Đoàn thanh tra kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV trên cây đu đủ tại xã Hương Nộn - huyện Tam Nông
Thực hiện chương trình công tác thanh tra năm 2016, Chi cục Bảo vệ
thực vật Phú Thọ đã tiến hành thanh tra một số tổ chức trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Đối tượng thanh tra là các Doanh
nghiệp, đội sản xuất chè, các hợp tác xã sản xuất rau an toàn (Cơ sở sản xuất),
UBND cấp xã, các tổ chức khác có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng thuốc
bảo vệ thực vật, ... Qua thanh tra 14 tổ chức, trong đó: Huyện Tân Sơn (02 UBND xã); huyện Thanh Sơn (03 cơ sở và 02
UBND xã, thị trấn); huyện Hạ Hoà (01 UBND xã); huyện Thanh Ba (01 cơ sở và 01
UBND xã), huyện Lâm Thao (02 UBND xã); huyện Phù Ninh (02 UBND xã). Qua thanh,
kiểm tra cho thấy, công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV có những ưu, nhược điểm
như sau:
Đối với các cơ sở sản xuất: Hầu hết các cơ sở đều
có sổ ghi chép ngày cấp thuốc, ngày phun, thời gian cách ly. Thuốc bảo vệ thực
vật mà các cơ sở sử dụng đều nằm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở
Việt Nam và còn hạn sử dụng. Sau khi sử dụng phun cho cây chè, các cơ sở đã thực
hiện thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV để vào thùng chứa theo quy định. Khi phun thuốc
BVTV, các cơ sở đều hướng dẫn người phun thuốc thực hiện đầy đủ bảo hộ lao động
(Ủng, găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ). Khi hái, các cơ sở đã tuân thủ tuyệt
đối thời gian cách ly đối với từng loại thuốc BVTV. Tại các cơ sở sản xuất, Đoàn
Thanh tra đã lấy 07 mẫu chè búp tươi gửi phân tích, kiểm tra dư lượng thuốc
BVTV. Kết quả 02/07 mẫu chè búp tươi không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực
vật; 05/07 mẫu chè búp tươi phát hiện dư lượng thuốc BVTV nhưng ở mức an toàn
cho phép.
Tuy nhiên, tại các cơ sở sản xuất chè còn một số hạn chế cần khắc
phục đó là: Phần lớn các đội trưởng, cán bộ kỹ thuật các đội sản xuất của các doanh
nghiệp còn nắm chưa chắc về quy định trong sử dụng thuốc BVTV; diện tích trồng
chè không có cây che bóng hoặc có rất ít cây che bóng, ảnh hưởng đến sinh trưởng
và chất lượng nguyên liệu chè trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.
Đối với UBND các xã: Đã có những định hướng, chỉ
đạo, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn, đồng thời có tổ
chức thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều
hạn chế như chưa xây dựng kế hoạch thu gom, tiêu huỷ bao bì thuốc BVTV sau sử
dụng; chưa xây dựng và thực hiện kế hoạch IPM trên cây trồng; 9 xã thanh tra đều
chưa thực hiện hướng dẫn, xác nhận thành lập Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật cấp
thôn, xã.
Để thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo sản xuất
nông sản an toàn và hiệu quả, trong thời gian tới, các địa phương, các cơ sở sản
xuất cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích
áp dụng quy trình sản xuất an toàn, canh tác bền vững, áp dụng quản lý dịch hại
tổng hợp IPM trên cây trồng; chỉ phun thuốc BVTV khi tỷ lệ bệnh, mật độ sâu vượt
ngưỡng bằng các loại thuốc BVTV có trong Danh mục thuốc BVTV được được phép sử
dụng ở Việt Nam; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; khuyến khích và xác
nhận thành lập Tổ dịch vụ BVTV theo hướng dẫn tại Thông tư 48/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/12/2015 của Bộ Nông
nghiệp và PTNT; xây dựng các bể thu gom và tổ chức tuyên truyền
hướng dẫn thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo Thông tư liên tịch số
05/2016/TTLT-BNNPTNT – BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ
Tài nguyên và Môi trường./.