Thứ Bảy, 23/11/2024
Đánh giá kết quả phòng trừ sâu bệnh vụ chiêm xuân 2016
Gửi bài In bài
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh tại huyện Lâm Thao, vụ xuân 2016

Vụ xuân 2016, mặc dù do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kỷ lục, số giờ nắng ít, trời nhiều ngày âm u, làm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển chậm, kéo dài. Song, được sự quan tâm chỉ đạo của các Cấp Ủy, Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự chỉ đạo trực tiếp của Cục BVTV, Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng với sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân, cán bộ công chức, viên chức Chi cục BVTV Phú Thọ đã khắc phục mọi khó khăn thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật vụ xuân 2016.

Về tình hình sâu bệnh: Chi cục đã bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh, tập trung hướng dẫn áp dụng các biện pháp IPM trên cây trồng, do đó, nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại nhẹ hơn so với cùng kỳ năm 2015. Bệnh khô vằn có diện tích nhiễm 6.600,9 ha, nặng 251,1 ha; chuột có diện tích nhiễm 1.328 ha, nặng 14 ha; bệnh đạo ôn có diện tích nhiễm 127 ha, nặng 1,1 ha. Đối tượng rầy các loại có diện tích nhiễm 2.280,7 ha cao gấp 2 lần, song, diện tích nặng là 5,3 ha giảm 4 lần. Riêng bệnh bạc lá có diện tích nhiễm 505,8 ha, nhiễm nặng 8,2 ha, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, sâu đục thân, bệnh sinh lý gây hại cục bộ; ốc bươu vàng, bọ xít dài, bọ trĩ, ruồi đục nõn,... gây hại nhẹ.

Về kết quả chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh: Hầu hết diện tích nhiễm sâu bệnh đến ng­ưỡng đ­ược phòng trừ kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn trên các cây trồng chính của tỉnh. Tổng diện tích nhiễm sâu bệnh là 21.912,5 lượt ha; trong đó nhiễm trung bình đến nặng là 6.722,3 lượt ha; Tổng diện tích đã phòng trừ là 6.246,6 lượt ha, trong đó phòng trừ trên cây lúa là 4.278,7 ha; chè 1.344,4 ha, các cây trồng khác 623,5 ha. Tỷ lệ thiệt hại do sâu bệnh trên lúa là 0,045%; trong đó, trà sớm là 0,050%, trà trung 0,072%, trà muộn 0,036% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (Năm 2015, tỷ lệ thiệt hại vụ chiêm xuân là 0,075%; trong đó trà sớm là 0,073%, trà trung 0,084% và trà muộn 0,072%).

Có được kết quả trên là do Chi cục đã bám sát tình hình thời tiết, nắm chắc diễn biến sâu bệnh, chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Phương án ứng phó với sinh vật gây hại cây trồng trong điều kiện thời tiết bất thuận; đồng thời chủ động xây dựng và triển khai phương án BVTV vụ chiêm xuân. Chỉ đạo thực hiện rà soát, xây dựng 39 điểm điều tra dự tính dự báo trên cây lúa, 21 điểm trên cây chè, 04 điểm trên cây ăn quả, 04 điểm trên cây rừng phù hợp với cơ cấu cây trồng của từng địa phương. Chỉ đạo thực hiện 25 kỳ điều tra dự tính dự báo sâu bệnh định kỳ 7 ngày trên lúa, ngô, rau, chè, cây ăn quả; 12 kỳ điều tra trên cây lâm nghiệp; 03 kỳ điều tra bổ sung, dự tính dự báo chính xác quy mô, diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Ban hành 25 thông báo sâu bệnh kỳ 7 ngày theo quy định; 06 thông báo sâu bệnh tháng; 05 thông báo tình hình sâu bệnh 10 ngày; 01 công văn chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân năm 2016. Duy trì hoạt động của 04 bẫy đèn phục vụ công tác dự tính dự báo. Tham mưu chỉ đạo đợt diệt chuột tập trung vụ chiêm xuân 2015 - 2016 đạt kết quả tốt.

Chi cục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật diệt chuột tập trung được 18 cuộc cho 1.260 lượt cán bộ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện 05 phóng sự và chuyên mục; biên tập và gửi đăng báo, tạp chí, Website Sở 08 bài thuộc lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Trạm BVTV các huyện, thành, thị đã tăng cường kiểm tra sâu bệnh, ra thông báo sâu bệnh định kỳ gửi cơ sở và các ban ngành để chủ động phòng trừ sâu bệnh. Căn cứ vào tình hình sâu bệnh trên địa bàn, tham mưu cho UBND huyện ra các văn bản chỉ đạo diệt chuột tập trung và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa chiêm xuân. Từ đó góp phần làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Để công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trong vụ mùa tới được thực hiện tốt hơn nữa, các cấp, các ngành cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai áp dụng IPM trên cây trồng, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng áp dụng SRI trên lúa, tạo điều kiện hình thành phát triển các tổ dịch vụ bảo vệ thực vật ở cơ sở góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra./.

 

 

Th.s Đặng Nguyễn Trung Vương

Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn