baophutho.vnTrong điều kiện phát triển nông nghiệp
theo hướng hiện đại, việc tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh,
sử dụng phân bón để không xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất
lượng lưu thông trên thị trường, gây thiệt hại cho sản xuất và người tiêu dùng
đã và đang là vấn đề cần được các cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
lấy mẫu kiểm tra chất lượng phân bón lưu thông trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền rộng, tập huấn sâu
Theo quy định của Luật Trồng trọt và
Nghị định 84/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì: Phân bón là hàng hóa kinh doanh có
điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021
của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì phân bón là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây
mất an toàn (Hàng hóa nhóm 2). Theo đó, hoạt động quản lý phân bón bao gồm:
Công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất
lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam. Để các quy
định của Nhà nước được thực thi, trước hết các cấp, các ngành của tỉnh đã coi
trọng công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt
là các đối tượng trực tiếp làm công tác quản lý và sản xuất, kinh doanh (SXKD)
phân bón. Hàng năm, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tăng cường phối hợp
với các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh để xây dựng các chuyên mục,
chuyên trang tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách mới của Nhà nước, của
tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên các phương tiện thông
tin đại chúng; trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, của Chi cục
Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT& BVTV) thường xuyên đăng tải nội dung
tuyên truyền về hoạt động của ngành, trong đó có lĩnh vực phân bón với nhiều
bài viết đánh giá về thực trạng SXKD, sử dụng phân bón, các quy định tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân bón…
Để đảm bảo hoạt động quản lý phân bón,
Chi cục TT&BVTV là cơ quan chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ
động triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SXKD phân bón cho
các tổ chức, cá nhân thông qua việc chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi
dưỡng kiến thức chuyên môn về phân bón cho các đối tượng SXKD phân bón trên địa
bàn tỉnh; thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng của người
trực tiếp buôn bán phân bón để tổ chức các lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận
(GCN) đảm bảo đúng quy định. Tính riêng năm 2022, Chi cục đã tổ chức tập huấn
cho hơn 110 người có nhu cầu kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, phối hợp
với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức tập huấn, bồi dưỡng
kiến thức về phân bón cho hơn 60 cán bộ, nhân viên kinh doanh của công ty; thực
hiện cấp GCN đủ điều kiện buôn bán phân bón cho các cơ sở kinh doanh phân bón
đăng ký cấp GCN theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua tập huấn, các đối
tượng SXKD phân bón được trang bị kiến thức để thực hiện công việc của mình
đúng quy định, đồng thời họ sẽ là những tuyên truyền viên trực tiếp hướng dẫn
khách hàng quản lý, sử dụng phân bón sao cho đúng cách, hiệu quả.
Bà Trịnh Thị Bích Lan - Giám đốc Công ty
TNHH TM Hải Hiền (thị trấn Lâm Thao) chia sẻ: Với hơn 10 năm hoạt động trong
lĩnh vực kinh doanh phân bón, tôi nhận thấy công tác quản lý nhà nước về lĩnh
vực này ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Chúng tôi có tổng kho tại xã Phùng Nguyên
làm Đại lý cấp 1 cho Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Để đảm bảo
điều kiện hoạt động, chúng tôi đã cử cán bộ, nhân viên tham gia tập huấn, đồng
thời chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kho bãi, bảo quản hàng đúng quy
định. Cùng với đó, Công ty tuân thủ nghiêm túc hợp đồng đại lý của mình, trong
đó có việc phân phối đúng địa bàn được giao. Năm 2022, chúng tôi ký kết kinh
doanh 24.000 tấn phân bón, hiện tại đã cơ bản đảm bảo yêu cầu đề ra và đang
chuẩn bị cho kế hoạch năm 2023.
Sử dụng phân bón đúng cách, vườn chè của
gia đình ông bà Sinh Thúy (xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh) luôn đạt năng suất,
chất lượng cao.
Giải pháp đồng bộ, triển khai chặt chẽ
Bám sát các văn bản quy định, hướng dẫn
của Trung ương và chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về
phân bón trên địa bàn tỉnh đã có sự phân công, phân cấp rõ ràng và được triển
khai một cách chặt chẽ, đồng bộ. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý
thị trường, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác quản
lý phân bón trên địa bàn, nhất là quản lý chất lượng, bình ổn giá vật tư nông
nghiệp, trong đó có mặt hàng phân bón; giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và
BVTV, trên địa bàn tỉnh hiện có 536 cơ sở buôn bán phân bón đã được cấp giấy
chứng nhận (GCN) đủ điều kiện. Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại còn 525 cơ
sở sản xuất, buôn bán phân bón đang hoạt động với khoảng 209 loại phân bón kinh
doanh, gồm: 20 doanh nghiệp do UBND tỉnh cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp, sáu hợp
tác xã nông nghiệp và 499 hộ kinh doanh do UBND cấp huyện cấp GCN đăng ký kinh
doanh; 11 cơ sở đã ngừng hoạt động. Nhìn chung các cơ sở đảm bảo việc duy trì
điều kiện trong quá trình buôn bán như: Địa điểm buôn bán và nơi chứa phân bón;
trình độ của chủ cơ sở và người trực tiếp buôn bán phân bón; việc chấp hành các
quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; chứng từ,
hồ sơ truy xuất nguồn gốc phân bón. Toàn tỉnh hiện có bảy doanh nghiệp tham gia
sản xuất phân bón với tổng sản lượng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên
địa bàn tỉnh, trong nước mà còn xuất khẩu. Chi cục TT&BVTV tỉnh đã làm tốt
công tác tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh trong công tác quản lý
phân bón trên địa bàn; tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý
phân bón, tập trung chỉ đạo tăng cường ứng dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất
thông qua các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật (IPM, ICP, VietGAP, nông
nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn,...). Đồng thời thường xuyên rà soát các
loại phân bón có mặt trên thị trường, tăng cường công tác lấy mẫu, kiểm soát
chất lượng và bình ổn giá phân bón; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra,
giám sát hoạt động SXKD phân bón trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi
phạm theo quy định của pháp luật...
Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của UBND
tỉnh, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà
nước về SXKD phân bón, qua đó, đã tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy năm loại phân
bón của hai tổ chức, cấp sáu xác nhận nội dung quảng cáo phân bón và giám sát
hoạt động quảng cáo theo nội dung được cấp; thực hiện đánh giá điều kiện, cấp
GCN đủ điều kiện buôn bán phân bón cho 67 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý
một số cơ sở vi phạm về tiêu chuẩn sản phẩm và điều kiện kinh doanh... Tuy
nhiên, quá trình thực hiện còn những khó khăn như: Việc kiểm tra đột xuất chỉ
được thực hiện khi có yêu cầu của cấp trên hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm
rõ ràng, do đó rất khó để triển khai thực hiện. Nguồn kinh phí sự nghiệp cũng
như kinh phí để lấy mẫu, phân tích chất lượng các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV
còn hạn chế...
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phan
Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV chia sẻ: Để nâng cao hơn nữa chất
lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng phân bón, thời gian tới Chi cục tiếp tục thực
hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời các địa phương, cơ quan chức
năng cần tăng cường phối hợp, đồng hành với ngành nông nghiệp trong việc đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với các tổ chức, cá
nhân SXKD phân bón và người sử dụng hiểu và nắm được các quy định pháp luật,
nhất là các quy định mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành
về chất lượng vật tư nông nghiệp, đặc biệt chú trọng các loại phân bón hữu cơ,
phân bón vi sinh, phân bón lá; tăng cường công tác hậu kiểm thông qua lấy mẫu
phân bón phân tích chất lượng, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm, qua đó chấn
chỉnh hoạt động buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh; khuyến cáo người dân mua
phân bón ở các cơ sở đủ điều kiện, có uy tín; đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc
rõ ràng.
Mùa Xuân mới đang về, đây cũng là thời
điểm toàn tỉnh tập trung triển khai kế hoạch sản xuất vụ Chiêm Xuân 2023 với
mục tiêu gieo cấy 35,3 nghìn ha lúa, 5,2 nghìn ha ngô, 4,9 nghìn ha rau xanh
các loại, đồng thời chăm sóc 5,6 nghìn ha bưởi, trên 15 nghìn ha chè, gần 4
nghìn ha chuối... nên nhu cầu vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón là rất
lớn. Vì vậy, những kết quả và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh
vực SXKD phân bón sẽ góp phần đem lại những mùa vàng bội thu.
Thùy Dương - Báo Phú Thọ