Thứ Sáu, 27/12/2024
Đánh giá kết quả chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh vụ mùa năm 2007
Gửi bài In bài

1. Tình hình thời tiết: Đầu vụ, ngày trời nắng nóng có mưa rào xen kẽ; cuối vụ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và số 5 gây mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, làm ngập úng một số diện tích lúa mùa muộn và hoa màu gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Nhìn chung, điều kiện thời tiết trong vụ đã có ảnh hưởng và gây khó khăn cho sản xuất.

2. Cây trồng:  Tổng diện tích gieo cấy toàn vụ xấp xỉ 35.000 ha, trong đó các giống chủ lực là KD18, Q5, BTST, Nhị ưu 838, VL20. Đây là các giống có tiềm năng cho năng suất cao, song cũng rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh hại.

3. Diễn biến các đối tượng sâu bệnh:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Thời gian phát sinh t­ương đ­ương vụ mùa năm 2006, gây hại trên diện rộng, quy mô và mức độ gây hại cao hơn vụ mùa năm 2006 và trung bình nhiều năm (TBNN). Các huyện có mật độ cao: Lâm Thao, Phù Ninh, T.P Việt Trì, T.X Phú Thọ, Đoan Hùng, Thanh Thuỷ, Cẩm Khê, Hạ Hoà, Thanh Sơn,... Tổng diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ là 27.862,5 ha, trong đó nhiễm nặng 5.699,5 ha (Vụ mùa năm 2006 diện tích nhiễm 20.038,5 ha, trong đó nhiễm nặng 6.729,2 ha). Có 2 lứa sâu xuất hiện gây hại chính trong vụ:

+ B­­ướm lứa 5 ra rộ từ ngày 9 - 15/7, mật độ bư­ớm trung bình 0,3 - 0,6 con/m2, cao 2 - 4 con/m2, cục bộ 10 - 15 con/m2. Mật độ sâu non phổ biến là 20 con/m2, cao 30 - 60 con/m2, cục bộ 100 - 150 con/m2, cao hơn nhiều so với vụ mùa năm 2006 (Lứa 5 vụ mùa 2006, mật độ sâu non phổ biến 3 - 5 con/m2 , cao10 - 15 con/m2 , cục bộ 20 - 25  con/m2).

+ B­­ướm lứa 6 ra rộ từ ngày 1 - 5/8, với mật độ trung bình 1 - 2 con//m2 , cao 5 - 8 con/m2, cục bộ 10 - 18 con/m2. Mật độ sâu non trung bình 30 - 40 con/m2, cao 70 - 80 con/m2, cục bộ 120 -  150 con/m2, cá biệt 250 - 300 con/m2 tương đương vụ mùa 2006 (Lứa 6 vụ mùa 2006 mật độ sâu trung bình 50 –100 con/m2, cao 160con/m2, cục bộ 300 - 500con/m2).

* Nguyên nhân: Vụ mùa năm nay có sự xuất hiện 2 lứa sâu hại là do điều kiện thời tiết thuận lợi sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh gây hại mạnh ngay ở vụ xuân. Thời gian gieo cấy vụ mùa rất khẩn trư­ơng, đan xen với thời gian thu hoạch vụ xuân, nên nguồn sâu chuyển vụ lớn. Bướm lứa 4 ra đầu tháng 6 đã di chuyển đẻ trứng và gây hại trên mạ và một phần trên lúa cấy sớm, nên lứa 5 chúng vũ hoá và đẻ trứng nhiều, tỷ lệ nở cao dẫn đến mật độ sâu cao. Bướm lứa 6 ra với mật độ cao, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, giai đoạn cây lúa mẫn cảm nên sâu non nở với mật độ cao và gây hại trên các trà lúa.

- Bệnh khô vằn: Phát triển và gây hại trên diện rộng từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9 trên tất cả các trà, trong đó phát triển và lây lan nhanh trong tháng 8, quy mô, mức độ gây hại cao hơn TBNN và cao hơn vụ mùa năm 2006. Tổng diện tích nhiễm bệnh khô vằn là 15.296,1 ha; trong đó diện tích nhiễm nặng 1.260,7 ha. (Vụ mùa năm 2006, diện tích nhiễm 14.289,5 ha, trong đó nhiễm nặng 2.419 ha).

* Nguyên nhân: Do điều kiện thời tiết vụ mùa năm 2007 nóng ẩm thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển gây hại trên diện rộng. Mặt khác, bộ giống thâm canh cao, đẻ khoẻ, lá phát triển tốt, tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

- Bọ xít dài: Phát triển và gây hại diện rộng từ tháng 8 đến đầu tháng 10 trên các trà lúa giai đoạn trỗ bông - ngậm sữa - chắc xanh, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng. Quy mô gây hại trên diện rộng, mức độ hại cao hơn TBNN và cao hơn vụ  mùa năm 2006. Tổng diện tích nhiễm bọ xít dài là 12.088ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 801,4 ha. (Vụ mùa 2006, diện tích nhiễm 5.699,4 ha, trong đó nhiễm nặng 1.197 ha).

- Sâu đục thân 2 chấm: Qui mô gây hại rộng hơn năm 2006. Tổng diện tích nhiễm 534,4 ha, trong đó nhiễm nặng 2 ha. (Vụ mùa 2006 diện tích nhiễm 167 ha, trong đó nhiễm nặng 12 ha).

Có 2 lứa sâu gây hại chính:

+ Bướm lứa 4 ra rộ từ 1 - 5/8, sâu non gây dảnh héo, bông bạc trà mùa sớm, mùa trung; mức độ hại rất nhẹ.

+ Bướm lứa 5 ra rộ từ 7 - 13/9, sâu non gây bông bạc trên trà mùa trung trỗ muộn, gây dảnh héo trên trà mùa muộn giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, làm đòng. Mức độ gây hại nhẹ - trung bình, cục bộ ổ nặng trên trà mùa muộn.

* Nguyên nhân: Trong cao điểm sâu bệnh tháng 8 bướm sâu đục thân 2 chấm lứa 4 ra trùng với sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, do chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá tập trung bằng các loại thuốc nội hấp lưu dẫn mạnh nên tỷ lệ hại nhẹ. Đến giữa tháng 9 sâu đục thân lứa 5 tập trung gây hại một số diện tích trà mùa trung trỗ muộn và trà mùa muộn. Trà mùa sớm, thiệt hại do sâu đục thân không đáng kể.

- Rầy nâu, rầy lư­ng trắng: Phát sinh, phát triển trên diện hẹp, mức độ gây hại nhẹ đến trung bình. Quy mô gây hại rộng hơn năm 2006 và TBNN. Tổng diện tích nhiễm 457 ha chủ yếu nhiễm nhẹ đến trung bình, không có diện tích nhiễm nặng (Vụ mùa năm 2006 diện tích nhiễm 95ha, trong đó diện tích nhiễm nặng3 ha).

* Nguyên nhân: Rầy nâu, rầy lưng trắng quy mô gây hại rộng hơn so với vụ mùa năm 2006 là do ở một số huyện miền núi, trên trà mùa trung có những diện tích mật độ sâu cuốn lá nhỏ thấp (< 20 con/m2), không phải phòng trừ đã làm cho rầy nâu, rầy lưng trắng tích luỹ và gia tăng mật độ cuối vụ.

- Chuột: Gây hại rải rác trên tất cả các trà, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng trên ruộng ven làng, rừng, đồi, gò. Qui mô và mức độ gây hại cao hơn so với vụ mùa 2006. Tổng diện tích bị chuột hại 1.809,4 ha, trong đó hại nặng 72,7 ha (Vụ mùa năm 2006 diện tích nhiễm  875ha, trong đó hại nặng 88 ha).

* Nguyên nhân: Nguồn thức ăn phong phú, chuột phát triển tập trung gây hại  chủ yếu trên những chân ruộng cao, ruộng ven làng, rừng, đồi, gò.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Thời điểm phát sinh tư­ơng đư­ơng với vụ mùa năm 2006. Bệnh phát sinh và gây hại từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9 trên lúa mùa trung giai đoạn trỗ bông - chắc xanh, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ ổ nặng trên giống Thục Hưng 6, Nhị ưu 838, BTST, Nếp. Qui mô gây hại rộng hơn vụ mùa 2006 nhưng mức độ hại  thấp hơn. Tổng diện tích nhiễm là 519 ha, trong đó nhiễm nặng 8 ha (Vụ mùa năm 2006 là 212 ha, trong đó nhiễm nặng 212 ha).

* Nguyên nhân: Do điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển và lay lan.

- Bệnh đen lép hạt: Phát sinh gây hại từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 trên diện hẹp, chủ yếu trên giống Khang dân, Q5 ở giai đoạn trỗ bông - chắc xanh. Quy mô  gây hại rộng hơn năm 2006, nhưng mức độ hại nhẹ hơn. Diện tích nhiễm là 975,9 ha trong đó nhiễm  nặng là 2 ha (Vụ mùa năm 2006 là 563 ha, trong đó nhiễm nặng 20 ha)

* Nguyên nhân: Bệnh phát sinh phát triển chủ yếu trên những chân ruộng bón phân không cân đối, chăm sóc chưa hợp lý, bón đạm muộn, các ruộng trỗ trong những ngày thời tiết mưa nhiều.

Ngoài ra các đối tượng châu chấu, ốc bươu vàng gây hại cục bộ.

4. Kết quả công tác chỉ đạo:

- Ngay từ đầu vụ, Chi cục BVTV đã chỉ đạo các trạm huyện, thành, thị xây dựng và triển khai phương án BVTV xuống cơ sở, rà soát hệ thống tuyến điều tra gồm 36 điểm ở các xã, thị trấn.

- Trong cao điểm Chi cục BVTV và các Trạm BVTV huyện, thành, thị đã tăng cư­ờng công tác điều tra, ra 05 thông báo về diễn biến tình hình sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn và hư­ớng dẫn biện pháp phòng trừ gửi các ban ngành, các huyện, thành, thị, gồm các kỳ: 10/7, 20/7, 30/7, 10/8, 20/8 ( trong đó có 02 thông báo khẩn kỳ 30/7, 10/8), đồng thời tham mưu cho Chủ tịch UBND Tỉnh ra công điện số 11/CĐ về việc tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa năm 2007. Tham mưu cho Sở NN và PTNT ra quyết định số 172/QĐ-NN-TT, thành lập 4 tổ công tác đi kiểm tra công tác chỉ đạo phòng trừ cao điểm sâu bệnh của tất cả 13 huyện, thành, thị.

- Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN và PTNT hết sức quan tâm, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng trừ ở những huyện trọng điểm lúa của tỉnh.

- 13/13 huyện, thành, thị đều triển khai kế hoạch phòng trừ, thành lập BCĐ phòng trừ sâu bệnh, phân công cán bộ phụ trách địa bàn các xã nắm tình hình, chỉ đạo, đôn đốc việc phòng trừ sâu bệnh. Có 6/13 huyện, thành, thị ra Chỉ thị, Công điện gồm: Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Cẩm Khê, Tân Sơn, Thanh Ba và 9/13 huyện ra công văn chỉ đạo phòng trừ cao điểm sâu bệnh gồm Phù Ninh, T.X Phú Thọ, Yên Lập, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Thanh Sơn, TP Việt Trì, Lâm Thao, Tam Nông.

- Công tác thông tin tuyên truyền: Đã xây dựng và phát 02 phóng sự trên đài Phát thanh truyền hình Tỉnh về diễn biến tình hình sâu bệnh và biện pháp kỹ thuật phòng trừ. Xây dựng 01 chuyên mục khuyến nông hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng từ sâu bệnh vụ mùa. Hệ thống đài truyền thanh các huyện, xã đều tăng thời lượng trong cao điểm, phát 1 - 3 lần/ngày tin bài về tình hình sâu bệnh và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ vào buổi sáng, tr­ưa, tối; 6/13 huyện phát 15 buổi trên đài PTTH của huyện về hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh. Gửi đăng 06 bài trên báo Phú Thọ về diễn biến tình hình sâu bệnh hại và biện pháp kỹ thuật phòng trừ, đăng 02 bài, 02 ảnh trên tạp chí Nông nghiệp Nông thôn.

- Kết quả, hầu hết diện tích nhiễm sâu bệnh đến ng­ưỡng đ­ược phòng trừ, ngăn chặn kịp thời, không để sâu cuốn lá nhỏ bùng phát thành dịch. Tổng diện tích phòng trừ 44.236 ha gồm: Phòng trừ sâu cuốn lá 25.377,7 ha, bệnh khô vằn 11.186,4 ha, bọ xít dài 4.565,4 ha. Tỷ lệ thiệt hại do sâu bệnh  toàn vụ là 1,3% đảm bảo dưới mức an toàn cho phép, thấp hơn so với vụ mùa năm 2006 và TBNN, trong đó trà mùa sớm 1,28%, mùa trung 1,32% (Vụ mùa 2006 thiệt hại là 1,74%, trong đó trà mùa sớm 1,71%, mùa trung 1,83%).

Như vậy, với sự nỗ lực của bà con nông dân, sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa vụ mùa 2007 đạt kết quả tốt, đảm bảo an toàn sâu bệnh trên địa bàn tỉnh.

5. Khó khăn, tồn tại:

- Khó khăn lớn nhất là điều kiện thời tiết bất thuận. Trong thời gian chỉ đạo phòng trừ, trời mưa kéo dài nhiều ngày nên hiệu quả không cao, phải chỉ đạo phun lại nhiều diện tích.

- Một số cán bộ khuyến nông cơ sở ch­ưa bám sát đồng ruộng để hướng dẫn nông dân phòng trừ. Trình độ khuyến nông viên một số nơi còn yếu, hiểu biết về sâu bệnh còn hạn chế. Cán bộ lãnh đạo ở một số cơ sở còn chủ quan, chưa vào cuộc mà giao khoán trách nhiệm cho cán bộ khuyến nông cơ sở hoặc chỉ đạo chung chung mang tính hình thức.

Từ những khó khăn, tồn tại trên đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh vụ mùa năm 2007. Trong cao điểm vẫn còn nhiều diện tích bị sâu hại trắng lá, nhiều diện tích phải phun lại lần 2 lần 3 nên hiệu quả phòng trừ thấp.

6. Bài học kinh nghiệm:

Thực hiện tốt công tác điều tra, DTDB, ra thông báo kịp thời và chính xác mới đảm bảo thắng lợi 50%. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp, ngành cộng với sự tin tưởng, nỗ lực của bà con nông dân trong phòng trừ sâu bệnh mới đảm bảo thắng lợi 100%. Ở những địa phương, cơ sở mà cán bộ trực tiếp quan tâm, kiểm tra, đôn đốc sát sao thì công tác phòng trừ sâu bệnh đạt kết quả tốt và ngược lại. Cơ chế cung ứng thuốc trả chậm cho nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ khuyến nông cơ sở của một số công ty cung ứng thuốc BVTV trên địa bàn đã góp phần hết sức quan trọng vào công tác phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo thắng lợi của sản xuất vụ mùa./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn