Tổ chức trộn mồi bả tập trung phát cho các khu dân cư tại xã Vĩnh Lại huyện Lâm Thao
Chuột
là đối tượng gây hại rất nghiêm trọng trong nền xản suất nông nghiệp. Chúng có
thể ăn tất cả các bộ phận của cây như: Mầm, thân, lá, củ, hoa quả, hạt, rễ ….
Không những gây hại cây trồng ngoài đồng ruộng, cắn phá các mặt hàng trong kho,
vật liệu tiêu dùng, đồ dùng trong gia đình mà còn đào hang phá hủy các công
trình giao thông, thủy lợi và còn là môi giới truyền một số bệnh nguy hiểm cho
con người và gia súc; cắn phá đường dây điện trong nhà, xưởng, kho tàng gây nên
chập điện và gây cháy nhà, xưởng, công ty, ... thiệt hại rất lớn đến kinh tế. Để
hạn chế thấp nhất sự gây hại của chuột đối với sản xuất nông nghiệp, góp phần
bảo vệ an toàn cho sản xuất trồng trọt, bảo vệ kho tàng, nhà xưởng, hộ gia
đình, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa nguy cơ chuột làm lây lan dịch bệnh
nguy hiểm cho cộng đồng, hằng năm Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ đều phát động
hai đợt diệt chuột tập trung trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo diệt chuột
thường xuyên bằng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra.
Tuy nhiên, do đặc điểm sinh học, đặc điểm địa hình, điều kiện khí hậu và điều
kiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh, chuột vẫn tiếp tục gia tăng về số lượng, có
chiều hướng gây hại mạnh.
Ngay
từ đầu vụ xuân năm 2024 Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ đã phát động đợt diệt
chuột tập trung bảo vệ sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Phong trào diệt chuột
đã được các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng nhiệt tình.Từ ngày
25/2 đến 15/3 các huyện, thành, thị đã đồng loạt triển khai đồng bộ các biện
pháp diệt chuột tập trung trên diện rộng và đạt được nhiều kết quả đáng khích
lệ.
Ở cấp huyện: Các huyện, thành, thị đã chỉ đạo, phát động
diệt chuột tập trung và giao UBND các xã, phường, thị trấn, các đoàn thể huy
động mọi lực lượng tham gia diệt chuột. Đẩy mạnh tuyên truyền về đợt diệt chuột
tập trung trên đài truyền thanh của huyện, xã để nhân dân biết, triển khai đồng
loạt để đạt hiệu quả cao. Chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các
Trạm Trồng trọt và BVTV trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn các xã tổ chức diệt
chuột tập trung. Các huyện, thành, thị đã bố trí kinh phí hỗ trợ người dân thuốc
diệt chuột với tổng số tiền trên 800 triệu đồng (Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng,
TP.Việt Trì, Thanh Ba, Tân Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Phù Ninh, TX.Phú Thọ).
Ở cấp xã: 100% xã, phường, thị trấn triển khai phát
động chiến dịch diệt chuột tới các đoàn thể, các khu đội sản xuất, hộ gia đình.
Chỉ đạo tổ Khuyến nông cơ sở, HTX dịch vụ tổ chức phối hợp với cơ quan chuyên
môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về các biện pháp diệt
chuột. Tuyên truyền 2.278 buổi phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Có
122 xã, phường và 02 hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ kinh phí tổ chức diệt chuột (HTX
Hà Thạch - TX Phú Thọ; HTX Xuân Huy - Lâm Thao) với tổng số tiền 974 triệu
đồng, trong đó nông dân tự đóng góp 375 triệu đồng.
Ảnh: Tổ chức trộn mồi bả tập trung phát cho các khu dân cư tại xã Vĩnh Lại huyện
Lâm Thao
Thống
kê kết quả diệt chuột sau đợt diệt chuột tập trung: Số lượng mèo tham gia trên 88,2
nghìn con. Lượng thuốc trừ chuột sinh học được sử dụng là 1.663 kg; lượng thuốc
hóa học sử dụng là 2.904 kg (trong đó hỗ trợ từ ngân sách 1.344 kg). Một số xã, huyện tổ chức tốt trong đợt phát động diệt chuột tập trung như:
xã Vĩnh Lại, Phùng Nguyên huyện Lâm Thao; xã Lương Lỗ, Mạn Lạn, Hoàng Cương huyện
Thanh Ba; xã Xuân Lộc huyện Thanh Thủy; xã Dân Quyền, Dị Nậu, Hương Nộn huyện
Tam Nông; xã Tuy Lộc, Phú Lạc huyện Cẩm Khê; xã Sông Lô, Phượng Lâu, Chu Hóa thành phố Việt Trì; xã
Tứ Hiệp, Vô Tranh huyện Hạ Hòa; xã Liên Hoa, Lệ Mỹ huyện Phù Ninh; xã Chí Đám,
Tây Cốc, Phúc Lai huyện Đoan Hùng; xã Phúc Khánh, Lương Sơn huyện Yên Lập; xã Sơn
Hùng, Cự Thắng huyện Thanh Sơn.... Sức gây hại của chuột đã giảm mạnh cả về diện
tích và mức độ gây hại, diện tích bị chuột hại là 101,2 ha và chủ yếu nhiễm nhẹ
đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, màu trên địa bàn tỉnh. Với sự vào cuộc tích
cực của các địa phương và bà con nhân dân đã tạo phong trào diệt chuột tập
trung trước vụ sản xuất để bảo vệ mùa màng.
Để công tác phòng trừ chuột hiệu quả, tạo phong trào chủ động
diệt chuột trong toàn dân, bài học kinh nghiệm rút ra cho các đợt diệt chuột
tập trung tiếp theo trên địa bàn tỉnh:
Cần phải kết hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó
biện pháp sinh học là trọng tâm, cơ bản, lâu dài, diệt chuột tập trung cả trong
khu dân cư, kho tàng, nhà máy, khu công nghiệp, trang trại và ngoài đồng ruộng;
đồng thời cần có cơ chế chính sách hỗ trợ và tổ chức chỉ đạo đồng bộ, nhằm chủ
động quản lý chuột hại.
Do chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng gia
tăng số lượng rất nhanh, gây hại trong các hộ gia đình, kho tàng, ngoài đồng, do
đó hàng năm cần phải có kế hoạch diệt chuột và tổ chức được từ 2 - 3 đợt diệt
chuột tập trung để khống chế về số lượng, không để thành dịch. Trong chiến dịch
diệt chuột tập trung cần có sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cấp chính quyền, sự vào
cuộc của các tổ chức đoàn thể.
Cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác diệt chuột bảo vệ mùa
màng, theo hình thức huy động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ diệt chuột, đóng
góp theo diện tích (đầu sào - đối với các hộ sản xuất nông nghiệp) hoặc theo
nhân khẩu (đối với hộ phi nông nghiệp), theo đầu các cơ quan đơn vị, doanh
nghiệp đóng trên địa bàn./.
Ths. Trần Thái Ninh
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật