Ngay sau khi Thái Bình công bố sự bùng phát trở lại của bệnh Lùn sọc đen (LSĐ) trên lúa ĐX, tỉnh láng giềng Nam Định (từng là ổ dịch LSĐ vụ mùa 2009) đang được đặt tình trạng "báo động đỏ" về nguy cơ bùng phát bệnh hại nguy hiểm này.
Có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch LSĐ tại Thái Bình hôm qua, ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, do đa số diện tích lúa ĐX của Nam Định được cấy vào trà xuân muộn nên đến thời điểm này, chưa thể có kết luận gì về việc liệu dịch hiện đã xuất hiện tại Nam Định hay chưa. Bởi vì để bệnh LSĐ có biểu hiện lâm sàng ra bên ngoài, ít nhất lúa phải có thời gian sinh trưởng sau hơn 30 ngày tuổi.
|
Vừa cấy xong vụ ĐX, nông dân các tỉnh miền Bắc đã lo đối mặt với dịch LSĐ
|
Tuy nhiên ông Doanh cũng bày tỏ lo ngại, không thể chủ quan khẳng định bệnh chưa xuất hiện tại Nam Định. Đặc biệt là khi tỉnh lân cận Thái Bình hiện dịch đang bùng lên dữ dội, trong khi đó Nam Định cũng từng là ổ dịch LSĐ trong vụ mùa năm 2009. "Hiện tại, chúng tôi đã tăng cường 5 cán bộ của Trung tâm BVTV phía Bắc xuống nằm vùng tại Thái Bình và Nam Định để theo dõi liên tục tình hình diễn biến của bệnh, đặc biệt là theo dõi biến động của mật độ rầy tại hai tỉnh này" - ông Doanh cho biết.
Không nằm ngoài sự lo lắng như ông Doanh, ông Trần Ngọc Chính, Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV Nam Định cho biết ngay sau khi dịch LSĐ tái bùng phát tại Thái Bình, ngành nông nghiệp của Nam Định ngay lập tức đã được đặt trong tình trạng báo động. Chiều qua, một cán bộ kỹ thuật của Trung tâm BVTV phía Bắc đang nằm vùng tại Nam Định thừa nhận với PV NNVN vừa phát hiện một diện tích lúa trên 5 sào tại xã Giao Tiến (huyện Giao Thuỷ) có các biểu hiện lâm sàng của bệnh LSĐ và VL-LXL như: lá quăn, rễ phình, phát triển chậm hơn ruộng bên cạnh... Tuy nhiên cán bộ này cho rằng biểu hiện lâm sàng của bệnh là chưa rõ rệt và... đang nghi là do việc dùng thuốc trừ cỏ quá mức do qua điều tra, số diện tích này có sử dụng thuốc cỏ? "Kết quả có hay không sự xuất hiện của dịch phải chờ vài ngày nữa khi có kết quả xét nghiệm của Cục BVTV. Hiện chúng tôi đã gửi mẫu bệnh phẩm về Cục BVTV để test xem có dương tính với virus LSĐ và VL-LXL hay không?" - cán bộ này nói.
Theo ông Bùi Sỹ Doanh, ngoài Thái Bình hiện đã công bố dịch LSĐ lan rộng thì Thanh Hoá, Hải Dương, Bắc Giang... cũng vừa có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm lúa ĐX dương tính với virus LSĐ. Trong khi đó Nghệ An từng là vùng dịch lớn vụ mùa 2009 nhưng đến nay chưa phát hiện diện tích lúa ĐX nào nghi vấn bị nhiễm LSĐ. Điều khác biệt so với các tỉnh là Nghệ An thực hiện khá tốt việc tiêu diệt rầy di trú trước vụ cấy ĐX 2009-2010 rất triệt để.
Xung quanh hướng đối phó với dịch LSĐ, ông Doanh khẳng định địa phương nào nghi có dịch phải tự xử lí, tiêu huỷ lúa nghi ngờ bị bệnh (theo cách thức mà NNVN hôm qua đã đưa tin) ngay lập tức chứ không chờ tới lúc có kết quả xét nghiệm âm hay dương tính với virus LSĐ do việc thực hiện xét nghiệm đang "bội thực" vì quá nhiều tỉnh gửi mẫu bệnh phẩm nghi ngờ về Cục BVTV.
|
Về nguy cơ bùng phát bệnh, ông Trần Ngọc Chính bình tĩnh cho biết hiện mật độ rầy di trú ở 3 huyện ven biển có nguy cơ bệnh LSĐ cao là Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng đang rất thấp (trung bình chỉ 0,2 đến 0,5 con/m
2. So với thời điểm trước khi cấy (mật độ có nơi 5-20con/m
2) thì mật độ như vậy là không đáng ngại và không nhất thiết phải phun trừ rầy.
"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát diễn biến phát triển của lúa để phát hiện sự xuất hiện kịp thời của bệnh, đồng thời bám sát sự phát triển của rầy trên đồng, nếu mật độ rầy vượt quá 1 con/m2 thì lập tức cho phun thuốc, quyết diệt không còn một con rầy" - ông Chính quả quyết.
Trở lại với Thái Bình, tới hôm qua ông Trần Xuân Định, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết số diện tích lúa có biểu hiện bệnh LSĐ, VL-LXL rõ rệt tại tỉnh này thống kê được đã lên mức xấp xỉ 10 nghìn hecta và đang có nguy cơ lan ra rộng hơn. Đặc biệt trong đó toàn tỉnh đã có hơn 500 hecta mắc bệnh nặng, chủ yếu là tại Tiền Hải (đã phát bệnh tại 100% số xã). Trước tình hình nguy cấp này, hôm qua Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình đã có công văn hoả tốc gửi Bộ NN-PTNT "xin gấp" 4 tấn thuốc trừ rầy để khắc phục dịch bệnh lây lan. Ông Trần Xuân Định rất lo ngại về việc sẽ có một số lớn diện tích nhiễm bệnh nặng buộc phải phá huỷ càng nhanh càng tốt và gieo thẳng lại bằng các giống lúa ngắn ngày ngay lập tức.
Nguồn: nongnghiep.vn