Thứ Bảy, 14/9/2024
Tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh và sử dụng phân bón
Gửi bài In bài
Công nhân Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao kiểm tra sản phẩm phân bón trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp là một trong những giải pháp giúp tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, thúc đẩy kinh tế phát triển. Để đảm bảo việc kinh doanh, sử dụng phân bón an toàn, có hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước đã và đang được các cơ quan chức năng của tỉnh cùng các địa phương thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.

Thực trạng kinh doanh, sử dụng phân bón

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng. Trong số đó, có bảy doanh nghiệp sản xuất phân bón do tỉnh cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký kinh doanh; 21 doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng do tỉnh cấp GCN đăng ký kinh doanh, trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng do cấp huyện cấp GCN đăng ký kinh doanh. Năm qua, tổng lượng phân bón sản xuất trên 830.000 tấn, trong đó phân bón hữu cơ trên 28.000 tấn, phân bón vô cơ trên 800.000 tấn. Lượng phân bón kinh doanh, sử dụng đạt gần 18.000 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. 

 

Tại huyện Hạ Hòa, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đã được huyện chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn người dân lựa chọn và sử dụng phân bón phù hợp vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh phân bón, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Mạng lưới cung ứng và kinh doanh phân bón đã phát triển rộng khắp ở các xã, thị trấn trên địa bàn với trên 100 hộ kinh doanh. Các mặt hàng đều có nhãn mác đầy đủ, nằm trong danh mục được phép kinh doanh, đảm bảo chất lượng.  

 

Không riêng Hạ Hòa, các địa phương trong tỉnh cũng đã chú trọng công tác quản lý kinh doanh và sử dụng phân bón. Với đặc thù là huyện miền núi, nông nghiệp còn chiếm tỉ trọng cao, huyện Thanh Sơn tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý kinh doanh phân bón cũng như tuyên truyền người dân sử dụng phân bón phù hợp đối với từng loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Bà Nguyễn Thị Dung - hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn cho biết: “Tôi kinh doanh mặt hàng phân bón nhiều năm nay, hàng năm tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn của tỉnh để nắm bắt các quy định của pháp luật hiện hành về phân bón; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu phân bón… Từ đó đảm bảo kinh doanh có điều kiện và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Tôi đã đầu tư xây dựng cửa hàng, kho chứa đảm bảo đúng theo quy định, trung bình mỗi năm cửa hàng cung ứng ra thị trường gần 40 tấn phân bón các loại như: Phân supe lân, phân NPK của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, đạm urê của Công ty cổ phần đạm và hóa chất Hà Bắc… phục vụ nhu cầu cho bà con trong xã”.

 

Những năm qua, công tác quản lý kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh đã được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT và BVTV) tham mưu, phối hợp thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành và tích cực lấy mẫu kiểm tra chất lượng, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số cơ sở kinh doanh phân bón vẫn còn tình trạng buôn bán phân bón kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Các cơ sở kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, phân bố rải rác trong dân, số lượng tiêu thụ chủ yếu bán theo thời vụ nên khó khăn trong việc quản lý.

 

Nhờ sử dụng phân bón hợp lý theo nguyên tắc 5 đúng và 1 cân đối đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng bưởi quả ở xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng.

 

Tăng cường các biện pháp quản lý

 

Với mạng lưới kinh doanh phân bón được hình thành ở khắp các địa phương, theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định  84/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, các huyện, thành, thị đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phân bón để các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón và người dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật. Công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp ở tỉnh đã được phân công, phân cấp rõ ràng và được triển khai một cách chặt chẽ, bài bản. Chi cục TT và BVTV đã thực hiện tốt công tác thẩm định, cấp GCN đủ điều kiện buôn bán phân bón. Đến nay, Chi cục đã cấp GCN đủ điều kiện cho 457 cơ sở buôn bán phân bón, đồng thời quản lý đảm bảo việc duy trì điều kiện đối với các cơ sở buôn bán phân bón đã được cấp GCN.

 

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành, tích cực lấy mẫu kiểm tra chất lượng, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán phân bón giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, Chi cục đã triển khai thực hiện 10 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với 35 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán phân bón; kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV và giống cây trồng; lấy 70 mẫu phân bón gửi kiểm định chất lượng. 

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục TT và BVTV cho biết: Để khắc phục những hạn chế cũng như nâng cao hiệu quả quản lý phân bón trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm quản lý đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp nói chung và Chi cục TT và BVTV nói riêng trong hoạt động quản lý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn. Các cơ sở buôn bán phân bón cần thực hiện đăng ký với Chi cục TT và BVTV để được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo quy định trong trường hợp chưa có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học. Thực hiện đăng ký cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón” đồng thời chấp hành nghiêm điều kiện buôn bán phân bón theo quy định. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện; tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành lĩnh vực buôn bán phân bón trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. 

 

 Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác quản lý và sự nhạy bén của người dân trong việc lựa chọn các cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón uy tín, sử dụng hợp lý theo nguyên tắc 5 đúng, 1 cân đối “đúng loại, đúng lúc, đúng đối tượng - đúng thời tiết, mùa vụ - đúng cách - cân đối”, ngành Nông nghiệp của tỉnh sẽ góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh hiệu quả và bền vững.

 

Hoàng Hương - PTO

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn