Thứ Ba, 5/11/2024
Kết quả triển khai kế hoạch ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng năm 2016 tỉnh Phú Thọ
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Chi cục BVTV thăm và chỉ đạo sản xuất chè an toàn tại huyện Yên Lập

Thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015 – 2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT được phê duyệt tại Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và triển khai Kế hoạch 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 về Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị triển khai đảm bảo các nội dung trong kế hoạch và đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu đã đề ra, hướng tới mục tiêu chung là giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.

Kết quả năm 2016, toàn tỉnh đạt 33,2 % số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về IPM, đạt gần 37% KH giai đoạn. Đối với cây lúa: Trên toàn tỉnh có  36 % diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (SRI, sạ hàng); 23,9 % số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 10 %, lượng phân đạm giảm 2 - 3 %, giảm lượng nước tưới khoảng 3 - 5 % và hiệu quả sản xuất tăng 3 - 5 %. Đối với cây rau: 5,5% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (RAT, VietGAP); 5,5 % số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 5 - 10 %, lượng phân đạm giảm 5 % và hiệu quả sản xuất tăng 5-7 %. Đối với cây chè: 23,5% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (Chè an toàn, VietGAP, RFA, UTZ...); 19 % số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm trên 10%. Đối với cây ăn quả (bưởi): 9 % diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; 6,3% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 10% và hiệu quả sản xuất tăng 5 - 7 %.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực: Đã cấp phát 2.800 cuốn sổ tay IPM về cây lúa, rau, chè, bưởi; 400 tờ Poster hướng dẫn cách nhận biết một số đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây chè, cây rau và sử dụng thuốc BVTV phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng, 4.000 bản tài liệu kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) cấp phát cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông huyện, xã và nông dân trồng lúa; đào tạo được 60 là giảng viên TOT đối với cây rau và chè; tổ chức được 15 lớp FFS (tập huấn đồng ruộng) cho 450 người là nông dân nòng cốt trên cây lúa, rau, chè, bưởi; trên 500 lớp tập huấn cấp huyện, xã với trên 27 nghìn lượt hộ nông dân gắn với kế hoạch triển khai sản xuất tại địa phương, tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật trong thâm canh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn cho sản xuất, kỹ thuật sản xuất an toàn (VietGAP, IPM),.. Đã có trên 60 tin, bài, phóng sự được đăng tải trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, các trang thông tin điện tử,...  với các nội dung về hiệu quả, kết quả chương trình, các mô hình ứng dụng dịch hại tổng hợp IPM, hướng dẫn kỹ thuật IPM trên một số đối tượng cây trồng.

Công tác xây dựng mô hình ứng dụng quản lý dịch hại IPM được triển khai ở hầu hết các huyện, thành, thị trên nhiều đối tượng cây trồng với tổng số 54 mô hình; quy mô 386 ha, trong đó một số mô hình đã kết hợp với công tác dịch vụ BVTV. Nhìn chung, các mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho thấy hiệu quả rõ rệt, chất lượng sản phẩm tăng, chi phí sản xuất giảm, đặc biệt làm là giảm được số lần phun và lượng thuốc BVTV so với tập quán. Đối với mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, năng suất tăng so với tập quán 3,2 - 3,7%, hiệu quả sản xuất lúa tăng từ 1,5 - 2,4 triệu đồng/ha; Giảm số lần phun thuốc 1-2 lượt so với tập quán (tập quán phun 3 - 4 lượt/vụ). Đối với mô hình IPM trên cây chè suất cao hơn tập quán gần 2 tấn/ha/năm; Hiệu quả kinh tế tăng so với tập quán trên 6 triệu đồng/ha/năm; Số lần phun thuốc BVTV giảm 6 – 8 lượt phun so với tập quán (tập quán phun 20 - 25 lượt/năm). Đối với mô hình IPM trên cây bưởi năng suất cao hơn tập quán từ 15 - 20 quả/cây (đối với bưởi Chí Đám). Việc ứng dụng IPM trên bưởi giúp cây bưởi sinh trưởng phát triển khỏe, bảo vệ được thiên địch nên số lần phun thuốc BVTV giảm 2 - 3 lượt so với tập quán (tập quán phun 8-10 lượt/vụ). Đối với mô hình IPM trên cây rau năng suất không cao hơn so với tập quán, mẫu mã cũng không đẹp nhưng chịu bảo quản và vận chuyển tốt hơn, đặc biệt là chất lượng rau được đảm bảo nhờ đó mà giá bán cũng cao hơn. Số lần phun thuốc giảm từ 1-2 lượt/lứa (tập quán phun 4 - 5 lượt/lứa), thuốc BVTV sử dụng là những thuốc có trong danh mục, đảm bảo về thời gian cách ly.


Vườn bưởi Chí Đám ứng dụng IPM tại hộ bà Quỳnh (Thôn 4, xã Phương Trung)
cho thu nhập 150 triệu đồng (tăng 50 triệu đồng so với năm 2015)


Các Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật bước đầu đã được hình thành và phát triển. Trong năm, đã có 24 Tổ dịch vụ BVTV thuộc 8 huyện, thành, thị được xác nhận đủ điều kiện (Việt Trì 01; Hạ Hòa 01; Phù Ninh 01; Lâm Thao 10; Đoan Hùng 06; Thị xã Phú Thọ 02; Thanh Thủy 02, Tam Nông 01), trong đó có 7/24 tổ thực hiện dịch vụ BVTV toàn phần điều tra dự tính dự báo và tổ chức phòng trừ sâu bệnh tập trung với diện tích phòng trừ cả 2 vụ là trên 1.086 ha. Tuy nhiên, các Tổ dịch vụ mới chỉ triển khai trên cây lúa, chưa triển khai được trên các cây trồng khác; một số huyện chưa hình thành được Tổ dịch vụ BVTV.

Kế hoạch ứng dụng quản lý dịch hại IPM trên cây trồng năm 2016 đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng đây cũng là năm đầu tiên trong kế hoạch giai đoạn nên công tác triển khai, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn có những khó khăn nhất định. Hầu hết các huyện, thành, thị đã  ban hành kế hoạch nhưng công tác triển khai còn chậm. Kinh phí hỗ trợ để thực hiện kế hoạch IPM còn hạn chế. Một số huyện chưa cân đối bố trí kinh phí thực hiện. Một số chỉ tiêu cụ thể đạt ở mức thấp như diện tích ứng dụng IPM đầy đủ trên cây rau.

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Kế hoạch số 4848/KH-UBND về đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch IPM giai đoạn 2016 – 2020 của các huyện, thành, thị, năm 2017, toàn tỉnh sẽ phấn đấu đạt 45 % số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về IPM. Đối với cây lúa có 50% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (SRI, sạ hàng); 45 % số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 20 %, lượng phân đạm giảm 4 - 5 %, lượng nước tưới giảm trên 5% và hiệu quả sản xuất tăng 5 - 7 %. Đối với cây rau có trên 20% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (RAT, VietGAP); 20 % số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm trên 15%, lượng phân đạm giảm 8 - 10 % và hiệu quả sản xuất tăng 7 - 10 %. Đối với cây chè đạt 35% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (Chè an toàn, VietGAP, RFA, UTZ...); 30% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 15 - 20 % và hiệu quả sản xuất tăng 3 - 5 %. Đối với cây ăn quả (bưởi): Trên 20% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; 20% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm trên 15% và hiệu quả sản xuất tăng trên 10 %.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên, đồng thời thực hiện đảm bảo các mục tiêu ứng dụng IPM trên cây trồng năm 2017, ngành Nông nghiệp và PTNT và các huyện, thành, thị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền gắn với kế hoạch triển khai sản xuất của các địa phương; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ giảng viên, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân nòng cốt; tích cực chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tổ chức sản xuất theo hướng cánh đồng lớn; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các loại giống cây trồng chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tăng lượng sử dụng phân bón vi sinh, canh tác bền vững, canh tác hữu cơ…trong quản lý dịch hại nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất nông nghiệp; tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPM trên các cây trồng, trong đó tập trung vào các cây trồng chính, lợi thế của địa phương; tăng cường nguồn kinh phí và lồng nghép các nguồn vốn khác để triển khai như nguồn vốn WB7 tại dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Phú Thọ, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, 30a, 135, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ... ; tiếp tục chỉ đạo các xã xây dựng và mở rộng mô hình Tổ dịch vụ BVTV ở cơ sở; gắn việc xây bể chứa và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng với chương trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương, cơ sở để thực hiện./.

 

Phan Văn Đạo

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn