Từ ngày 25 đến 29/3/2009, được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu rau quả, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã mở lớp đào tạo thanh tra viên, giám sát viên nội bộ trong sản xuất rau, quả, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cho 53 học viên
Sức khỏe con người và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có mối quan hệ mật thiết với nhau, mỗi thay đổi nhỏ của thực phẩm cũng tác động đến sức khỏe có thể theo hướng tích cực hoặc không tích cực. Chính vì tính chất quan trọng của thực phẩm đối với sức khỏe con người, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), sản phẩm nông nghiệp không chỉ còn phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn là hàng hóa xuất khẩu đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, nên việc kiểm soát được chất lượng VSATTP ngày càng trở nên cấp thiết, trong đó vấn đề kiểm soát được quy trình sản xuất thực phẩm và các sản phẩm có liên quan được đặt lên hàng đầu.
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất nông phẩm, thực phẩm an toàn nói chung và rau, quả, chè an toàn nói riêng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ban hành VietGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả, chè búp tươi an toàn tại Việt Nam). Đây là một quy trình áp dụng tự nguyện, có mục đích hướng dẫn các nhà sản xuất nâng cao chất lượng, đảm bảo VSATTP, nâng cao hiệu quả , ngăn ngừa hoặc giảm tối đa những nguy cơ tiềm ẩn về hóa học, sinh học và vật lý có thể xảy ra trong suốt quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển mua bán rau, quả, chè. Những mối nguy cơ này tác động xấu đến chất lượng, VSATTP, môi trường và sức khỏe của con người. Chính vì vậy, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh muốn cung cấp được sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo VSATTP theo tiêu chuẩn quốc tế cần áp dụng VietGAP và phải được chứng nhận, đó là bước khởi đầu cần thiết, tạo cơ sở cho việc phát triển và thực thi chương trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ở Việt Nam.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, từ ngày 25 đến 29/3/2009, được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu rau, quả, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã mở lớp đào tạo thanh tra viên, giám sát viên nội bộ trong sản xuất rau, quả, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Tham gia lớp học có 53 học viên , gồm 39 học viên là cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV, 14 học viên là thành viên đại diện các CLB Sinh kế cộng đồng thuộc 7 huyện vùng chè tỉnh Phú Thọ.
Trong thời gian học tập, các giảng viên thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả đã truyền đạt cho các học viên đầy đủ nội dung các Văn bản pháp lý về quản lý, sản xuất rau, quả, chè an toàn ở Việt Nam; nội dung của VietGAP; công tác tổ chức một cuộc thanh tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận sản xuất rau, quả, chè an toàn theo VietGAP.
Đến với lớp học, các học viên đã tích cực tham gia học tập, thảo luận, được hướng dẫn giải quyết các tình huống sử lý khi tiến hành thanh tra, giám sát. Các học viên đã được tổ chức đi thực tế mô hình trồng rau an toàn tại HTX Tân Đức thành phố Việt Trì, được trực tiếp hướng dẫn cách tổ chức, thanh tra, kiểm tra, ghi biên bản của một cuộc thanh tra, giám sát.
Kết thúc khóa đào tạo, Ban tổ chức lớp học đã trao 53 giấy Chứng nhận "Đã hoàn thành khóa tập huấn giám sát viên, thanh tra viên nội bộ trong sản xuất Rau, Quả, Chè an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP" cho các học viên tham gia lớp. Có thể nói, lớp đào tạo thanh tra viên, giám sát viên nội bộ trong sản xuất rau, quả, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là bước khởi đầu cho việc phát triển và thực thi chương trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho sản phẩm rau, quả, chè tại Phú Thọ, đồng thời cũng thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả, chè an toàn, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.