Chủ Nhật, 18/5/2025
Kết quả diệt chuột tập trung vụ xuân năm 2025
Gửi bài In bài
Các hộ dân đang trộn bả sinh học để diệt chuột

Diệt chuột hiện nay là việc làm thường xuyên hàng vụ, hàng năm, cần được duy trì để đảm bảo an toàn cho sản xuất nói chung và nông nghiệp nói riêng. Nhưng để có hiệu quả cao nhất, diệt chuột tập trung thành từng đợt luôn là chiến lược được quan tâm, chú trọng. Ngay từ đầu vụ xuân, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ (Trước thực hiện sát nhập có tên là Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ) ban hành văn bản số 157/SNN-TT&BVTV ngày 04/02/2025 về việc phát động diệt chuột tập trung bảo vệ sản xuất vụ Xuân năm 2025, trong đó thời gian phát động diệt chuột tập trung toàn tỉnh từ ngày 20 tháng 02 đến 15 tháng 03 năm 2025. Cùng với đó các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai đợt diệt chuột tập trung trên địa bàn.

Bám sát công tác chỉ đạo diệt chuột của các địa phương, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp hướng dẫn kỹ thuật đánh chuột tập trung đảm bảo an toàn và hiệu quả, trong đó sử dụng thuốc sinh học, hóa học có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, ví dụ như: Ranpart 2% DS, HiCate 0.25WP, Rat K 2% DP, Rat-kill 2% DP trộn với các loại mồi nhử (thóc luộc, khoai lang, mộng mạ, cua, ốc, tép…) hoặc mồi bả trộn sẵn như: Diof 0.006 AB, FORWARAT 0.005% WAX BLOCK, Broma 0.005AB, GIMLET 2.0GB.... Đặt mồi bả ở những nơi thường có chuột xuất hiện như ruộng lúa, hoa mầu ven đồi, ven kênh mương, đường lớn, gần khu dân cư, khu vực trang trại chăn nuôi thủy cầm, trồng cỏ chăn nuôi, ... và những diện tích hàng năm thường bị chuột phá hại nặng. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thông tin tuyên truyền, nhất là trên hệ thống truyền thanh phường, xã, khu dân cư về tác hại và các biện pháp kỹ thuật diệt chuột hiệu quả. Cùng thời điểm diệt chuột ngoài đồng, tiến hành diệt chuột trong các khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp, bệnh viện, Trung tâm y tế, các hộ gia đình. Ngoài đợt diệt chuột tập trung, tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tích cực triển khai diệt chuột thường xuyên bằng các biện pháp thích hợp, trong đó coi trọng biện pháp diệt chuột bằng biện pháp sinh học, thủ công, khuyến khích phát triển đàn mèo để diệt chuột đạt hiệu quả cao và lâu dài, không diệt chuột bằng biện pháp dùng điện sinh hoạt, máy kích điện gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.

Kết thúc đợt diệt chuột tập trung, toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Số lượng chuột diệt được bằng phương pháp thủ công trên 521 nghìn con; số lượng bẫy sử dụng gần 107 nghìn chiếc; số lượng mèo hiện có khoảng trên 76,2 nghìn con. Lượng thuốc trừ chuột sinh học được sử dụng là trên 1.500 kg; lượng thuốc hóa học sử dụng là trên 2.400 kg. Tổ chức 518 lớp tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật diệt chuột cho trên 23 nghìn lượt người. Thực hiện trên 1.790 buổi phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở về thời gian và các biện pháp kỹ thuật diệt chuột. Tổng số kinh phí chi hỗ trợ đợt diệt chuột tập trung là trên 1,79 tỷ đồng.

Công tác diệt chuột được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Cấp ủy, Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự hỗ trợ kinh phí của địa phương; sự phối kết hợp của các tổ chức chính trị xã hội và sự nhiệt tình tham gia của người dân nên việc tổ chức diệt chuột được triển khai tập trung, đồng loạt trên các xứ đồng vàđã đạt được hiệu quả tốt, hạn chế sự gia tăng mật độ, giảm được sự gây hại của chuột đối với mùa màng và tài sản khác của nhân dân. Một số các địa phương tổ chức tốt trong đợt phát động diệt chuột tập trung như: xã Liên Hoa, Tiên Phú, Trị Quận, Phú Nham, TT Phong Châu, An Đạo huyện Phù Ninh; xã Tu Vũ, Đoan Hạ, Bảo Yên, Thạch Đồng, TT Thanh Thủy huyện Thanh Thủy; xã Tứ Hiệp, Vô Tranh, Hương Xạ, Ấm Hạ, Minh Hạc, Lang Sơn, Yên Kỳ, Bằng Giã, Vĩnh Chân huyện Hạ Hòa; xã Chí Đám, Tây Cốc, Phúc Lai, Hợp Nhất, Chân Mộng huyện Đoan Hùng; xã Phúc Khánh, Lương Sơn, Mỹ Lương, Đồng Thịnh, Xuân An, Xuân Viên, Ngọc Lập huyện Yên Lập; xã Hà Thạch, Văn Lung, Thanh Minh thị xã Phú Thọ; xã Sông Lô, Thanh Miếu, Phượng Lâu, Chu Hóa, Kim Đức, Tiên Cát, Hùng Lô, Thanh Đình thành phố Việt Trì; xã Phú Khê, Văn Bán, Hùng Việt huyện Cẩm Khê; xã Lương Lỗ, Mạn Lạn, Hoàng Cương, Chí Tiên, Vân Lĩnh huyện Thanh Ba; xã Vĩnh Lại, Phùng Nguyên, Sơn Vi, Thạch Sơn huyện Lâm Thao; xã Dân Quyền, Hương Nộn, Vạn Xuân, Lam Sơn, Bắc Sơn huyện Tam Nông; xã Võ Miếu, Sơn Hùng, Thạch Khoán, Cự Thắng, Tất Thắng huyện Thanh Sơn; xã Văn Luông, Thạch Kiệt, Lai Đồng, Xuân Đài huyện Tân Sơn.

Trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn: Công tác diệt chuột ở một số nơi còn triển khai chậm, chưa huy động được toàn thể cộng đồng tham gia đánh chuột nên kết quả diệt chuột chưa cao. Điều kiện thời tiết, không khí lạnh kèm theo mưa nhỏ làm chậm tiến độ, thời gian đặt bả kéo dài, không tập trung. Kinh phí còn hạn chế nên lượng mồi bả chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực tế. Ở một số nơi, nông dân tiến hành cắm vè, làm hình nộm, quây nilon…, để ngăn ngừa và xua đuổi chuột mà không sử dụng bẫy bắt hoặc mồi bả diệt chuột; một số nơi tiến hành diệt chuột ngoài đồng nhưng không diệt chuột trong khu dân cư, kho tàng, cụm công nghiệp, trang trại nên sau đợt diệt chuột tập trung, chuột vẫn tiếp tục di chuyển gây hại trên đồng ruộng.

Chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng gia tăng số lượng rất nhanh, gây hại trong các hộ gia đình, kho tàng, ngoài đồng. Do đó, hàng năm cần phải có kế hoạch diệt chuột và tổ chức được ít nhất từ 2 - 3 đợt diệt chuột tập trung để khống chế về số lượng chuột, không để chúng bùng phát thành dịch; diệt chuột cần tiến hành thường xuyên, kết hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó biện pháp sinh học là trọng tâm, cơ bản, lâu dài; diệt chuột tập trung cả trong khu dân cư, kho tàng, nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện, trung tâm y tế, trang trại và ngoài đồng ruộng. Khi triển khai diệt chuột cần có sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể; có chính sách hỗ trợ thuốc, mồi bả diệt chuột; đẩy mạnh xã hội hóa công tác diệt chuột theo hình thức huy động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ diệt chuột, đóng góp theo diện tích (đầu sào - đối với các hộ xản xuất nông nghiệp) hoặc theo nhân khẩu (đối với hộ phi nông nghiệp), theo đầu đơn vị đối với các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Có như vậy mới đảm bảo khống chế được chuột hại, bảo vệ mùa màng, đảm bảo an ninh lương thực, ngoài ra còn tránh được chập cháy điện do chuột phá hại, lây lan bệnh từ chuột sang người./.
                                                                                                                          Ths: Lê Hồng Thiết

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ.



Video Clips

00:00
00:00

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn