Chủ Nhật, 24/11/2024
Kết quả tổng điều tra và dự báo tình hình sâu bệnh trên lúa chiêm xuân 2015
Gửi bài In bài

Từ ngày 16 - 17/3/2015, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã tổ chức tổng điều tra sâu bệnh hại lúa trên toàn tỉnh nhằm đánh giá nguồn sâu bệnh và dự báo tình hình sâu bệnh trong vụ, kết quả cụ thể như sau:

I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH:

1. Chuột hại:

* Hiện tại: Chuột gây hại diện rộng trên các trà lúa tại hầu hết các huyện; Tỷ lệ dảnh hại phổ biến 1,1 - 2,4%, cao 6,8 - 9,7%, cục bộ ổ 19,4% (Hạ Hòa). Diện tích nhiễm 921,6 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ đến trung bình. Quy mô và mức độ hại cao hơn cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2014, diện tích nhiễm 103,5 ha).

* Dự báo trong vụ: Chuột tiếp tục gây hại trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - trỗ bông ở tất cả các huyện; Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa thơm, ruộng ven làng, ven đồi gò, kênh mương, đường lớn.

2. Ruồi đục nõn:

* Hiện tại: Gây hại chủ yếu trên trà muộn tại hầu hết các huyện; Tỷ lệ hại phổ biến 1,4 - 6%, cao 13 - 27,4% (Việt Trì, Hạ Hòa, Thanh Sơn). Diện tích nhiễm 129,1 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ. Quy mô gây hại tương đương cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2014, diện tích nhiễm 118,5 ha).

* Dự báo trong vụ: Ruồi sẽ giảm gây hại trong thời gian tới và do lúa ở giai đoạn đẻ nhánh có khả năng đền bù cao, cho nên không cần phòng trừ đối tượng này.

3. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh đã xuất hiện và gây hại nhẹ tại các huyện Phù Ninh, Thanh Ba, Việt Trì, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phú Thọ, Thanh Thủy; Tỷ lệ dảnh hại phổ biến 0,3 - 1,8%, cao 4 - 11,2%. Diện tích nhiễm 45,7 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ. Thời gian phát sinh sớm hơn, quy mô gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2014 không có diện tích nhiễm).

* Dự báo trong vụ: Bệnh khô vằn phát sinh và gây hại mạnh trên các trà lúa ở giai đoạn đứng cái, làm đòng - chắc xanh từ cuối tháng 3 đến cuối vụ. Bệnh hại nặng trên ruộng cấy dày, bón nhiều đạm, bón không cân đối. Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại có khả năng cao hơn năm 2014.

4. Bệnh đạo ôn lá:

* Hiện tại: Nguồn bệnh đã xuất hiện trên các trà lúa tại huyện Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, TX Phú Thọ, Thanh Thủy, Yên Lập, TP Việt Trì; Tỷ lệ lá hại phổ biến 0,2 - 0,8%, cao 2,2 - 5,3%. Thời gian phát sinh bệnh đạo ôn sớm hơn so với cùng kỳ năm 2014.

* Dự báo trong vụ: Bệnh đạo ôn lá gây hại nặng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ (Cao điểm hại từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4) trên các giống nhiễm như Nếp, BC 15, Xi23, X21, KD18, … và có khả năng gây lụi ổ khi thời tiết thuận lợi cho bệnh gây hại. Bệnh gây hại trên cổ bông phát sinh từ giữa tháng 4, phát triển mạnh vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, cần đặc biệt lưu ý trên các khu đồng đã nhiễm đạo ôn lá.

5. Sâu đục thân:

* Hiện tại: Sâu đục thân lứa 1 gây hại diện hẹp tại các huyện: TP Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Cẩm Khê; Tỷ lệ dảnh hại phổ biến 0,1 -  0,3%, cao 2,4 - 4,8%; phát dục chủ yếu tuổi 2, 3, 4. Thời gian phát sinh sâu đục thân 2 chấm sớm hơn cùng kỳ năm 2014.

* Dự báo trong vụ: Sâu đục thân tiếp tục gây hại nhẹ trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng. Bướm ra rộ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, sâu non lứa 2 gây bông bạc chủ yếu trên trà muộn; quy mô và mức độ hại khả năng cao hơn vụ chiêm xuân năm 2014.

6. Rầy các loại:

* Hiện tại: Xuất hiện rải rác tại các huyện với mật độ trung bình 7 - 16 con/m2, cao 24 - 48 con/m2, cục bộ 72 - 80 con/m2 (Phù Ninh, Tam Nông); phát dục chủ yếu tuổi 2, 3, 4. Thời gian phát sinh tương đương năm 2014.

* Dự báo trong vụ: Rầy cám lứa 2 rộ từ đầu đến giữa tháng 4, gây hại chủ yếu trên trà sớm, trà trung giai đoạn làm đòng - ngậm sữa, trà muộn giai đoạn làm đòng, khả năng cháy ổ nhỏ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, đặc biệt trên những giống nhiễm. Rầy cám lứa 3 rộ từ đầu đến giữa tháng 5 gây hại trà trung, trà muộn giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng, khả năng gây cháy chòm, cháy ổ từ giữa đến cuối tháng 5. Quy mô và mức độ hại có xu hướng cao hơn năm 2014.

7. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại: Xuất hiện rải rác tại các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa; mật độ trung bình 7 - 8 con/m2, phát dục chủ yếu tuổi 3, 4, 5. Thời gian phát sinh tương đương năm 2014.

* Dự báo trong vụ: Bướm ra rộ từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, sâu non lứa 2 hại diện rộng từ giữa tháng đến cuối tháng 4 trên trà muộn giai đoạn đứng cái - làm đòng. Sâu non lứa 3 hại đầu tháng 5 chủ yếu trên lúa cấy muộn. Quy mô và mức độ hại khả năng tương đương năm 2014.

8. Các đối tượng khác: Bệnh sinh lý, ốc bươu vàng gây hại nhẹ đến trung bình. Bọ xít đen, bọ trĩ gây hại nhẹ.

II/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

- Với tình hình sâu bệnh như trên, Chi cục BVTV nhận định: Tháng 4 và tháng 5 là thời kỳ cao điểm, các đối tượng sâu bệnh gia tăng gây hại trong vụ; Đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động cán bộ khuyến nông cơ sở, bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và phun trừ triệt để các ổ sâu bệnh theo hướng dẫn của ngành BVTV. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chi cục giao Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị tăng cường điều tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác quy mô, mức độ và vùng gây hại với từng đối tượng; ra thông báo và tham mưu, đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Phối hợp các cơ quan chuyên môn ở huyện và các xã, phường, thị trấn tập huấn, hướng dẫn cách điều tra phát hiện và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân; viết bài tuyên truyền đọc trên hệ thống đài truyền thanh xã. Tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV trong cao điểm, xử lý nghiêm các vi phạm.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Chuột hại: Tổ chức thực hiện tốt chiến dịch diệt chuột tập trung đợt 2 từ ngày 25/02 - 25/3/2015; diệt chuột tập trung, đồng loạt trên diện rộng bằng bả sinh học, hóa học (Sử dụng thuốc Ranpart 2% D phối trộn mồi bả để diệt chuột). Sau khi kết thúc chiến dịch cần thực hiện diệt chuột thường xuyên bằng các loại bẫy, bả.

- Bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng bón các loại phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 5%, tiến hành phòng trừ ngay bằng các thuốc: Katana 20SC, Fuji - one 40WP, Kasai 21,2WP, ... phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20% sử dụng các loại thuốc như: Cavil 50WP, Lervil 5SC, Anvil 5SC, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.

- Các đối tượng khác: Cần chú ý theo dõi và thực hiện phòng trừ theo Thông báo và hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn