Thứ Tư, 24/4/2024
Thông báo khẩn tình hình sâu bệnh hại lúa kỳ 15/4/2015, dự báo 7 ngày tới và biện pháp phòng trừ
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục BVTV kiểm tra tình hình sâu bệnh tại huyện Thanh Ba

Hiện nay, các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ bông, đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh hại. Kết quả điều tra sâu bệnh từ ngày 13/4 đến 15/4/2015, trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại và có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới, cụ thể:

I. TÌNH HÌNH SÂU BỆNH:

1. Châu chấu tre lưng vàng:

* Hiện tại: Châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh tại 34 xã trên địa bàn 7 huyện gồm: Đoan Hùng (15 xã), Thanh Sơn (04 xã), Tam Nông (07 xã), Yên Lập (02 xã), Cẩm Khê (04 xã), Hạ Hòa (01 xã) và Thanh Ba (01 xã). (Huyện Thanh Sơn và Thanh Ba là 02 huyện lần đầu tiên châu chấu tre phát sinh gây hại). Mật độ phổ biến 30 - 50 con/m2, cao 150 - 300 con/m2, cục bộ ổ 2.000 - 5.000 con/m2, cá biệt 8.000 con/m2 (Đoan Hùng). Diện tích nhiễm 76,88 ha, trong đó: trên rừng tre, luồng, bờ cỏ là 57,52 ha; trên lúa, ngô là 19,36 ha. Diện tích đã phun phòng trừ 62,78 ha.

* Dự báo: Trong thời gian tới, châu chấu tiếp tục nở với mật độ rất cao, có thể thiết lập quần thể tạo bầy đàn lớn, di chuyển gây hại trên tre, luồng và trên lúa, ngô với quy mô diện tích nhiễm tiếp tục tăng nhanh, mức độ gây hại lớn nếu không được diệt trừ kịp thời. Diện tích cần phòng trừ tiếp kỳ tới khoảng 20 ha.

2. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Phát sinh gây hại trên diện rộng ở hầu hết các huyện, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Tỷ lệ hại phổ biến 2,4 - 8%, cao 20 -30%, cục bộ 37,2 - 40% (Thanh Thủy, Việt Trì). Tổng diện tích nhiễm 5.301,9 ha, trong đó nhẹ 4.168,1 ha, trung bình 1101,8 ha, nặng 22,3 ha. Diện tích phòng trừ 1.004,4 ha.

* Dự báo: Bệnh khô vằn sẽ tiếp tục phát triển lây lan nhanh và gây hại mạnh, nhất là trong giai đoạn lúa trỗ đến chắc xanh. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối. Diện tích dự kiến cần phòng trừ kỳ tới khoảng 1.000 ha.

3. Rầy các loại:

* Hiện tại: Gây hại trên diện rộng ở tất các huyện, mức độ hại nhẹ. Mật độ rầy phổ biến phổ biến 8 - 200 com/m2, cao 400 – 500 con/m2, cục bộ 860 con/m2 (Việt Trì), phát dục chủ yếu tuổi 4,5, trưởng thành; Mật đổ ổ trứng phổ biến 5 - 30 ổ/m2, cao 60 - 80 ổ/m2, cục bộ ổ 140 ổ/m2 (Yên Lập). Diện tích nhiễm 670,7 ha, trong đó nhẹ 585,4 ha; trung bình 85,4 ha. Diện tích phòng trừ 85 ha.

* Dự báo:  Rầy lứa 2 tiếp tục đẻ trứng và gia tăng tích lũy mật độ, gây hại trên các trà lúa. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ gây cháy chòm, cháy ổ trên lúa giai đoạn chín sáp từ 25/4/2015 trở đi. Diện tích cần phòng trừ kỳ tới  khoảng 200 ha. Các huyện cần chú ý: Việt Trì, Phù Ninh, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê,...

4. Bệnh đạo ôn:

* Hiện tại: Gây hại tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa,Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Ba, Thanh Thủy, Việt Trì. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Tỷ lệ hại phổ biến 0,3 - 4%, cao 7,5%, cá biệt ổ nhỏ 35 - 50% (Thanh Ba, Thanh Thủy). Diện tích nhiễm 87,9 ha, trong đó nhẹ 87,4 ha, nặng 0,5 ha.

* Dự báo: Trong điều kiện thời tiết âm u, ẩm độ không khí cao, bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp tục lây lan và gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, ổ nếu không phòng trừ kịp thời, cần lưu ý trên các giống nhiễm như nếp, BC15, Xi23, X21, HT1, KD18,...; chú ý đạo ôn cổ bông gây hại trên ruộng nhiễm đạo ôn lá. Diện tích cần phòng trừ kỳ tới khoảng 50 ha. Các huyện cần chú ý: Thanh Ba, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Việt Trì,...

5. Các đối tượng khác: Sâu đục thân, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bọ xít dài, bệnh sinh lý gây hại cục bộ.

II. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO, PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

- Đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng, trạm chuyên môn, các xã, phường, thị trấn huy động bà con nông dân tăng cường kiểm tra phát hiện và  phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh, không để sâu bệnh lây lan, gây hại nặng; Đặc biệt không chủ quan, lơ là trong kỳ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng và kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.

- Chi cục giao các Trạm bảo vệ thực vật huyện, thành, thị tăng cường điều tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác quy mô, mức độ và vùng gây hại với từng đối tượng; ra thông báo và tham mưu, đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, phường, thị trấn tập huấn, hướng dẫn cách điều tra phát hiện và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân; viết bài tuyên truyền đọc trên hệ thống truyền thanh xã. Tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV trong cao điểm, xử lý nghiêm các vi phạm.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Châu chấu hại tre lưng vàng: Áp dụng tổng hợp các biện pháp để tiêu diệt châu chấu. Trong đó coi trọng biện pháp thủ công, vợt bắt những ổ còn co cụm ở trên mặt đất, ruộng lúa, bờ cỏ đem tiêu hủy. Đối với những ổ châu chấu trên đồi rừng, khó áp dụng biên pháp thủ công hoặc châu chấu đã di chuyển, tổ chức các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch để tiêu diệt. Sử dụng thuốc Victory 585EC pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20% sử dụng các loại thuốc Cavil 50WP, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.

- Rầy các loại: Những diện tích nhiễm có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 (30 - 40 con/khóm), sử dụng một trong các loại thuốc như: Victory 585EC, Babsac 600EC, Nibas 50ND,... pha theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì.

- Bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng bón các loại phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 5%, tiến hành phòng trừ ngay bằng các thuốc Katana 20SC, Fu-army 30WP, Sieubem 777WP, Funhat 40WP,... phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Ruộng bị đạo ôn lá cần phun phòng đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc trên.

* Ngoài ra: Cần thường xuyên theo dõi và phòng trừ kịp thời sâu đục thân, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bọ xít dài,…; Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn