Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuổi trẻ Thanh Sơn tích cực đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Gửi bài In bài

Áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm xoá đói giảm nghèo cho các cấp bộ đoàn thanh niên đã trở thành một trong những phong trào phát triển mạnh cả về chiều sâu và chiều rộng tại huyện Đoàn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Phong trào thanh niên thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên...

Các đoàn viên thanh đã chủ động chuyển giao ứng dụng KHKT, đưa các loại cây con giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đến tổ chức các điểm trình diễn kỹ thuật, phát triển các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm. Nhiệm kỳ 2002-2007, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Thanh Sơn thường xuyên phối hợp với Phòng kinh tế, Trạm khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật... mở 160 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp, bảo vệ cây trồng, vật nuôi cho hơn 10.000 đoàn viên; tổ chức 102 điểm trình diễn KHKT với trên 2.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia; thành lập và duy trì 16 Câu lạc bộ khuyến nông cho 315 đoàn viên tham gia...

Cùng với việc chuyển giao KHKT, Đoàn thanh niên đã đẩy mạnh các hoạt động vay vốn, tham gia tích cực vào các dự án phát triển kinh tế giúp cho thanh niên làm giàu chính đáng. Đoàn viên các xã Sơn Hùng, Địch Quả, Cự Thắng, Văn Luông đã vay vốn tham gia dự án nuôi bò sinh sản, vừa chăn thả tự nhiên kết hợp chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế.

Phong trào lên cao, đã thúc đẩy thanh niên tham gia phát triển kinh tế tìm tòi xây dựng mô hình phù hợp với từng địa phương. Bước đầu, đã xuất hiện các mô hình trang trại VAC, VACR, kinh doanh dịch vụ tổng hợp do đoàn viên thanh niên làm chủ. Điển hình như đoàn viên Nguyễn Văn Hùng, xã Thục Luyện. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hùng cùng gia đình tham gia phát triển kinh tế trang trại trồng rừng, trồng cây nguyên liệu kết hợp chăn nuôi. Hiện nay Hùng và gia đình có 12ha rừng nguyên liệu, riêng Hùng có 4 ha rừng trồng 661 theo dự án của tỉnh Đoàn và 2 ha rừng 661 theo dự án của huyện Đoàn. Hiện tại rừng keo lai đang phat triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao.

Khác với các vùng khác, thanh niên thị trấn Thanh Sơn tham gia làm kinh tế tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, như: nghề mộc, làm chổi chít, may mặc... Làng nghề Phú Hà, thị trấn Thanh Sơn hiện có hơn 70 hộ dân, gần 300 khẩu, 2/3 số hộ ở đây phát triển kinh tế bằng nghề mộc truyền thống, còn lại là làm chổi chít, làm may mặc, đan lát. Thanh niên trong độ tuổi lao động nếu không đi thoát ly đều ở nhà làm nghề, thanh niên làng nghề Phú Hà chiếm 70% lao động của làng. Có nhiều thanh niên đã mạnh dạn đứng ra làm chủ cơ sở sản xuất như đoàn viên Nguyễn Ngọc Quý, có nghề vững trong tay, làm chủ cơ sở sản xuất nhỏ, anh đã thu hút thường xuyên từ 7 đến 10 lao động với mức lương từ 1 triệu đồng/người/tháng trở lên. Tổng doanh thu hàng tháng đạt từ 20 đến 30 triệu đồng... Sự phát triển của làng nghề Phú Hà, không chỉ giúp thanh niên của làng có việc làm mà còn thu hút nhiều thanh niên các vùng lân cận đến vừa học vừa làm.

Ông Nguyễn Văn Tư, Trưởng làng nghề Phú Hà cho biết: khu Tân Thành là cửa ngõ phía nam huyện, giáp ranh với nhiều đơn vị lân cận, vì vậy nhiều vấn đề nhạy cảm thu hút thanh niên. Song ở làng nghề Phú Hà, tất cả thanh niên trong độ tuổi đều có việc làm. Tích cực tham gia bảo vệ môi trường trong sạch, thanh niên rất chăm ngoan, hăng say lao động sản xuất và đặc biệt không có thanh niên nào trong độ tuổi vướng vào tai tệ nạn xã hội./.

Theo TTXVN

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn