Thứ Ba, 12/11/2024
Dự báo tình hình sâu bệnh đầu vuj chiêm xuân năm 2007
Gửi bài In bài

1. Bệnh đạo ôn lá: Là đối tượng cần đặc biệt chú ý trong tháng 3.

* Hiện tại: Nguồn bệnh đạo ôn đã xuất hiện diện rộng trên tất cả các trà ở hầu hết các huyện, thành, thị:

+ Trên trà chiêm, xuân sớm: tỷ lệ lá hại trung bình 0,2 - 0,6%, cao 1,8 – 3%, cục bộ 5 – 10% ở các huyện, thị Lâm Thao, Việt Trì, Tam Nông; Cấp bệnh chủ yếu là cấp 1, 3. Các giống nhiễm như DT10, Nếp, Xi23, X21, KD18, Q5...

+ Trên trà xuân muộn: tỷ lệ lá hại trung bình 0,1 – 0,8%, cao 1,2 – 1,7%, cục bộ 9,4% ở huyện Lâm Thao. Cấp bệnh chủ yếu là cấp 1, 3. Các giống nhiễm chủ yếu KD18, Q5, Nhị ưu 838,.... Diện tích nhiễm đến ngưỡng thống kê là 12 ha.

* Dự báo: Bệnh phát triển lây lan rất nhanh có khả năng bùng phát gây hại nặng trong thời gian tới do cây lúa đang trong giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh. Điều kiện thời tiết ấm, trời âm u, ẩm độ cao có mưa phùn là điều kiện tối thích cho bệnh bùng phát mạnh, có thể gây cháy lá theo chòm, ổ trên các giống Nếp, DT10, DT13, Xi23, X21, KD18, Q5... nhất là các ruộng lúa xanh tốt, bón nhiều đạm, bón lai rai. Các huyện, thị cần đặc biệt chú ý: Lâm Thao, Tam Nông, Cẩm Khê, Thanh Thuỷ, Phù Ninh, Thanh Sơn, Việt Trì.

2. Rầy các loại:

* Hiện tại: Rầy xuất hiện trên trà chiêm, xuân sớm; mật độ trung bình 5 – 10 con/m2, cao 24 – 50 con/m2, cục bộ 120 con/m2 (Hạ Hoà, Phú Thọ), phát dục chủ yếu: tuổi 3, 4, 5. Như vậy, nguồn rầy đã xuất hiện sớm và với mật độ rất cao so với cùng kỳ năm 2006. Nguyên nhân do thời tiết ấm, rầy di trú qua đông từ lúa chét, mạ và các cây ký chủ phụ sang ruộng lúa với mật độ cao.

* Dự báo: Rầy tiếp tục tích luỹ và chuẩn bị chuyển lứa gia tăng mật độ rất nhanh, gây hại trên trà chiêm, xuân sớm, chân ruộng vàn trũng cấy các giống Nếp, DT, Xi23, X21... Mức độ hại trung bình, có thể gây hại nặng vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Dự kiến diện tích nhiễm trong tháng 3 khoảng 1500 ha; Các huyện, thị cần chú ý: Lâm Thao, Đoan Hùng, Hạ Hoà, Phù Ninh, Thanh Sơn, T.P Việt Trì và thị xã Phú Thọ.

3. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại: Mật độ trung bình 3 - 5 con/m2, cao 10 - 16 con/m2, cục bộ 30 con/m2 (Tam Nông). Phát dục chủ yếu tuổi 3, 4, 5. Diện tích nhiễm là 20,8 ha, tập trung trên trà sớm. Như vậy, sâu cuốn lá nhỏ có mật độ cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2006. Nguyên nhân, do thời tiết ấm, nguồn sâu qua đông di chuyển từ bờ cỏ và ký chủ phụ ra ruộng lúa để đẻ trứng với mật độ cao.

* Dự báo:  Sâu cuốn lá tiếp tục gây hại nhẹ và chuyển lứa trong tháng 3. Bướm cuốn lá sẽ ra rộ và đẻ trứng vào cuối tháng 3, sâu non gây hại mạnh vào đầu tháng 4 trùng với giai đoạn lúa xuân đứng cái. Các huyện, thị cần chú ý: Lâm Thao, Việt Trì, Tam Nông, Thanh Sơn, Phù Ninh, Đoan Hùng.

4. Bệnh sinh lý (thối thân, thối bẹ):

* Hiện tại: Tỷ lệ hại trung bình 5- 10%, cao 20 – 40%, cục bộ trên 50 – 100% (Việt Trì, Lâm Thao); diện tích nhiễm 552,5 ha, trong đó nhiễm nặng 100 ha trên các chân ruộng trũng, đọng nước.

* Dự báo: Bệnh tiếp tục phát triển và gây hại trên diện tích trũng, đọng nước ven các xã, phường thuộc Thành phố Việt Trì và thị trấn Lâm Thao.

Ngoài ra: Chuột, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân, bọ xít dài, ruồi đục nõn, bọ trĩ, OBV gây hại rải rác, cục bộ.

5. Nhận định về cao điểm: Dự báo vụ chiêm xuân năm nay sẽ có 2 cao điểm cần tập trung chỉ đạo:

- Cao điểm 1: Từ 20/3 đến 10/4/2007, các đối tượng cần chú ý gồm: Bệnh đạo ôn lá, bệnh sinh lý, rầy các loại,....

- Cao điểm 2: Từ 10/4 đến 10/5/2007, các đối tượng sâu bệnh cần chú ý gồm bệnh đạo ôn, rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt, bọ xít dài.

6. Biện pháp chỉ đạo phòng trừ:

- Đối với bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng bị bệnh, ngừng bón các loại phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Trên những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 5%, dùng thuốc Bemsuper 75WP, Fu-army 40 EC, Beam 75 WP, Fuji - one 40 WP, New Hinosan 30 EC, Kasai 21,2 WP, One - Over  40 EC,... phun phòng trừ theo chỉ dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì. Ruộng bị nặng hoặc trên những ổ bị cháy, cần vơ bỏ lá bệnh sau đó sử dụng các loại thuốc trên phun 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày. Chú ý phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá.

- Bệnh sinh lý (thối thân, thối bẹ): sử dụng vôi bột với lượng 15 - 20 kg/sào để bón. Những ruộng đã cạn nước thì không lấy thêm nước, để phơi ruộng; những ruộng đọng nước không tháo nước sang ruộng khác để tránh lây lan; tiến hành phun thử nghiệm Somec 2 SL hoặc Starner 20 WP, Xanthomix 20 WP, Sasa 20 WP và theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh trên đồng ruộng.

- Đối với rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ: Cần tăng cường điều tra phát hiện, theo dõi chặt chẽ diễn biến mật độ và phát dục của chúng trên đồng ruộng, tránh phun thuốc tràn lan trong tháng 3 gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, cần phun phòng trừ các ổ ruồi đục nõn, bọ trĩ, bọ xít đen, bệnh khô vằn đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu theo chỉ dẫn kỹ thuật.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn