UBND TỈNH
PHÚ THỌ
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
Số:
89 /PA-SNN-BVTV
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 19
tháng 01 năm 2016
|
PHƯƠNG
ÁN
Ứng phó
với sinh vật gây hại cây trồng trong điều kiện thời tiết bất thuận
Ngày
04/01/2016, Cục Bảo vệ thực vật có Công văn số 05/BVTV-TV về việc tăng cường
công tác bảo vệ thực vật trong điều kiện thời tiết bất thuận. Theo dự báo của
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El-Nino có cường độ
tương đương với năm 1997/1998 tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4/2016. Trong thời
gian tới, El-Nino gây nền nhiệt cao, lượng mưa thiếu hụt hơn so với trung bình
nhiều năm, tình trạng khô, hạn sẽ ảnh hưởng hầu hết các tỉnh miền núi Phía Bắc,
trong đó có tỉnh Phú Thọ. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng tới thời vụ, cơ
cấu giống, sinh trưởng, phát triển của cây trồng mà còn làm cho một số sinh vật
gây hại có thể bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường, gây khó khăn cho
công tác dự báo, hướng dẫn và chỉ đạo phòng chống.
Để
hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết bất thuận trong sản xuất, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Phương án Ứng phó với sinh vật gây hại cây trồng trong điều kiện thời tiết bất
thuận, cụ thể như sau:
I/ ĐẶC ĐIỂM CÂY TRỒNG:
-
Theo Kế hoạch vụ Chiêm xuân 2015 - 2016, toàn tỉnh triển khai gieo cấy lúa 36.000
ha, cây ngô 6.100 ha, cây lạc 3.600 ha, rau các loại 4.300 ha, sắn 8.200
ha.
- Cơ cấu giống, cây trồng và thời vụ:
+ Trà lúa Xuân sớm (3% diện tích): Cấy
trên chân đất trũng; sử dụng các giống X21, Xi23; gieo mạ dược từ 25/11 - 5/12/2015,
cấy khi mạ được 6 - 7 lá. Đây là các giống dễ nhiễm rầy và bệnh đạo ôn.
+ Trà lúa Xuân trung (15% diện tích): Sử
dụng các giống Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, Thục hưng 6, CT16 trên chân đất vàn
thấp (ngập lũ tiểu mãn); sử dụng các giống J02 (Dễ nhiễm sâu đục thân gây dảnh
héo và bông bạc về cuối vụ), ĐS1 trên chân đất vàn. Thời vụ gieo mạ từ 30/12/2015
- 05/01/2016, cấy khi tuổi mạ đạt 3,5 - 4 lá.
+ Trà lúa Xuân muộn (82% diện tích): Gieo
cấy trên chân đất vàn, vàn cao. Sử dụng các giống lúa lai: Nhị ưu 838, Nhị ưu
số 7, GS9, Syn6,
Thục
hưng 6, N.ưu 89, CT16, TH3-3, PHB71, SQ2, TH3-5; lúa thuần: RVT, VS1, HT1, KDĐB,
Thiên ưu 8, TBR225, Nếp 97. Thời vụ gieo mạ từ 01 - 7/02/2016, cấy mạ 2 - 2,5
lá; gieo thẳng từ 5 - 15/02/2015. Trong đó cần lưu ý một số giống: Nhị ưu 838, Nhị
ưu số 7, GS9 dễ nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; TBR225 dễ nhiễm bệnh khô
vằn, đen lép hạt.
Trên thực tế, do điều kiện thời tiết ấm, nông dân ở
nhiều địa phương (Phù Ninh, Tam Nông, Hạ Hòa, Yên Lập, ...) đã gieo mạ các
giống ngắn ngày trước khung lịch. Khi cấy tiếp tục gặp thời tiết ấm, cây lúa sẽ
phát triển nhanh, trỗ sớm ảnh hưởng đến năng suất. Mặt khác, đây là điều kiện
để sâu, bệnh phát sinh, gây hại sớm và diễn biến bất thường.
+
Cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày bố trí trên chân cao khó nước, trên đất bãi.
Ngô sử dụng các giống LVN4, NK4300 (Dễ nhiễm bệnh lùn sọc đen), DK9955, DK8868,
DK6919, P4199, B265, Ngô nếp; Giống ngô chuyển gien: NK66 Bt, NK66 GT, NK66
Bt/GT; gieo từ 05 - 20/02/2016. Lạc sử dụng các giống L14, MD7, TB25, L26 gieo
từ 05 - 15/02/2016. Đậu tương sử dụng các giống DT84, ĐT26, DT2000 gieo từ 10/02
- 10/3/2016.
II/
DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH HẠI CÂY TRỒNG TRONG VỤ:
1.
Trên cây lúa:
Các
đối tượng dịch hại chính gồm: Chuột, rầy các loại, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh
khô vằn, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn. Ngoài ra, ốc bươu
vàng, bệnh sinh lý, bọ trĩ, ruồi đục nõn hại đầu vụ; bệnh lùn sọc đen xuất hiện
và gây hại ở giai đoạn đẻ nhánh; bọ xít dài gây hại giai đoạn trỗ - ngậm sữa; nhện
gié, bệnh đen lép hạt hại cuối vụ. Diễn biến sự phát sinh và gây hại của một số
đối tượng chính trong vụ cụ thể như sau:
- Chuột: Gây hại liên tục trong vụ, gây hại mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh - làm đòng, gây
hại ngô giai đoạn trỗ cờ, phun râu - chín sáp.
- Rầy các loại: Rầy xám phát triển và gây hại mạnh giai đoạn lúa đứng
cái - làm đòng; rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại mạnh giai đoạn lúa trỗ - chắc
xanh. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy ổ. Ngoài
gây hại, rầy lưng trắng còn là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen. Có 3 lứa rầy
gây hại trong vụ:
+
Lứa 1: Rầy cám ra rộ từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 trên lúa xuân sớm giai
đoạn đẻ nhánh. Lứa này mật độ thấp, không gây hại lớn chỉ tích luỹ mật độ cho
lứa sau.
+
Lứa 2: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 4, gây hại trên lúa xuân sớm giai
đoạn trỗ - ngậm sữa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy ổ
nhỏ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.
+
Lứa 3: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại trên lúa xuân trung và
xuân muộn giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi. Đây là lứa rầy chính trong vụ có khả
năng gây hại nặng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây
cháy chòm trên các giống nhiễm vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Dự
kiến diện tích và mức độ gây hại cao hơn năm 2015. Các huyện cần chú ý: Yên
Lập, Cẩm Khê, Tân Sơn, Phù Ninh, Việt Trì, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Lâm
Thao, Thanh Ba, Thanh Sơn, ...
- Sâu đục thân 2 chấm:
Vụ xuân có 2 lứa gây hại chính:
+
Lứa 1: Bướm ra rộ khoảng từ giữa đến cuối tháng 3, sâu non gây dảnh héo rải rác
trên lúa giai đoạn đẻ nhánh. Giai đoạn này cây lúa có khả năng tự đền bù sự gây
hại do sâu đục thân gây ra, cần tập trung chăm sóc, không phun thuốc hoá học để
bảo vệ thiên địch đầu vụ.
+
Lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 5, sâu non gây bông bạc chủ yếu trên
trà xuân muộn trỗ trùng thời kỳ bướm rộ, mức độ hại từ nhẹ - trung bình, cục bộ
ổ nặng. Đây là lứa gây hại chính trong vụ.
Dự
kiến diện tích và mức độ hại có khả năng cao hơn năm 2015. Các huyện cần chú ý:
Phù Ninh, Đoan Hùng, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Sơn, ...
- Sâu cuốn lá nhỏ:
Có 2 lứa có khả năng gây hại trong vụ:
+
Lứa 1: Bướm ra rộ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, sâu non gây hại rải rác trên
lúa xuân sớm. Mức độ hại nhẹ, không cần phòng trừ.
+
Lứa 2: Bướm ra rộ từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, sâu non gây hại trên lúa xuân
sớm giai đoạn làm đòng, lúa xuân muộn giai đoạn đứng cái - làm đòng, mức độ hại
nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Đồng thời, đây là lứa nguồn tiếp tục tích
lũy mật độ trên diện tích lúa xuân cấy muộn, trên lúa chét, gốc rạ và bờ cỏ để
chuyển lứa, gây hại mạnh trên lúa mùa sớm.
Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại cao hơn
năm 2015. Các huyện đều cần quan tâm theo dõi để phòng trừ.
-
Bệnh khô vằn:
Phát sinh và gây hại mạnh trên các trà lúa ở giai đoạn đứng cái, làm đòng -
chắc xanh từ cuối tháng 3 đến cuối vụ. Bệnh hại nặng trên ruộng cấy dày, bón
nhiều đạm, bón không cân đối. Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại có khả
năng cao hơn năm 2015.
- Bệnh đạo ôn:
Phát sinh gây hại diện hẹp trên
các trà lúa ở giai đoạn đẻ rộ - trỗ bông từ giữa đến cuối tháng 3 và lây lan
gây hại mạnh trong tháng 4 đến đầu tháng 5. Bệnh hại nặng trên giống nhiễm (Nếp
97, X21, Xi23,...) và một số giống không có trong hướng dẫn cơ cấu giống nhưng
do nông dân tự gieo cấy (BC15, KD18, Q5,...), ruộng lúa xanh tốt, bón thừa đạm.
Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại tương đương năm 2015. Các huyện cần
chú ý: Lâm Thao, Yên Lập, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Cẩm Khê, ...
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:
Bệnh phát sinh và gây hại vào cuối vụ xuân khi lúa ở giai đoạn làm đòng - trỗ
chín, phát triển mạnh sau những trận mưa dông. Bệnh thường gây hại nặng trên
các giống lúa có bản lá to, màu xanh đậm, ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn và
bón không cân đối, lưu ý trên những ruộng thường xuyên bị bệnh ở những vụ
trước.
2.
Trên cây ngô xuân: Sâu xám gây hại giai đoạn cây con; sâu
ăn lá, sâu đục thân, đục bắp, rệp cờ, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá lớn, ... gây
hại giai đoạn phát triển thân lá - chín; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Bệnh
lùn sọc đen có thể xuất hiện gây hại cục bộ.
3. Trên cây rau: Sâu
tơ, sâu xanh, sâu khoang, rệp, bọ nhảy, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn, bệnh
đốm vòng, ... gây hại nhẹ đến trung
bình, cục bộ hại nặng.
4. Trên cây chè:
- Bọ cánh tơ, nhện đỏ, ... gây
hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng, có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất
trên những nương chè dãi nắng, không có cây che bóng hoặc mật độ cây che bóng
quá thưa. Thời điểm cần chú ý: Tháng 3 - 6.
- Rầy xanh, bọ xít muỗi, bệnh
đốm nâu, đốm xám, bệnh phồng lá, bệnh thối búp gây hại nhẹ đến trung bình. Thời
điểm cần chú ý: Tháng 3 - 9.
5. Trên cây ăn quả:
- Sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, sâu đục thân cành xuất hiện và
gây hại vào đầu vụ xuân trên cây bưởi.
- Nhện đỏ, sâu đục quả, bệnh
chảy gôm, bệnh loét, bệnh sẹo gây hại trên cây bưởi vào tháng 3 – 5.
- Nhện lông nhung, bọ xít nâu,
bệnh sương mai hại nhãn vải trong vụ xuân. Mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ
hại nặng.
6. Trên cây lâm nghiệp: Châu chấu
tre lưng vàng phát sinh gây hại đầu tháng 4 trên các rừng tre, luồng và trên
ngô, lúa; các huyện đã phát sinh các năm trước cần chú ý: Đoan Hùng, Tam Nông,
Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba. Ngoài ra cần theo dõi sâu xanh
hại bồ đề; bệnh chết ngược, bệnh héo ngọn, khô cành, bệnh thối thân, sâu nâu ăn
lá hại keo; mối, bệnh khô cành, đốm lá hại bạch đàn; Kiến, mối, bọ hung, sâu
xám, sâu ăn lá, bệnh phấn trắng, héo rũ, ... gây hại nhẹ cây con giai đoạn
trong vườn ươm.
III/ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP
PHÒNG TRỪ:
Để phòng chống sinh vật gây hại
cây trồng trong điều kiện thời tiết bất thuận có hiệu quả, đề nghị UBND các
huyện, thành, thị tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Công tác chỉ đạo:
- Trên cơ sở Phương án này, đề
nghị UBND các huyện, thành, thị sớm xây dựng phương án của địa phương, triển
khai đến xã, phường, thị trấn và HTX trên địa bàn để thực hiện.
- Chỉ đạo triển khai thực hiện
kế hoạch số 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng
quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 – 2020, chú ý coi
trọng các biện pháp canh tác (Mở rộng
diện tích áp dụng SRI đảm bảo từ 4 - 5 nguyên tắc trên lúa và áp dụng quy trình
VietGAP trong sản xuất rau, cây ăn quả, chè, ... Tích cực trồng, chăm sóc và
bảo vệ cây che bóng trên nương chè) kết hợp biện pháp thủ công (ngắt ổ trứng
sâu, bắt sâu non, bắt ốc bươu vàng, ...) ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh
học, thảo mộc và thuốc đặc hiệu có độ độc thấp để phòng trừ. Sử dụng thuốc BVTV
theo nguyên tắc “4 đúng”, chỉ phun khi trên ruộng có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh gây
hại đến ngưỡng phòng trừ, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.
- Tổ chức tốt các đợt diệt chuột tập trung trong vụ
Chiêm xuân theo Công văn số 1668/SNN-BVTV ngày 16/12/2015 của Sở Nông nghiệp và
PTNT để hạn chế chuột gây hại trong vụ.
- Chỉ đạo các phòng, trạm chuyên môn thường xuyên
bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến, xu hướng phát triển của sinh vật gây
hại, chủ động thông báo và tham mưu kịp thời với UBND cấp huyện chỉ đạo có hiệu
quả.
2. Công
tác tuyên truyền tập huấn:
- Chỉ đạo các phòng, ban, trạm phối hợp tốt với cơ
quan thông tin tuyên truyền của tỉnh, huyện để thông tin tuyên truyền về ảnh
hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận đến sinh trưởng và phát triển của cây
trồng, hướng dẫn nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng chống kịp
thời các đối tượng sinh vật gây hại.
- Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ khuyến
nông cơ sở làm công tác bảo vệ thực vật để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
trên địa bàn.
3. Công
tác thanh, kiểm tra:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý
tốt việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trong tỉnh, xử lý nghiêm các
vi phạm. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa, ngăn chặn kịp thời,
không cho sinh vật lạ xâm nhập, phát tán, lây lan gây hại trên địa bàn.
Trên đây là Phương án Ứng phó với sinh vật gây hại
cây trồng trong điều kiện thời tiết bất thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị trong ngành phối hợp,
chỉ đạo để công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật đạt hiệu quả, đảm bảo sản xuất
vụ Chiêm xuân thắng lợi./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Ô. Thủy - PCT UBND tỉnh (b/c);
- Cục Bảo vệ thực vật (b/c);
- VP: TU, HĐND, UBND tỉnh (b/c);
- GĐ, PGĐ Sở (Ô. Anh);
- UBND các huyện, thành, thị;
- Các đơn vị trong ngành có LQ;
-
Lưu: VT, BVTV (30 bản).
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
(Đã ký)
Trần Tú Anh
|