Trên địa bàn
huyện Tân Sơn, cây Bồ đề là loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện của địa
phương nên cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, chỉ sau 5 đến 6 năm gieo trồng
đã cho khai thác đạt sản lượng cao từ 80 - 100m3/ha. Mặt khác cây Bồ
đề có thể chủ động được nguồn giống, cần vốn đầu tư ban đầu ít, rất dễ trồng và
tỷ lệ sống cao. Cụ thể 1 ha rừng chỉ cần 2 - 3 kg hạt tương đương với 450.000
đồng/ha; trong khi các cây trồng khác như Keo, Bạch đàn, mỡ… vốn đầu tư ban đầu
không dưới 10 triệu đồng/ha và thời gian cho thu hoạch dài hơn (7- 8 năm). Vì
vậy diện tích rừng trồng cây Bồ đề đã không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, trong
những năm gần đây, một số đối tượng sâu bệnh hại đã nổi lên phá hại rừng bồ đề
như: Mối, nấm… đặc biệt là sâu xanh hại lá Bồ đề đã xuất hiện và gây hại nặng
trên địa bàn huyện.
Bắt đầu từ trung
tuần tháng 6 năn 2011, nhận được thông tin phản ánh của tổ khuyến nông xã Xuân
Đài, Kim Thượng, Thạch Kiệt… trạm BVTV huyện Tân Sơn đã nhanh chóng xuống cơ sở
bám sát địa bàn xuất hiện sâu hại, xác định chính xác đó là sâu xanh hại lá Bồ
đề (Fentonia sp), Trạm đã báo cáo tình hình với Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ và đề ra phương
án xử lý cụ thể để Chi cục nắm tình hình và có phương án chỉ đạo.
Dựa vào tính
chất gây hại, đặc tính sinh học và vòng đời của sâu hại, bằng sự nỗ lực của tập
thể trạm, sự chỉ đạo sát sao của chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo Huyện ủy, Uỷ
ban nhân dân huyện Tân Sơn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành từ tỉnh,
huyện đến xã đã đưa ra hai phương án cụ thể gồm biện pháp thủ công và hóa học để
giúp các hộ dân có rừng bị sâu hại.
Để chủ động
phòng trừ sâu xanh hại lá bồ đề, UBND huyện Tân Sơn trích kinh phí hỗ trợ phát
triển sản xuất theo chương trình 30a mua máy động cơ và thuốc dập dịch. Chi cục
BVTV Phú Thọ hỗ trợ máy phun động cơ, chỉ đạo
cán bộ phòng Kỹ thuật phối hợp với trạm BVTV Tân Sơn trực tiếp xuống địa bàn
cùng UBND và tổ khuyến nông các xã có dịch hại để cấp phát thuốc trừ sâu xanh và
trực tiếp chỉ đạo phun bột bằng máy động cơ chuyên dụng. Sau 1 tháng triển khai,
cơ bản dịch sâu xanh hại lá Bồ đề đã được khống chế, tỷ lệ sâu chết đạt trên
80%, bước đầu đã ngăn chặn được dịch sâu xanh ăn lá Bồ đề trên địa bàn huyện
Tân Sơn.
Từ năm 2012
đến nay, sâu xanh hại lá bồ đề tiếp tục xuất hiện gây hại trên địa bàn huyện
Tân Sơn. Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm chỉ đạo từ năm trước nên trạm BVTV Tân
Sơn đã phối hợp với những hộ dân có diện tích rừng bị hại chủ động phòng trừ sớm
và đạt hiệu quả tốt, đồng thời ngăn chặn không để lây lan ra diện rộng, những
diện tích rừng sau khi phun đã hồi xanh trở lại, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại
cho người trồng rừng.
Để đạt được những hiệu quả hết sức khả quan như trên, không thể thiếu
được sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự chủ động trong công tác
điều tra dự tính dự báo và đặc biệt là sự chủ động của người dân. Với phương châm
“phòng bệnh hơn chữa bệnh” khi phát hiện sâu hại, công tác thông tin là hết sức
quan trọng và cần thiết, cần phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng, việc
chủ động phòng trừ sớm sẽ giảm thiểu tác hại cả về kinh tế và môi trường. Đó là
những bài học, kinh nghiệm bước đầu trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng,
giúp cho những hộ trồng rừng có cách nhìn nhận mới về vấn đề sâu bệnh hại, để
nghề rừng thực sự là nghề giúp người dân từng bước thoát nghèo tiến tới làm giàu
từ rừng trên địa bàn huyện miền núi Tân Sơn nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói
chung./.
K.s Phùng Xuân Dũng
Trạm BVTV huyện Tân Sơn