Hiện nay, các trà lúa Chiêm xuân đang trong giai đoạn đứng cái - đòng
già. Kết quả điều tra SVGH tuần 15 (06-07/4) cho thấy, trong tuần qua, trời mưa nhiều ngày liên
tục, ẩm độ không khí cao, bệnh đạo ôn, khô vằn tiếp tục phát sinh và lây lan
nhanh, bệnh bạc lá xuất hiện rải rác ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây lúa. Chi
cục Trồng trọt và BVTV thông báo kết quả tình hình SVGH, dự báo trong thời gian
tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ cụ thể như sau:
I/ TÌNH HÌNH SVGH VÀ DỰ BÁO 7 NGÀY TỚI:
1. Bệnh đạo
ôn:
* Hiện tại: Trong
tuần, bệnh phát sinh, lây lan nhanh ở tất cả các huyện, thành, thị. Tỷ lệ bệnh trên lá phổ
biến 0,5 - 2,6%, cao 3,1 - 10,4%, cục bộ 12-18% (Yên Kỳ, Vĩnh Chân, Minh Hạc
huyện Hạ Hòa; Lương Lỗ, Hanh Cù, Mạn Lạn huyện Thanh Ba; xã Đồng Trung huyện
Thanh Thủy; Mỹ Lung, Thị Trấn, Thượng Long huyện Yên Lập, Văn Lung, Hà Lộc, Hà
Thạch - TX. Phú Thọ), cá biệt ổ 31,4% (Thụy Vân, Kim Đức - TP Việt Trì, Minh
Hạc - Hạ Hòa); cấp
bệnh phổ biến Cấp 1. Diện tích nhiễm 736,84 ha (Giảm 101,74 ha so với kỳ trước), trong đó nhiễm nhẹ 528,19 ha; nhiễm trung bình 187,06 ha; nhiễm nặng 21,6 ha (TP. Việt Trì, Hạ Hòa), diện
tích đã phòng trừ 619,1 ha/660
ha dự kiến (Đạt 93,8% so với dự kiến trong
kỳ).
* Dự báo: Dự báo trong những
ngày tới, trời tiếp tục có nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao, một số ngày
trời nhiều mây, đêm và sáng trời lạnh, nhiệt độ trung bình 19 - 280C
sẽ tiếp tục là điều kiện cho bệnh phát triển gây hại, đặc biệt là trên diện
tích lúa đòng già, bắt đầu trỗ đã nhiễm bệnh và những diện tích đã phòng trừ
nhưng gặp mưa kém hiệu quả. Bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục lây lan nhanh và gây hại mạnh, có thể gây cháy
chòm, ổ, gây hại nặng trên cổ bông, cổ gié ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất
lúa nếu không được phòng trừ kịp thời. Diện tích dự kiến cần phòng
trừ tiếp trong kỳ 457 ha. Lưu ý
trên một số giống: J02,TBR 225, Nếp,
Xi23, X21, KD18, Thiên ưu 8, Séng cù, VNR88, ... Các huyện cần chú ý: Yên
Lập, Hạ Hòa, TX Phú Thọ, TP. Việt Trì,
Thanh Ba, Thanh Thủy, Thanh
Sơn, ...
2. Bệnh khô vằn:
*
Hiện tại: Bệnh phát sinh và gây hại ở
tất cả các huyện thành thị. Tỷ lệ bệnh phổ biến 1,0 - 8,7%; cao 12 - 25%; cục
bộ 30-45% (Lâm Thao, Phù Ninh, Việt Trì). Diện tích nhiễm 4.391,2 ha, trong đó
nhiễm nhẹ 3.042,1 ha, trung bình 1.208,3 ha, nặng 140,8 ha (Thanh Ba, Lâm Thao,
Việt Trì); diện tích đã phòng trừ 1.287,9 ha.
* Dự báo: Trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan
và gây hại trên tất cả các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại
nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối.
3. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:
* Hiện tại:
Bệnh phát sinh và gây hại rải rác ở
Lâm Thao, Phù Ninh, TX. Phú Thọ, Tam Nông, TP. Việt Trì. Tỷ lệ bệnh phổ biến
0,2 - 0,9%; cao 1,6 - 4,0%; cục bộ 12,3% (Lâm Thao). Diện
tích nhiễm 7,7 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ. Diện tích đã phòng trừ 7,7 ha.
* Dự báo: Bệnh sẽ tiếp tục phát triển, lây
lan nhanh sau những cơn mưa rào và dông, gây hại bộ lá đòng. Mức độ hại nhẹ đến
trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, nhất là trên
diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh. Các huyện
cần chú ý: Lâm Thao, Phù Ninh, TP. Việt Trì, TX Phú Thọ, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thanh Thủy, Yên Lập,... .
4. Ngoài
ra: Rầy
các loại, bọ xít dài, chuột gây hại rải rác trên ruộng lúa thơm và trỗ trước so
với đại trà, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
II/ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:
1. Biện
pháp chỉ đạo:
- Từ nay đến cuối vụ là thời gian
cao điểm phòng trừ SVGH, đặc biệt là đạo ôn cổ bông, rầy các loại, khô vằn....
Đây là thời gian có ý nghĩa quyết định tới năng suất, sản lượng lúa của cả vụ.
Vì vậy đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong
công tác phòng trừ sâu bệnh, phân công cán bộ, chỉ đạo tổ khuyến nông cơ sở
kiểm tra đồng ruộng, khoanh vùng các khu, cánh đồng, trà lúa để phòng trừ hiệu
quả, triệt để bệnh đạo ôn và các đối tượng sâu bệnh khác. Chỉ đạo UBND cấp xã tăng
thời lượng phát, tần suất phát thanh trên Hệ thống truyền thanh ở xã, khu dân
cư để bà con nông dân nắm bắt được tình hình thời tiết, kỹ thuật chăm sóc và
phòng trừ sâu bệnh, đặc biết là bệnh đạo ôn.
- Yêu cầu
các Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, thành, thị phân công cán bộ điều tra kỹ đồng
ruộng, nhận định chính xác tình hình SVGH và tham mưu văn bản cho UBND cấp
huyện chỉ đạo phòng trừ kịp thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sản xuất trong
điều kiện bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tốt bất lợi; biên soạn nội dung tuyên
truyền về tình hình thời tiết, sâu bệnh và kỹ thuật phòng trừ gửi UBND cấp xã
để phát thanh trên Hệ thống truyền thanh ở địa phương. Tổng hợp diện tích nhiễm
và kết quả phòng trừ vào 15h00 hàng ngày, kể cả ngày nghỉ (Về phòng
Bảo vệ thực vật qua điện thoại hoặc Email, PPDMS) để tổng hợp báo cáo Sở Nông
nghiệp và PTNT, UBND tỉnh.
2.
Kỹ thuật phòng trừ:
- Bệnh
đạo ôn:
Khi ruộng
bị bệnh, cần giữ nước trong ruộng, dừng bón các loại phân hoá học. Trong
điều kiện thời tiết âm u, ẩm độ cao, phun phòng trừ ngay khi
ruộng chớm bị bệnh, đặc biệt là ruộng đòng già, chuẩn bị trỗ đã nhiễm đạo ôn lá bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở
Việt Nam,
ví dụ như: Fu-army 30WP, 40EC, Fuji-One 40WP, 400EC, Saiko 25WP, Katana 20SC, Lúa vàng 20WP, Grin USA 860WP, Tilbis super 550SE, Trizole
75WP, Ka-bum 650WP, Funhat 40WP, Bamy 75WP,... . Ruộng bị nặng cần phải
phun kép (2 lần) lần 1 cách lần 2 từ 5 - 7 ngày; ruộng chuẩn bị trỗ đã bị
nhiễm đạo ôn lá thì nhất thiết phải phun phòng trừ đạo ôn cổ bông khi lúa trỗ
thấp tho và sau khi trỗ hoàn toàn.
- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%,
tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ: Chevin 5SC, Saizole
5SC, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL,...), pha và
phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Sau mưa dông, cần kiểm tra ngay đồng ruộng. Nếu phát hiện ruộng chớm
bị bệnh, cần phun phòng trừ ngay bằng các thuốc đã được đăng ký trong danh mục
thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Starwiner 20WP, Kamsu 2SL,
Xanthomix 20WP, Sasa 25WP, ...). Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép (2 lần
cách nhau 5 ngày).
Lưu ý: Đối với diện tích lúa
đang trỗ thì cần phun thuốc vào trước 8h sáng và sau 16h chiều.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực
vật Phú Thọ thông báo và kính đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ
đạo./.