Thứ Bảy, 23/11/2024
Kết quả tổng điều tra đầu vụ và dự báo tình hình sâu bệnh vụ mùa năm 2015
Gửi bài In bài

Từ ngày 06 - 08/7/2015, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ tổ chức tổng điều tra sâu bệnh hại lúa mùa trên toàn tỉnh nhằm đánh giá nguồn sâu bệnh đầu vụ và dự báo tình hình sâu bệnh trong vụ, kết quả cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH SÂU BỆNH ĐẦU VỤ:

1. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ đã di chuyển từ lúa chét, bờ cỏ, gốc rạ... đẻ trứng trên mạ, lúa mùa sớm, mùa trung với mật độ cao. Sâu non lứa 4 nở và gây hại trên trà lúa mùa sớm, mùa trung giai đoạn hồi xanh đến đẻ nhánh, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Mật độ phổ biến 10 - 20 con/m2, cao 30 - 40 con/m2, cục bộ 80 - 90 con/m2, cá biệt 117 - 126 con/m2 (Việt Trì). Phát dục chủ yếu tuổi 1, 2, 3. Tổng diện tích nhiễm 6.324,8 ha, trong đó nhiễm nhẹ 4.626,4 ha, nhiễm trung bình 1.678,4 ha, nhiễm nặng 20ha (Việt Trì). Quy mô và mức độ hại cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 (Cùng kỳ năm 2014, diện tích nhiễm 87 ha, mức độ nhiễm nhẹ).

* Dự báo: Sâu non tiếp tục nở và gây hại trên các trà lúa, chuẩn bị chuyển lứa. Dự kiến, bướm cuốn lá ra rộ từ ngày 23 - 27/7/2015, sâu non lứa 5 gây hại mạnh trong đầu tháng 8. Đây là lứa sâu gây hại chính cần quan tâm để chỉ đạo phòng trừ.

2. Sâu đục thân:

* Hiện tại: Sâu non sâu đục thân 2 chấm lứa 3 gây hại nhẹ trên các trà lúa, mức độ hại nhẹ. Tỷ lệ hại phổ biến 0,2 - 0,4%, cao 2,3 - 5,9 %. Phát dục chủ yếu tuổi 3. Diện tích nhiễm 8,9 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ. Quy mô hại thấp hơn cùng kỳ năm 2014 nhưng mức độ hại tương đương (Cùng kỳ năm 2014, diện tích nhiễm 74,8 ha, mức độ nhiễm nhẹ).

* Dự báo: Sâu non tiếp tục gây dảnh héo trên các trà lúa và chuẩn bị chuyển lứa. Dự kiến, bướm ra rộ từ ngày 26/7 - 01/8/2015, sâu non lứa 4 gây dảnh héo trên các trà lúa từ đầu đến trung tuần tháng 8.

3. Bệnh sinh lý:

* Hiện tại: Bệnh xuất hiện và gây hại trên trà sớm, trà trung; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Tỷ lệ hại phổ biến 3 - 5%, cao 10 - 26%. Tổng diện tích nhiễm 505,4 ha, trong đó nhiễm nhẹ 330,2 ha, nhiễm trung bình 175,2 ha. Quy mô thấp hơn cùng kỳ năm 2014 nhưng mức độ hại cao hơn (Cùng kỳ năm 2014, diện tích nhiễm 566,4 ha, mức độ nhiễm từ nhẹ).

* Dự báo: Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, bệnh phát sinh gây hại trên những ruộng cao hạn thiếu nước, ruộng dộc chua, ruộng cày bừa làm đất không kỹ, ruộng bón phân hữu cơ chưa hoai mục.

4. Ốc bươu vàng:

* Hiện tại: Ốc bươu vàng xuất hiện trên các trà lúa tại hầu hết các huyện, mức độ hại nhẹ đến trung bình. Mật độ phổ biến 1 con/m2, cao 2 - 3 con/m2. Diện tích nhiễm 1.464,1 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.212,4 ha, nhiễm trung bình 251,7 ha. Quy mô hại thấp hơn cùng kỳ năm 2014 nhưng mức độ hại tương đương  (Cùng kỳ năm 2014, diện tích nhiễm 1.854,2 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ đến trung bình)

* Dự báo: Ốc bươu vàng tiếp tục gây hại chủ yếu trên những ruộng lúa cấy, gieo sạ muộn vì vậy cần phải phòng trừ và cấy dặm để đảm bảo mật độ. Những ruộng lúa trong giai đoạn đẻ nhánh do không còn là mồi ăn thích hợp cho OBV nên khả năng gây hại giảm.

5. Các đối tượng khác: Rầy các loại, châu chấu, chuột xuất hiện rải rác.

II. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

- Nhận định cao điểm: Từ 20/7 đến 20/9/2015 là thời kỳ cao điểm, các đối tượng sâu bệnh gia tăng gây hại trong vụ mùa; Đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động cán bộ khuyến nông cơ sở, bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và phun triệt để các ổ sâu bệnh theo hướng dẫn của ngành BVTV. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chi cục giao Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị tăng cường điều tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác quy mô, mức độ và vùng gây hại với từng đối tượng, ra thông báo và tham mưu, đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Phối hợp các cơ quan chuyên môn ở huyện và các xã, phường, thị trấn tập huấn, hướng dẫn cách điều tra phát hiện và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân; viết bài tuyên truyền đọc trên hệ thống đài truyền thanh xã. Tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV trong cao điểm, xử lý nghiêm các vi phạm.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Theo dõi, giám sát chặt chẽ sâu lứa 4, hạn chế phun thuốc phòng trừ đầu vụ để bảo vệ thiên địch. Chỉ phun trừ trên những ruộng có mật độ sâu cao trên 50 con/m; Chủ động phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 vào đầu tháng 8/2015 khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng) hoặc trên 50 con/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh). Sử dụng một trong các loại thuốc Clever 300 WG, Dylan 10WG, Tasieu 5WG, Alocbale 40EC, Rigell 800 WG,... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì. Diện tích cần phun trừ sâu lứa 4 khoảng 1.700 ha, các huyện cần lưu ý: Việt Trì, Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Yên Lập, Lâm Thao...

- Sâu đục thân: Hiện tại, tiếp tục theo dõi, không nên phun thuốc trong đợt này vì lúa giai đoạn đẻ nhánh, khả năng đền bù cao. Chủ động phòng trừ sâu lứa 4 khi ruộng có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2 trở lên; sử dụng một trong các loại thuốc Victory 585EC, Nicata 95SP, Rigell 800 WG, Wavotox 585 EC, Regrant 800 WG,... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.  

- Bệnh sinh lý: Bón phân thúc đẻ sớm, kết hợp làm cỏ, sục bùn giúp giải phóng các độc tố trong đất. Sử dụng các chế phẩm phun bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như: XO Sogan Siêu ra rễ, XO Siêu lân.

- Ốc bươu vàng: Áp dụng biện pháp bắt ốc, thu gom ổ trứng để tiêu diệt. Đối với những diện tích có mật độ ốc trên 3 con/m2 hoặc ruộng lúa có trên 10% dảnh bị hại dùng các loại thuốc hoá học: Clodansuper 700 WP,  Pazol 700WP, VT-Dax 700 WP,  StarPumper 800WP, Baycide 70 WP, … phun hoặc rắc theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

- Các đối tượng khác: Cần chú ý theo dõi và thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của Chi cục BVTV./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn