Thứ Năm, 26/12/2024
Kết quả diệt chuột tập trung vụ chiêm xuân năm 2015
Gửi bài In bài

Trong những năm gần đây, diện tích cây trồng bị chuột gây hại có xu hướng tăng cao gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, diện tích cây trồng bị chuột hại là 11.275,8 ha; trong đó diện tích bị nặng là 230,5 ha. Năm 2015 với điều kiện thời tiết vụ Đông xuân ấm hơn trung bình nhiều năm, rất thuận lợi cho chuột sinh sản, bùng phát về số lượng và khả năng gây hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Để kịp thời ngăn chặn thiệt hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phát động chiến dịch diệt chuột tập trung vụ Chiêm Xuân 2014 - 2015 trên quy mô toàn tỉnh theo 02 đợt. Đợt 01 từ ngày 10/01 đến ngày 05/02/2015 diệt chuột bằng biện pháp thủ công là chính; đợt 02 từ ngày 25/02 đến ngày 25/3/2015 diệt chuột đồng loạt bằng bả sinh học, thuốc hóa học.

Kết thúc chiến dịch diệt chuột tập trung toàn tỉnh có 273/277 xã, phường, thị trấn triển khai phát động chiến dịch diệt chuột tới các ban ngành, đoàn thể, các khu đội sản xuất, các hộ gia đình. Tổ chức được 869 buổi tập huấn cho 48.779 lượt người và 2.941 lượt đọc hướng dẫn trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Theo thống kê, toàn tỉnh đã tiêu diệt được 837.939 con chuột bằng biện pháp thủ công; số lượng bẫy sử dụng 109.362 chiếc; lượng thuốc sinh học sử dụng 894,4 kg; lượng thuốc hóa học sử dụng 2.210,6 kg; số tiền chi hỗ trợ diệt chuột là 1.162.369.500 đồng. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 432.500.000 đồng, ngân sách xã hỗ trợ 529.035.500 đồng, nhân dân đóng góp 200.834.000 đồng. Đàn mèo tiếp tục được duy trì, nhân nuôi với số lượng hiện có là 115.464 con, tăng thêm 3.391 con so với cùng kỳ năm 2014.

Nhìn chung, chiến dịch diệt chuột tập trung được các địa phương quan tâm chỉ đạo và tích cực triển khai, từ đó làm giảm đáng kể quần thể chuột tham gia sinh sản, giảm khả năng gây hại của chuột trên cây trồng vụ chiêm xuân và cả năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi công tác chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, chưa kịp thời, chuột vẫn tiếp tục di chuyển gây hại đáng kể. Công tác diệt chuột ở một số cơ sở chưa chủ động, còn mang tính hình thức nên kết quả và số chuột diệt được chưa cao. Bên cạnh đó, do nhận thức người dân còn hạn chế, có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; khi thấy chuột gây hại mới tổ chức đánh, bắt hoặc sử dụng các biện pháp quây rào nilon nhưng không đo rọ bắt chuột để tiêu diệt, làm hình nộm, cắm cờ,.. để xua đuổi vừa tốn công mà không có tác dụng diệt chuột.

Để tiếp tục phòng trừ chuột hại một cách tích cực, hiệu quả trong thời gian tới cần phải kết hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó coi trọng biện pháp sinh học; đồng thời cần có cơ chế chính sách và tổ chức chỉ đạo đồng bộ, nhằm chủ động quản lý chuột hại. Cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác diệt chuột theo hình thức huy động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ diệt chuột để có kinh phí chủ động tổ chức diệt chuột. Trong chiến dịch diệt chuột tập trung, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã cần hỗ trợ thêm kính phí tập huấn, tuyên truyền, mua thuốc chuột đặc hiệu. Ngoài việc phát động chiến dịch tập trung, công tác diệt chuột cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài bằng các biện pháp tổng hợp, có như vậy mới ngăn chặn triệt để nạn chuột phá hại mùa màng./.

 

Đỗ Ánh Nguyệt

Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn