Thứ Bảy, 20/4/2024
Kết quả thử nghiệm bẫy Pheromone trong phòng chống sâu keo mùa thu tại Phú Thọ
Gửi bài In bài
Mô hình sử dụng bẫy Pheromone trong phòng chống sâu keo mùa thu gây hại trên ngô tại xã Bình Phú, huyện Phù Ninh

Thực hiện công tác phối hợp triển khai đề tài "Nghiên cứu tạo mồi Pheromone và đánh giá khả năng ứng dụng bẫy Pheromone trong quản lý và phòng chống sâu keo mùa thu gây hại trên ngô" giữa Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vụ Thu đông 2021, tại cánh đồng Tay Cả, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh chi cục đã triển khai mô hình sử dụng bẫy Pheromone trên 3ha giống ngô CP511, NK6275.

Mô hình được đặt bẫy Pheromone cùng với thời điểm gieo ngô (31/8) và được thử nghiệm với nhiều khoảng cách, mật độ đặt bẫy khác nhau (CT1 đặt bẫy với khoảng cách 30x20m; CT2 là 30x30m; CT3 là 40x40m; CT4 là 50x50m và CT5 không đặt bẫy là công thức đối chứng). Chiều cao treo bẫy từ 1,2-1,4m so với mặt ruộng. Mồi Pheromone được thay sau 25 ngày và kết thúc khi ngô xoáy nõn. Để đánh giá hiệu quả đặt bẫy tại mô hình, nhóm cán bộ tham gia đã tiến hành đo đếm trưởng thành đực sâu keo vào bẫy 3 ngày/lần và theo dõi mật độ sâu non gây hại trên đồng ruộng 7 ngày/lần (bắt đầu từ ngày ngô mọc).

Theo dõi số lượng trưởng thành đực vào bẫy (mỗi công thức đo đếm 10 bẫy) trong 45 ngày tại các công thức cho kết quả: Công thức 1 tổng thu được 221 con; CT2 thu được 883 con; CT3 thu được 439 con; CT4 thu được 92 con. Qua theo dõi cho thấy ngay sau đặt bẫy 1 ngày (sau gieo 1 ngày) đã có trưởng thành vào bẫy, mật độ trưởng thành vào bẫy tăng dần lên và vào nhiều trong thời gian 5-10 ngày tiếp theo, sau đó giảm dần đến ngày thứ 15-20 sau đặt bẫy. Trưởng thành tiếp tục có xu hướng vào bẫy trở lại từ 26/9, số lượng vào bẫy tăng dần vào những ngày tiếp theo, sau đó lại giảm và đến ngày 12/10 thì mật độ trưởng thành vào bẫy rất ít chỉ một vài con/bẫy.   

Theo dõi mật độ sâu non gây hại trên ngô cho thấy sâu non xuất hiện rất sớm ngay sau khi cây mới nở (4-5 ngày sau gieo), mật độ trung bình từ 0,4-0,9 con ở các công thức đặt bẫy, công thức đối chứng không đặt bẫy mật độ sâu non lên tới 3,3 con/m2. Ngô mọc sau 7 ngày (cây ngô đã có 2 lá), mật độ sâu rất cao CT1 là 8,3 con/m2; CT2 là 7,2 con/m2; CT3 là 10,8 con/m2; CT4 là 13,9 con/m2 và CT đối chứng là 17,6 con/m2. Ở lứa sâu tiếp theo vào đầu tháng 10 mật độ sâu non gây hại đã thấp hơn rất nhiều so với lứa đầu, trung bình từ 0,4-1,5 con/m2, công thức đối chứng là 2,9 con/m2.

Với mật độ sâu non gây hại thực tế trên đồng ruộng, tại tất cả các công thức đều được khuyến cáo và tiến hành phun thuốc khi sâu non tuổi 1-2 và mật độ sâu 4 con/m2 trở lên. Các công thức 1,3,4 phải phun 2 lần, công thức đối chứng phun đến 3 lần, công thức 2 chỉ phun 1 lần. Do thu bắt trưởng thành và phun trừ sâu non nên đến lứa sâu tiếp theo vào đầu tháng 10 mật độ sâu giảm nhiều, ở các công thức không phải phun thuốc.

Với kết quả theo dõi, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng bẫy Pheromone để thu bắt trưởng thành sâu keo mùa thu đã hạn chế được trưởng thành đẻ trứng và giảm được mật độ sâu non gây hại ngô, trong đó công thức 2 với khoảng cách 30x30 m (tương đương với 11-12 bẫy/ha) cho hiệu quả tốt nhất.

Sâu keo mùa thu là loại sâu mới xuất hiện ở Việt Nam và Phú Thọ từ năm 2019 nhưng mức độ lây lan rất nhanh và hiện đã gây hại ở tất cả các diện tích trồng ngô của tỉnh. Hiện, sâu keo mùa thu được xác định là loài gây hại nguy hiểm tại Việt Nam. Với đặc tính rải lứa, khó phòng trừ bằng thuốc BVTV hóa học, chi phí phòng trừ cao do phải phun nhiều lần trong vụ. Biện pháp thu bắt trưởng thành bằng bẫy Pheromone không những quản lý được đối tượng gây hại một cách an toàn mà còn đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường. Thời gian tới chi cục sẽ tiếp tục đề xuất và triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn các huyện, thành, thị của tỉnh./.

                                                                                                                         NGUYỄN TRƯỜNG GIANG


THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn