Thứ Ba, 12/11/2024
THÔNG BÁO, DỰ BÁO SÂU BỆNH VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2009
Gửi bài In bài

I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HIỆN TẠI VÀ DỰ BÁO:

1. Trên  lúa:

a, Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại:

- Trên mạ mùa sớm, mùa trung giai đoạn 3,5 - 4,5 lá: Sâu non gây hại nhẹ, mật độ trung bình 2 - 5 con/m2, cao 10 - 15 con/m2. Phát dục chủ yếu tuổi 2, 3.

- Trên lúa mùa sớm giai đoạn bén rễ, hồi xanh - đẻ nhánh: Sâu non gây hại nhẹ, mật độ trung bình 1 - 3 con/m2, cao 10 - 15 con/m2, cá biệt 30 - 60 con/m2 (Cẩm Khê, Lâm Thao). Phát dục chủ yếu tuổi 2, 3.

* Dự báo:

- Bướm lứa 5 ra rộ từ ngày 10 - 18/7 di chuyển và đẻ trứng trên các trà lúa. Sâu non tuổi nở rộ từ 18/7 trở đi và gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng, có thể gây trắng lá trên những ruộng xanh tốt cấy sớm.

- Bướm lứa 6 rộ khoảng từ ngày 10/8 - 15/8 và đẻ trứng, sâu non nở rộ từ 17/8 trở đi và gây hại trên lúa mùa sớm giai đoạn làm đòng - trỗ, lúa mùa trung đứng cái - làm đòng. Quy mô gây hại rất lớn trên toàn tỉnh, mức độ hại từ nặng đến rất nặng, đây là lứa sâu cần chỉ đạo phòng trừ trên diện rộng.

- Bướm lứa 7 ra rộ khoảng từ ngày 8/9 - 12/9, sâu non nở rộ từ 16/9 trở đi và gây hại trên lúa mùa trung giai đoạn làm đòng - trỗ bông, trên lúa mùa muộn giai đoạn  đứng cái. Quy mô gây hại hẹp mức độ hại nhẹ đến trung bình. Lứa này chỉ phòng trừ trên những diện tích lúa muộn và diện tích mùa trung trỗ muộn có mật độ sâu 20 con/m2 trở lên.

b, Sâu đục thân 2 chấm:

* Hiện tại: Sâu non lứa 4 gây dảnh héo rải rác trên mạ mùa sớm, mùa trung, phát dục chủ yếu trứng, tuổi 1.

* Dự báo:

- Bướm lứa 5 ra rộ khoảng từ 25/7 - 5/8, sâu non nở rộ từ ngày 10/8 trở đi và gây hại trên lúa mùa sớm giai đoạn làm đòng - trỗ, gây hại trên lúa mùa trung giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, làm đòng. Mức độ hại nhẹ - TB, cục bộ nặng. Đây là lứa sâu cần quan tâm và phòng trừ trên những diện tích nhiễm vượt ngưỡng.

- Bướm lứa 6 ra rộ khoảng từ ngày 10/9 - 20/9, sâu non nở rộ từ ngày 25/9 trở đi và gây hại trên lúa mùa trung giai đoạn đòng - trỗ và trên lúa mùa muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái. Mức độ hại trung bình đến nặng.

c, Rầy các loại:

* Hiện tại: Rầy gây hại nhẹ trên mạ và lúa mùa sớm, mật độ trung bình 50 - 100 con/m2, cao 200 - 250 con/m2, cục bộ 500 con/m2 (Phú Thọ). Phát dục chủ yếu trưởng thành.

* Dự báo:

- Rầy cám lứa 5 nở rộ khoảng từ 3/7 - 10/7, tích luỹ mật độ và gây hại nhẹ trên trà mùa sớm.

- Rầy cám lứa 6 nở rộ khoảng 5/8 - 10/8 gây hại trên lúa mùa sớm giai đoạn đòng  - trỗ, lúa mùa trung giai đoạn cuối đẻ - đứng cái, làm đòng; mức độ hại nhẹ đến trung bình, tập trung trên các chân ruộng vàn trũng, ruộng rộc ven đồi, ven khe, suối.

- Rầy cám lứa 7 nở rộ khoảng 7/9 - 12/9, gây hại mạnh trên lúa mùa sớm giai đoạn chắc xanh - chín, lúa mùa trung giai đoạn đòng, trỗ - phơi màu; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, ổ nếu không phòng trừ kịp thời.

d, Bệnh khô vằn:

* Hiện tại:  Nguồn nấm bệnh đã có ở gốc rạ, bờ cỏ, bệnh đã xuất hiện và hại cục bộ trên những ruộng mạ gieo dày và bón nhiều đạm.

* Dự báo:  Bệnh phát triển và hại mạnh từ cuối tháng 7 tới cuối tháng 9 trên các trà lúa giai đoạn làm đòng - trỗ, chín. Quy mô gây hại trên diện rộng, mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng thâm canh cao, ruộng bón thừa đạm, ruộng dộc chua, cao hạn.

e, Một số đối tượng khác:

- Bọ xít dài:  Gây hại trên trà cực sớm và cực muộn, mức độ hại trung bình, cục bộ ổ nặng trên các ruộng ven đồi rừng, ruộng trỗ cực sớm, cực muộn, các huyện miền núi cần chú ý đối tượng này đặc biệt là trên các giống lúa (Nếp, Hương Thơm số 1, Thiên hương, Nghi hương,...).

- Bệnh sinh lý: Phát triển gây hại các trà lúa giai đoạn đầu vụ và giai đoạn đứng cái trên các ruộng dộc chua, ruộng bón phân chưa hoai mục,...

- Chuột: Là đối tượng gây hại liên tục trong cả vụ, cần chú ý quan tâm trà cực sớm và cực muộn trên các chân ruộng ven làng, ven đồi gò, ven bờ mương,...

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Là đối tượng dễ gây bùng phát đột biến theo điều kiện thời tiết, đề phòng nhiệt độ cao, có mưa bão bệnh phát sinh gây hại nặng. Thời gian bệnh phát sinh, gây hại tập trung trong tháng 8, 9 trên lúa mùa sớm, mùa trung giai đoạn làm đòng - chắc xanh.

- Bệnh đen lép hạt: gây hại nặng cục bộ trên trà mùa sớm giai đoạn trỗ - chắc xanh, đặc biệt chú ý các giống lúa chất lượng cao.

- Ốc bươu vàng: gây hại các trà lúa giai đoạn cấy - đẻ nhánh, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng cấy muộn, ruộng gieo thẳng và các chân đất trũng.

- Châu chấu, sâu cuốn lá lớn, sâu cắn gié gây hại nhẹ.

* Lưu ý: Rầy nâu nhỏ gây hại trên bông lúa giai đoạn ( Trỗ- chắc xanh), là đối tượng mới phát hiện gây hại tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng vụ chiêm xuân vừa qua. Các địa phương cần lưu ý trên các giống lúa Nếp, lúa chất lượng cao.

2. Trên các cây trồng vụ đông:

a, Cây ngô:

- Bệnh sinh lý gây hại nhẹ đến trung bình từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

- Bệnh gỉ sắt, đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, bệnh khô vằn gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng ruộng trồng dày, ruộng trũng, ruộng bón nhiều phân đạm thời kỳ ngô 7 - 8 lá và ngô thâm râu làm hạt.

- Rệp cờ: Hại chủ yếu tháng 11 giai đoạn ngô trỗ cờ, tung phấn, phun râu, đề phòng thời tiết ấm và hạn, rệp bùng phát gây hại nặng.

- Chuột: Chuyển gây hại từ lúa sang hại cây con và giai đoạn bắp non, mức độ hại trung bình, cục bộ ổ nặng.

- Ngoài ra: Sâu đục thân, đục bắp gây hại trong tháng 11, 12.

b, Trên rau:

- Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên rau cải, cải bắp, xu hào trồng sớm.

- Bệnh thối nhũn, sương mai gây hại rải rác trên bắp cải, cà chua, rau cải.

c, Trên chè:

- Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi gây hại rải rác, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Cần chú ý 2 cao điểm: Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 và cuối tháng 8 đến giữa tháng 10.

- Nhện đỏ: Thời tiết nóng hạn kéo dài, nhện đỏ tập trung gây hại từ tháng 6 - 7 và tháng 9 - 11 trên nương chè cằn cỗi, dại nắng, thiếu chăm sóc.

- Ngoài ra cần chú ý bệnh thán thư, thối búp phát sinh và gây hại từ tháng 8 đến tháng 10.

II/ CÔNG TÁC TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:

1. Công tác tổ chức chỉ đạo:

a, Chi cục BVTV:

- Rà soát và điều chỉnh các điểm điều tra DTDB, điều tra sâu bệnh phù hợp với cơ cấu cây trồng tại mỗi địa phương. Tổ chức điều tra, theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, UBND huyện, thành, thị phát động chiến dịch phòng trừ sâu bệnh khi cần thiết, đề xuất và hướng dẫn biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

- Tăng cường công tác tuyên truyền qua các phóng sự, chuyên mục trên Đài PTTH, Báo Phú Thọ và đài truyền thanh xã, phường, thị trấn về tình hình sâu bệnh và biện pháp phòng trừ. Chỉ đạo các Trạm BVTV phối hợp các ngành, các phòng ban chuyên môn ở huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh cho cán bộ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân. Tăng cường công tác thanh tra, quản lý việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, xử lý nghiêm các vi phạm.

- Làm tốt công tác KDTV hàng nhập khẩu, điều tra theo dõi sâu bệnh trên cây trồng sau nhập khẩu, không để các đối tượng KDTV xâm nhập, phát sinh, gây hại trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như SRI trên lúa, IPM trên cây rau, chè, bưởi và đề tài KHCN, Dự án VM005, đưa nhanh các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

b, Các huyện, thành, thị:

- UBND huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn và bà con nông dân tăng cường điều tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh. Khi sâu bệnh có nguy cơ bùng phát gây hại nặng, thành lập ban chỉ đạo, huy động mọi lực lượng triển khai chống dịch, cử cán bộ xuống cơ sở đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân biện pháp phòng trừ cụ thể.

- Chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý Nhà nước về công tác Bảo vệ thực vật và KDTV, quản lý chặt chẽ, có hiệu quả việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn.

c, Các xã, phường, thị trấn:

- Chỉ đạo tổ khuyến nông thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến sâu bệnh, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả.

- Phối hợp tập huấn, tuyên truyền tới các hộ nông dân biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tổng hợp. Huy động mọi lực lượng, đoàn thể quần chúng ra quân trong chiến dịch phòng trừ sâu bệnh.

- Phối hợp quản lý chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn.

2. Biện pháp kỹ thuật phòng trừ:

a, Trên lúa:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Trên ruộng có mật độ sâu non trên 50 con/m2 (giai đoạn đẻ nhánh), trên 20 con/m2 (giai đoạn đứng cái - trỗ) sử dụng các loại thuốc hoá học như Regent 800 WG, Regell 800 WG, 50 SC, Finico 800 WG, Aremec 36 EC,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Sâu đục thân 2 chấm: Trên ruộng có mật độ bướm trên 0,3 con/m2 hoặc mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 sử dụng các loại thuốc Regent 800 WG, Regell 800 WG, 50 SC, Finico 800 WG, Aremec 36 EC,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Rầy các loại: Ruộng có mật độ rầy cám (tuổi 1, 2) trên 1.500 con/m2 (30 con/khóm), sử dụng các loại thuốc Actara 25WG, Sectox 10WP, Midan 10WP, Superista 25EC, Penalty 40 WP, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. Chú ý khi lúa giai đoạn chắc xanh trở đi phải dùng thuốc Bassa 50EC, Trebon 10EC,... rẽ băng rộng 0,8 - 1m, phun kỹ phần gốc lúa.

- Bệnh khô vằn: Ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Lervil 50 SC, Tilvil 500SC, Validacin 5L, , Anvil 5SC, Aloannong 50SL, ... phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

- Bệnh sinh lý: Bón phân thúc đẻ kịp thời, kết hợp làm cỏ sục bùn sớm giúp giải phóng các độc tố trong đất, trong điều kiện nắng nóng có thể tháo thay nước luân phiên. Ruộng bị nặng phun thuốc Antracol 70 WP và phân bón lá theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

- Ốc bươu vàng: Áp dụng các biện pháp thủ công bắt ốc, thu gom ổ trứng để tiêu diệt. Trên diện tích có mật độ ốc trên 3 con/m2 sử dụng thuốc Clodansuper 700 WP pha 10g/1 bình 12 lít phun cho 1 sào để diệt trừ. Khi phun nên giữ mức nước ở 3 - 5 cm để tăng hiệu lực của thuốc.

- Ngoài ra: Phun phòng trừ các ổ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Tích cực diệt trừ chuột hại bằng các biện pháp tổng hợp.

b, Trên ngô: Chăm sóc, theo dõi sâu bệnh thường xuyên, khắc phục bệnh sinh lý ở giai đoạn cây con, phun trừ các ổ sâu ăn lá, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt, rệp cờ đến ngưỡng phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục. Thường xuyên diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp.

c, Trên rau: Chăm sóc rau theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn, phun phòng trừ những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh v­ượt ngưỡng bằng các thuốc đặc hiệu có trong danh mục quy định cho rau, chú ý đảm bảo thời gian cách ly.

d, Trên chè: Thường xuyên theo dõi, phun trừ các ổ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục sử dụng cho chè.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn