đầu hình bầu dục, màu xanh xám sau chuyển màu bạc nâu có viền màu xanh tím, vết bệnh lớn dần liên kết vào nhau tạo thành hình vằn vèo như hình da báo, bệnh thường hại trên bẹ và lan lên cả lá, khi bị nặng làm lá bị khô lụi đi. Những ruộng cấy dày, lá rậm rạp, bón nhiều phân đạm thường bị hại nặng hơn. Khi ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, bà con nên sử dụng một trong các loại thuốc như  Vida 5WP, Anvil 5SC, Cavil 50SC, Tilt Super 300EC, Lervil 5 SC, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.

* Rầy các loại: Tích luỹ và gia tăng mật độ, rầy cám lứa 2 thường ra rộ từ trung tuần tháng 4 đến cuối tháng 4 và gây hại chủ yếu trên lúa xuân sớm, xuân trung  giai đoạn làm đòng – trỗ, ngậm sữa, lúa xuân muộn giai đoạn đòng; Lứa rầy này cần lưu ý với rầy xám và rầy lưng trắng, thường gây hại nặng tại các huyện miền núi như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập trên các ruộng rộc chua, ven đồi gò, đã có năm gây cháy chòm giai đoạn lúa đẻ nhánh (trong tháng 4). Rầy cám lứa 3 thường ra rộ từ trung tuần tháng 5 đến cuối tháng 5 gây hại lúa xuân trung và xuân muộn giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, đây là lứa rầy quan trọng nhất trong vụ vì thường gây hại nặng, có thể gây cháy chòm, ổ cục bộ nếu không được phòng trừ tốt. Bà con nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi thấy mật độ rầy cám trên 1.500 con/m2 (30 - 40 con/khóm), sử dụng một trong các loại thuốc như: Victory 585EC, Tasodant 600EC, Superista 25EC,  Jetan 50EC,  Actara 25WP, Midan 10WP, ... pha theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì và phun kỹ vào gốc lúa.

Ngoài ra bà con cần thường xuyên theo dõi và phòng trừ các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bọ xít dài, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn,… khi mật độ đến ngưỡng cần phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp.

 

KS: Nguyễn Thị Lan Phương

Chi cục BVTV

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn