Chủ Nhật, 8/12/2024
Thông báo Kết quả tổng điều tra tình hình sinh vật gây hại (SVGH) đầu vụ, dự báo SVGH trên cây lúa vụ Mùa 2023
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục TT&BVTV, lãnh đạo UBND xã Sơn Vi cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình sâu bệnh vụ mùa 2023 tại xã Sơn Vi

Từ ngày 17 đến 19/7/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã tiến hành tổng điều tra, đánh giá nguồn SVGH đầu vụ trên cây lúa. Qua kết quả tổng điều tra, Chi cục thông báo tình hình và dự báo SVGH trong vụ như sau:

I/ TÌNH HÌNH SVGH VÀ DỰ BÁO:     

1. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại:

- Trà lúa mùa sớm (lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh), trà lúa mùa trung (lúa đang giai đoạn đẻ nhánh - đẻ rộ): Mật độ sâu non phổ biến 4,0 - 16 con/m2, cao 20 - 36 con/m2, cục bộ 40 con/m2, phát dục chủ yếu tuổi 2,3,4 (Một số xã có mật độ cao như: Vĩnh Lại, Bản Nguyên, Phùng Nguyên, Sơn Vy huyện Lâm Thao; Xuân Lộc, Đồng Trung huyện Thanh Thủy; Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, TT. Yên Lập huyện Yên Lập; Xuân Áng, Vĩnh Chân, Minh Hạc huyện Hạ Hòa; Vạn Xuân, Dân Quyền, Hương Nộn huyên Tam Nông. Tổng diện tích nhiễm 1.044 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ (vụ Mùa năm 2023, sâu cuốn lá nhỏ có phát dục tương đối đồng đều ở trên cả hai trà lúa).

* Dự báo:

- Trưởng thành sẽ ra rộ từ 28/7 - 05/8, di chuyển và đẻ trứng trên các trà lúa. Sâu non nở rộ từ 02/8 trở đi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng, có thể gây trắng lá hoàn toàn nếu không phòng trừ kịp thời, ảnh hưởng đến năng suất về cuối vụ. Dự kiến diện tích cần phòng trừ cả 2 trà trên 6.200 ha, thời gian phòng trừ tốt nhất từ ngày 02/8 - 10/8/2023. Một số huyện có diện tích gieo cấy sau có thể phun muộn hơn, nhưng không quá ngày 15/8/2023.  

2. Chuột hại:

* Hiện tại: Chuột đã di chuyển và gây hại trên các trà lúa mùa tỷ lệ hại phổ biến 0,5 - 1,5%; cao 3,5 - 5% diện tích nhiễm 20ha (Nhiễm nhẹ).

* Dự báo: Chuột tiếp tục di chuyển gây hại trên các trà lúa. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa thơm, lúa chất lượng cao, ruộng gần khu dân cư, khu trang trại chăn nuôi, ven đồi gò, kênh mương, đường lớn, khu vực nghĩa trang, khu vực trồng cỏ, ... . Các huyện cần chú ý như: Lâm Thao, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Phù Ninh, Thanh Ba, Tam Nông, TP. Việt Trì, TX Phú Thọ, ...

 

3. Bệnh Sinh lý:

* Hiện tại: Bệnh đã xuất hiện rải rác trên các trà lúa tỷ lệ hại trung bình 1 - 5%; cao 8 - 10%, cục bộ 20% (Bản nguyên, Vĩnh Lại, Sơn vi, Phùng Nguyên huyện Lâm Thao).

* Dự báo: Trong thời gian tới, thời tiết có nắng mưa xen kẽ, kết hợp với bón đón đòng sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng, nhất là khi cây lúa chuyển giai đoạn sang đứng cái làm đòng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.

4. Các đối tượng khác:

Bệnh khô vằn, Bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn hại từ đầu tháng 8 trên trà sớm và trung tuần tháng 8 trở đi trên trà mùa trung. Sâu đục thân gây hại trên trà lúa mùa trỗ từ 20/8 trở đi; Rầy các loại gây hại từ đầu đến giữa tháng 8 trở đi trên trà sớm và trà mùa trung từ đầu tháng 9.

II. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Nhận định cao điểm phòng trừ SVGH vụ mùa năm 2023:

Thời gian từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 là thời kỳ cần tập trung phòng trừ các đối tượng SVGH trên lúa mùa, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, cần tập trung cao độ để phòng trừ, trong vụ có 2 đợt chính cần chú ý:

- Đợt 1: Từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 8/2023: Tập trung phòng trừ Sâu cuốn lá nhỏ, diệt chuột tập trung; bên cạnh đó cần phòng trừ bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, đây là thời kỳ cao điểm phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa;

- Đợt 2: Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2023:  Tiếp tục chú ý phòng trừ sâu đục thân, rầy các loại, bệnh khô vằn, bạc lá,...

2. Biện pháp chỉ đạo:

Đề nghị UBND các huyện, thành, thị kiện toàn ban chỉ đạo sản xuất, phân công thành viên BCĐ và cán bộ các phòng, trạm chuyên môn đến cơ sở kiểm tra, khoanh vùng, đôn đốc, chỉ đạo chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại (tránh tình trạng phun thuốc tràn lan), kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn cho sản xuất, cụ thể:

- Thực hiện tốt văn bản số 929/SNN-TT&BVTV của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 09 tháng 6 năm 2023 về việc chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất vụ mùa năm 2023, văn bản  số 1097/SNN-TT&BVTV ngày 05 tháng 7 năm 2023, về việc Phát động diệt chuột tập trung vụ mùa năm 2023.

- Đẩy mạnh chăm sóc lúa theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM, IPHM), ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) giúp cây khoẻ, hạn chế tác hại của sâu bệnh gây ra.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhất là bán thuốc không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, thuốc cấm sử dụng, thuốc hết hạn sử dụng và lợi dụng cao điểm sâu bệnh để nâng giá thuốc BVTV, cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh buôn bán, bán hàng rong, bán hàng không đúng địa điểm đăng ký kinh doanh, ....

Chi cục giao Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị tăng cường công tác điều tra dự tính dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sinh vật gây hại (SVGH), dự báo chính xác về quy mô, mức độ và vùng gây hại với từng đối tượng, ra thông báo hàng tuần theo quy định; báo cáo tiến độ phòng trừ sinh vật gây hại, đồng thời tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời có hiệu quả đảm bảo an toàn cho sản xuất trên địa bàn./.

Phòng Kỹ thuật - Nghiệp vụ


THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn