Trong những năm qua, việc áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) đã mang lại hiệu quả đáng kể cho sản xuất của tỉnh. Giảm 40 - 50% lượng giống so với tập quán, giảm 1 - 2 lần phun thuốc BVTV/vụ, năng suất tăng 7 - 15%, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5 - 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đa số nông dân chỉ mới áp dụng được từ 1 đến 2 nguyên tắc, việc áp dụng đầy đủ 5 nguyên tắc SRI còn rất thấp (chiếm 3 - 4% diện tích SRI), chưa phát huy tối đa hiệu quả của biện pháp kỹ thuật này. Vì vậy, để nâng cao chất lượng áp dụng SRI, chúng tôi xin giới thiệu các bước thực hiện kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI vụ xuân như sau:
1. Chọn giống, làm mạ:
- Chọn giống: Tất cả các giống lúa gieo cấy trên chân đất vàn, vàn cao đều áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI được. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất cao, nên dùng các giống lúa lai hoặc lúa thuần nguyên chủng, giống xác nhận.
- Thời vụ gieo mạ: Theo khung lịch của trà xuân muộn, từ ngày 25/1 - 5/2/2015.
- Chuẩn bị mộng mạ: Chuẩn bị thóc giống với lượng 0,5 kg đủ cấy cho 1 sào lúa; kỹ thuật xử lý, ngâm, ủ thóc giống như tập quán vẫn làm. Trong quá trình ngâm, ủ cần kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ phù hợp để tạo ra mộng mạ tốt (chiều dài mầm bằng 1/4 hạt, chiều dài rễ bằng 1/2 hạt).
- Làm mạ: Gieo mạ dày xúc trên ruộng hoặc trên nền đất cứng. Làm đất mạ nhuyễn, sạch cỏ, loãng bùn, tạo luống. Gieo mộng mạ thưa, đều, chìm hạt trên mặt luống (0,1 kg thóc giống gieo trên 1 m2 đất); che phủ nilon ngay sau khi gieo xong nhằm chống rét cho mạ. Từ sau gieo đến khi mạ đủ tuổi cấy cần thường xuyên kiểm tra, điều tiết nhiệt độ, ẩm độ và nước trên ruộng kịp thời để tạo được cây mạ khỏe (cứng cây, to gan, đanh dảnh, nhiều rễ trắng, lá xanh, không sâu bệnh).
2. Làm đất cấy:
Cày sâu, bừa kỹ, san phẳng mặt ruộng. Sau đó đánh luống rộng khoảng 2 m (Có thể dùng bao tải đựng đá rồi kéo tạo rãnh rộng khoảng 20 cm để dễ tháo nước và xác định độ ẩm trên ruộng).
3. Bón lót:
- Vôi: 15 - 20 kg / sào, bón trước khi cày hoặc bừa vỡ.
- Phân chuồng: 2 - 3 tạ / sào, bón trước khi bừa cấy.
- Phân NPK 5:10:3: 15 - 20 kg / sào, bón ngay sau khi bừa cấy.
(Nếu áp dụng quy trình bón phân NPK Lâm Thao thì lượng bón NPK 5.10.3: 20 - 25 kg/sào).
4. Cấy:
- Cấy mạ non: khi mạ có 2 - 2,5 lá.
- Cấy thưa: Mật độ cấy đối với lúa lai 30 - 35 khóm/m2, lúa thuần 35 - 40 khóm/m2 (Tùy theo đất tốt, xấu và loại giống để áp dụng mật độ cho phù hợp); cấy 1 - 2 dảnh/khóm, cấy nông tay, cấy thẳng hàng để dễ chăm sóc, đồng thời tạo điều kiện cho cây lúa đẻ khỏe.
* Lưu ý: Chỉ cấy khi thời tiết ấm (nhiệt độ trên 150C). Xúc mạ cấy nhẹ nhàng, thành từng miếng, hạn chế tổn thương bộ rễ; khi cấy, dùng tay tách dảnh mạ (đảm bảo có đất bám ở rễ) đặt nhẹ lên mặt ruộng, giúp cho cây nhanh hồi xanh. Sau cấy duy trì nước trên ruộng 1 - 2 cm.
5. Bón phân thúc đẻ nhánh sớm:
- Thời điểm bón: Khi lúa ở giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh, chuẩn bị ra lá mới (sau cấy khoảng 10 - 15 ngày)
- Lượng bón:
+ Phân đạm Urê: 4 - 4,5 kg/sào (lúa lai); 3,5 - 4 kg/sào (lúa thuần).
+ Phân Kali: 2 - 3 kg/sào.
(Nếu áp dụng quy trình bón phân NPK Lâm Thao thì lượng bón NPK 12.5.10: 8 - 9 kg/sào)
* Lưu ý: Nếu đất pha cát nhiều thì chia lượng đạm trên thành 2 lần bón cách nhau 10 ngày.
6. Sục bùn, làm cỏ sớm và điều tiết nước:
- Sục bùn, làm cỏ: Sau khi bón phân thúc đẻ xong cần tiến hành sục bùn, làm cỏ ngay bằng tay hoặc bằng cào để vùi trộn phân vào đất, hạn chế sự thất thoát phân bón, giải phóng độc tố trong đất, tránh được bệnh nghẹt rễ sinh lý, giúp cây lúa đẻ nhanh, đẻ nhiều. Đồng thời, việc làm cỏ sớm lúc này đất mềm dễ làm, đỡ tốn công, cỏ non mới mọc cũng dễ bị chết.
- Điều tiết nước: Sau làm cỏ 5 - 7 ngày, tiến hành tháo cạn nước, giữ cho ruộng đủ ẩm và chỉ tưới khi mặt ruộng khô nẻ răm, rãnh không còn đọng nước. Khi cây lúa chuẩn bị bước vào giai đoạn đứng cái mới tiến hành đưa nước vào ruộng.
7. Bón phân đón đòng đúng thời điểm:
- Thời điểm bón: Khi lá ngọn của dảnh cái có hiện tượng thắt eo đầu lá (Sau cấy khoảng 45 - 50 ngày đối với giống ngắn ngày).
- Lượng bón: Phân đạm Urê: 2 - 3 kg/sào; Phân Kali: 2 - 3 kg/sào
(Nếu áp dụng quy trình bón phân NPK Lâm Thao thì lượng bón NPK 12.5.10: 7 - 8 kg/sào)
* Lưu ý: Giữ mực nước trong ruộng 3 - 4 cm từ trước khi bón phân đón đòng đến khi lúa đỏ đuôi.
8, Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh.
9. Thu hoạch: Khi lúa đỏ đuôi, tháo cạn nước, để ruộng khô cho lúa chín đều, chín nhanh và dễ thu hoạch.
Trung Vương (Chi cục BVTV)