Thứ Bảy, 20/4/2024
Nâng cao hiệu quả quản lý giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh
Gửi bài In bài
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong buôn bán phân bón tại Công ty TNHH TM Hải Hiền – Thị trấn Lâm Thao

Trong sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là các loại vật tư thiết yếu đóng vai trò then chốt và được sử dụng với số lượng lớn hàng năm để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Thời gia qua, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp ở tỉnh Phú Thọ đã được phân công, phân cấp rõ ràng và được triển khai một cách chặt chẽ, bài bản. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn tình trạng buôn bán giống cây trồng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là đối với cây ăn quả. Việc buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến sản xuất. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra hiện nay.

Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh Phú Thọ là 109,2 nghìn ha, trong đó diện tích trồng lúa hàng năm gần 61,3 ngàn ha, diện tích ngô khoảng 16,8 ngàn ha, diện tích cây rau khoảng 15 ngàn ha, cây hàng năm khác khoảng 16,1 ngàn ha. Diện tích chè 15,7 ngàn ha, diện tích bưởi trên 4,9 ngàn ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.104 cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV. Trong số đó, có 01 doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng, 07 doanh nghiệp sản xuất phân bón do tỉnh cấp GCN đăng ký kinh doanh; 21 doanh nghiệp buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV do tỉnh cấp GCN đăng ký kinh doanh và 1.075 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Năm 2020, tổng lượng phân bón sản xuất trên địa bàn tỉnh là 838,24 nghìn tấn, trong đó phân bón hữu cơ là 28,29 nghìn tấn và phân bón vô cơ là 809,95 nghìn tấn. Lượng phân bón buôn bán, sử dụng đạt gần 18 ngàn tấn; lượng thuốc BVTV buôn bán, sử dụng khoảng 71,5 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Trong những năm qua, công tác quản lý giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh đã được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tham mưu, phối hợp thực hiện tốt. Đã thực hiện thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn, quản lý các cơ sở kinh doanh đúng pháp luật, kinh doanh các loại giống có tên trong danh mục giống cây trồng được Bộ Nông nghiệp công bố, có hồ sơ giống, đặc biệt là đối với các loại giống cây ăn quả, cây công nghiệp được nhân giống từ cây đầu dòng. Đã thực hiện tốt công tác cấp GCN đủ điều kiện buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (Đến nay đã cấp GCN cho 480 cơ sở buôn bán thuốc BVTV, 389 cơ sở buôn bán phân bón) đồng thời quản lý đảm bảo việc duy trì điều kiện trong quá trình buôn bán (Cửa hàng, kho chứa, biển hiệu, bảng giá, dụng cụ bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy, chứng từ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc, kệ, giá để phân bón, thuốc BVTV) đối với các cơ sở buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành và tích cực lấy mẫu kiểm tra chất lượng, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn.


Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp lấy mẫu phân bón, thuốc BVTV kiểm tra chất lượng tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao

Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy công tác quản lý giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn một số hạn chế: Còn tình trạng buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng bị xử phạt. Một số giống cây ăn quả buôn bán trên địa bàn tỉnh không có nhãn mác đầy đủ hoặc nguồn gốc rõ ràng. Theo quy định, bắt đầu từ ngày 20/9/2020, các cơ sở buôn bán phân bón phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, tuy nhiên đến nay, mới có 389 cơ sở buôn bán phân bón đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán, đạt 40,3% trong tổng số 964 cơ sở buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh. Một số cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chưa duy trì đủ điều kiện hoặc kinh doanh khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hạn. Bên cạnh đó, một số xã còn chưa thực sự quan tâm trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật cũng như trách nhiệm trong việc quản lý của chính quyền địa phương trên địa bàn. Khi kiểm tra và xử lý vi phạm, các đoàn thanh, kiểm tra ở địa phương còn nể nang, ngại va chạm.

Để khắc phục những hạn chế cũng như nâng cao hiệu quả quản lý giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các địa phương trên toàn tỉnh cần nâng cao trách nhiệm quản lý đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp nói chung và Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật nói riêng trong hoạt động quản lý, trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung cụ thể như sau:

Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ Quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quản lý thuốc BVTV,... đến các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Hai là: Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV thực hiện tốt các quy định pháp luật hiện hành:

- Đối với cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng: Cần thực hiện tốt các quy định về điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng theo Điều 8, Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: Thực hiện gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở. Có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định. Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.

- Đối với cơ sở buôn bán phân bón: Cần thực hiện đăng ký với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật để được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo quy định trong trường hợp chưa có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học. Thực hiện đăng ký cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón" đồng thời chấp hành nghiêm điều kiện buôn bán phân bón theo quy định tại Điều 42, Luật Trồng trọt.

- Đối với cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật: Cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán, tập trung vào các nội dung: Đăng ký cấp mới, cấp lại “Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV” và thường xuyên duy trì điều kiện theo quy định tại Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT; nghiêm túc thực hiện quy định tại Điều 2, Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, nội dung: “Các thuốc BVTV chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Fipronil không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/02/2021. Các thuốc bảo vệ  thực vật chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021”.

Ba là: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện; tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn. Tăng cường công tác hậu kiểm thông qua lấy mẫu giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV phân tích chất lượng, kiểm tra giống cây trồng trên đồng ruộng. Kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm qua đó chấn chỉnh hoạt động buôn bán giống cây trồng (đặc biệt chú trọng giống cây ăn quả, giống cây công nghiệp), phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn, nhất là các vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng và hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; buôn bán phân bón, thuốc BVTV khi chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định./.

Chi cục Trưởng – Phan Văn Đạo

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn