Nhiều diện tích lúa đã cấy tại thị xã Phú Thọ bị hạn hán nặng.
Vụ mùa năm nay, thị xã Phú Thọ gieo
trồng 1.515 ha (trong đó có 1.030 ha lúa, 20 ha ngô, 20 ha lạc, 50 ha
đậu đỗ các loại, 395 ha rau xanh). Tính đến ngày 8 – 7, thị xã đã gieo
cấy được 852,7 ha (đạt 83% diện tích). Diện tích bị khô hạn lên đến
557,8 ha (chiếm 54% diện tích), trong đó diện tích lúa mới cấy bị hạn là
407,5 ha, diện tích không có nước để làm đất trên 150 ha, tập trung ở
các xã Văn Lung, Phú Hộ, Hà Lộc, Trường Thịnh, Thanh Vinh, Thanh Minh,
Hà Thạch. Lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo các địa phương tập trung làm thuỷ
lợi, nạo vét được 4.700m3 bùn đất theo các tuyến kênh mương và cửa khẩu;
Huy động 52 máy bơm dầu, 3 máy bơm dầu có công suất 600m3/giờ bơm nước
từ sông vào đồng; sử dụng gần 7.000 kg dầu để ứng cứu hạn hán.
Huyện Phù Ninh có diện tích gieo
cấy vụ mùa xấp xỉ 2.200 ha. Hiện nay diện tích đang bị ảnh hưởng nặng là
733,3ha (trong đó có 676,8ha lúa đã cấy). Diện tích bị khô hạn khó có
thể khắc phục là 279,8 ha. Các xã bị ảnh hưởng nặng nhất là Tiên Phú,
Trạm Thản, Liên Hoa, Trung Giáp, Phú Mỹ, Thị trấn Phong Châu, Trị Quận,
Phú Lộc...
Hiện
tại ở các địa phương, hầu hết các ao, hồ, đập, ngòi tưới, tiêu đều đã
cạn nước hoặc đã xuống đến dưới mực nước chết khiến cho việc bơm nước
cứu lúa gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Sở
NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện
pháp chống hạn, tận dụng mọi nguồn nước để có thể tưới dưỡng ẩm cho
lúa. Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ việc lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ
các trạm bơm ở sông vào ruộng; lắp đặt thêm máy bơm; đào hệ thống giếng
tại các điểm có thể khai thác được nguồn nước ngầm...
Để đảm bảo an ninh lương thực và
sản xuất nông nghiệp bền vững, Sở đã có kế hoạch chỉ đạo các địa phương
quy hoạch vùng xây dựng thêm các hồ, đập, công trình thuỷ lợi nhỏ để
tích nước khi có lụt, úng; bơm tưới khi khô hạn, các hộ bị thu hồi đất
sẽ được giao diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng, cải
tạo lại một số hồ đập có dung tích và khả năng tưới tiêu cho diện tích
rộng như Trại Khế (Phú Hộ), Đồng Quán, Đồng Màng (Hà Lộc)... thuộc thị
xã Phú Thọ) hồ Dộc Vải (Tiên Phú), Bờ Ngang (Trung Giáp)... của huyện
Phù Ninh. Cùng với đó, các địa phương cần nghiên cứu các biện pháp
chuyển đổi cây màu ở những diện tích không thể khắc phục, cấy bổ sung
ngay khi trời mưa hoặc bơm được nước trong thời gian tới.
Đoàn kiểm tra cũng đã khắc nhở, phê
bình các địa phương không có sự quản lý chặt chẽ các hồ đập chứa nước,
một số xã sử dụng không đúng mục đích khiến cho lượng nước không lưu trữ
đủ như thiết kế, không đủ lượng nước cung cấp khi xảy ra hạn hán.
Tình hình hạn hán trong tỉnh đang
xảy ra rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất vụ mùa.
Để có thể chống hạn tốt nhất, Sở NN và PTNT yêu cầu bên cạnh sự chỉ đạo
và hỗ trợ của các cấp các ngành, các địa phương hướng dẫn bà con nông
dân chú ý tuân thủ theo chỉ đạo của Sở, chung sức với các đơn vị có
trách nhiệm, tận dụng mọi khả năng và nguồn lực để có thể hạn chế đến
mức thấp nhất hậu quả của đợt khô hạn này nhằm đảm bảo an ninh lương
thực, thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm
kỳ 2005 – 2010.
Theo: Báo Phú Thọ Online