Thứ Bảy, 23/11/2024
Nâng cao chất lượng công tác dự tình, dự báo, phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng vụ xuân 2024
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa vụ Xuân 2024 tại huyện Tân Sơn

Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh Phú Thọ gieo cấy 35, 4 nghìn ha, năng suất  ước đạt 61,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt 219,1 nghìn tấn (cao hơn năm 2023 là 1,2 nghìn tấn), đây là vụ tiếp tục được mùa trong 4 năm liên tiếp góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Có được kết quả trên do có sự chỉ đạo sát sao của Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng TBKT mới, cơ giới hóa vào sản xuất…nâng cao chất lượng công tác dự tính, dự báo, chỉ đạo phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa, ngô, rau, chè, bưởi, chuối…. đã giảm chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động), hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Để bảo vệ an toàn cho sản xuất vụ xuân, ngay từ đầu vụ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp chặt chẽ với phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành, thị tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đài truyền thanh xã về Dự báo tình hình sinh vật gây hại (SVGH) cây trồng, Phương án phòng chống sinh vật gây hại vụ xuân 2024; thực hiện tổng điều tra sinh vật gây hại đầu vụ trên địa bàn toàn tỉnh, xác định chính xác cao điểm sinh vật gây hại vụ xuân. Trong suốt vụ, Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các Trạm Khuyến nông, Tổ khuyến nông xã thực hiện các kỳ điều tra sinh vật gây hại cây trồng; thường xuyên bám sát đồng ruộng, điều tra sâu bệnh, phát hiện sớm, dự báo đầy đủ, chính xác tình hình phát sinh, diện phân bố và mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại trên các cây trồng thuộc từng địa bàn; gửi thông báo sâu bệnh hàng tháng, đặc biệt trong cao điểm sâu bệnh hại Chi cục đã gửi thông báo hàng tuần về tình hình SVGH, dự báo SVGH và biện pháp chỉ đạo phòng trừ để các địa phương chủ động công tác phòng trừ hạn chê sâu bệnh lây lan diện rộng. Hướng dẫn nông dân khoanh vùng và phun trừ những diện tích nhiễm sâu, bệnh gây hại đến ngưỡng, hạn chế phun thuốc BVTV tràn lan, phun thuốc không đúng đối tượng.




Ảnh 1: 
Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa vụ Xuân 2024 tại huyện Tân Sơn


Các huyện, thành, thị đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn, các đoàn thể, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổ chức triển khai sản xuất theo kế hoạch, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, phòng trừ các đối tượng dịch hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Diệt ốc bươu vàng khi làm đất và thời kỳ lúa mới cấy, tổ chức diệt chuột tập trung quy mô toàn xã từ ngày 25/2 đến 15/3; tăng cường điều tra, phát hiện, khoanh vùng xử lý hiệu quả sâu keo mùa thu trên ngô;  tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật trong cao điểm SVGH vào giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 các đối tượng SVGH trên đồng ruộng như đạo ôn, khô vằn, rầy các loại… hiệu quả, kịp thời (chỉ đạo quyết liệt, tổ chức phun thuốc BVTV kể cả các ngày nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 trên những diện tích lúa có mật độ rầy cao có nguy cơ làm giảm năng suất). Chỉ đạo, hỗ trợ các Hợp tác xã kết nối với các doanh nghiệp làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức triển khai nhanh, phun phòng trừ sâu bệnh tập trung, đồng loạt trong thời gian ngắn bằng thiết bị bay không người lái tập trung đã tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tăng hiệu suất lao động, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ cây trồng.



Ảnh 2: 
Sử dụng thiết bị bay không người lái phòng trừ sâu bệnh tập trung

Vụ Xuân năm 2024, tổng diện tích nhiễm sâu bệnh hại trên lúa, ngô, rau, chè, lâm nghiệp trên 25,4 nghìn ha (nhiễm nhẹ 19,9 nghìn ha, nhiễm trung bình 5,3 nghìn ha, nhiễm nặng 193,4 ha). Tổng diện tích đến ngưỡng đã được phòng trừ 7,6 nghìn ha (phòng trừ lần 1 là 7,5 nghìn ha, lần 2 là 167,2 ha). Trong đó: Diện tích đã được phòng trừ trên cây lúa: Bệnh Đạo ôn lá: 124,3 ha, bệnh Khô vằn: 11,2 nghìn ha, Ốc bươu vàng: 171 ha, bệnh Bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: 237 ha, Rầy các loại: 1.424,5 ha… Sâu keo mùa thu trên cây ngô: 83,6 ha, bọ cánh tơ trên cây chè: 300 ha, Châu chấu tre lưng vàng trên cây lâm nghiệp: 34,9 ha... Công tác điều tra xác định SVHG, dự tính dự báo và hướng dẫn xử lý, phòng trừ kịp thời, chính xác của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng với công tác chỉ đạo, tổ chức phòng trừ sâu bệnh quyết liệt của các địa phương, vụ xuân 2024 sâu bệnh gây hại nhẹ, năng  suất, sản lượng cây trồng đều tăng hơn so với năm 2023 từ 1,2 -1,3 lần, nông dân phấn khởi được mùa, được giá yên tâm gắn bó với sản xuất nông nghiệp tại quê hương. 



Ảnh 3: 
Hướng dẫn nông dân sử dụng bẫy ruồi vàng trên cây bưởi tại xã Xuân Thủy,  huyện Yên Lập

Việc chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ thực vật, nắm vững cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng của các địa phương, đồng thời xác định đúng tuyến, thời điểm điều tra và tổ chức phòng trừ đúng thời điểm đã ngăn chặn và phòng ngừa các loại sâu bệnh hại trên cây trồng hiệu quả, là cơ sở quan trọng để bảo vệ an toàn sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu về năng suất, chất lượng sản phẩm vụ Xuân 2024 của tỉnh./.

 

                                                                                             Thạc sỹ Nhữ Thị Ngọc Anh

 Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ


THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn