Thứ Bảy, 23/11/2024
An toàn thực phẩm chuỗi thực vật nhìn từ góc độ quản lý nhà nước về buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc BVTV
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục BVTV kiểm tra mô hình trồng rau trong nhà lưới công nghệ cao

Trong những năm gần đây, an toàn thực phẩm là vấn đề được Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cộng đồng. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát an toàn vệ sinh rất khó khăn. Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua, song, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém, bất cập, hạn chế về nguồn lực và đầu tư kinh phí, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; chuỗi liên kết sản xuất chưa chặt chẽ do người dân còn còn tư tưởng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo lợi nhuận dẫn đến tình tạng phá vỡ liên kết sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ khi giá cả nông sản tăng cao; sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng với quy trình IPM, VietGap… hay khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn dẫn đến tồn dư hóa chất BVTV, kim loại nặng, Nitrat… trong sản phẩm, là nguy cơ mất an toàn thực phẩm chuỗi thực vật.

Đối với Phú Thọ, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân tỉnh, sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn theo SRI, IPM, VietGap…

Sản phẩm có nguồn gốc thực vật là một trong các sản phẩm thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Để tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thì việc sử dụng các phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ năng suất và tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng nông dân sử dụng không đúng quy trình, không theo khuyến cáo kỹ thuật dẫn đến tình trạng tồn dư hóa chất BVTV, Nitrat (NO3), kim loại nặng... vượt ngưỡng cho phép, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Để nhìn lại những khiếm khuyết, tồn tại, tìm các giải pháp khắc phục nhằm phát triển ngành trồng trọt theo hướng an toàn, bền vững, Chi cục Bảo vệ thực vật xin nêu ra một số vấn đề cần trao đổi từ góc độ quản lý nhà nước về phân bón, thuốc BVTV như sau:

- Về hiện trạng kinh doanh, sử dụng phân bón cho cây trồng trên địa bàn tỉnh: Toàn tỉnh hiện có khoảng gần 600 cở sở kinh doanh phân bón trải khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Chủng loại phân bón kinh doanh đa dạng, phong phú đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng phân bón của mọi người dân. Tuy nhiên, việc có quá nhiều cơ sở kinh doanh với chủng loại phân bón quá lớn như hiện nay sẽ gây khó khăn cho các nhà quản lý và người dân trong lựa chọn phân bón để sử dụng đúng kỹ thuật. Mặt khác, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, vi phạm nhãn mác có xu hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đa số người kinh doanh phân bón không có chuyên môn về phân bón nên việc hướng dẫn sử dụng không đúng kỹ thuật, có nguy cơ gây thiệt hại về năng suất, chất lượng cây trồng, tạo nguy cơ mất an toàn thực phẩm mà không thể đánh giá hết được.

- Về kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV: Khác với phân bón, thuốc BVTV là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng. Phần lớn nông dân trên địa bàn tỉnh được tập huấn chuyên môn về kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV theo quy định. Việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV cơ bản tuân thủ pháp luật, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng và thời gian cách ly. Hiện nay, toàn tỉnh có 399 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuốc BVTV (Không có cơ sở sản xuất), trong đó có 347 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV. Lượng thuốc BVTV các loại được kinh doanh và sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 100 tấn/năm với khoảng 300 - 400 loại thuốc (Năm 2013 là khoảng 120 tấn, giảm dần đến năm 2017 còn khoảng 80 tấn). Với số lượng và chủng loại thuốc BVTV như vậy đã đáp ứng đủ nhu cầu của người dân để lựa chọn trong việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu, bệnh trên cây trồng, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, trong buôn bán, sử dụng thuốc BVTV cũng có những tồn tại, hạn chế, còn tình trạng vi phạm quy định về chất lượng và nhãn hàng hoá, một bộ phận người dân còn lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ sâu, bệnh, sử dụng sai kỹ thuật, chưa đảm bảo thời gian cách ly, vứt bừa bãi bao gói thuốc trên đồng ruộng sau khi sử dụng…

- Về kiểm tra chất lượng rau, quả, chè trên địa bàn tỉnh:

Từ năm 2014 - 2017, Chi cục BVTV đã lấy tổng số 90 mẫu rau, quả, chè trên đồng ruộng để phân tích dư lượng thuốc BVTV. Kết quả có 14/90 mẫu (chiếm 15,5%) phát hiện dư lượng thuốc BVTV. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này còn gặp nhiều khó khăn do quy định về ngưỡng dư lượng đối với từng hoạt chất còn thiếu nên không có khung tham chiếu, chế tài xử phạt chưa có tính răn đe, xử lý người dân sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định là rất khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng nông sản thấp...

Từ những vấn đề trên, để công tác quản lý nhà nước về kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, phân bón đúng quy định góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực vật đưa ra một số giải pháp, những kiến nghị, đề xuất như sau:

Hình thành và phát triển sản xuất hàng hóa theo mô hình chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm có kiểm soát quá trình và chứng nhận sản phẩm, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, tự cấp tự túc.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đến các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, phân bón trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người buôn bán và nông dân về kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng , giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp.

Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch số 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Phát triển tổ dịch vụ Bảo vệ thực vật theo hướng tổ dịch vụ toàn phần nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo mức dư lượng về thuốc BVTV, hàm lượng N03, kim loại nặng trong nông sản dưới ngưỡng cho phép, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón, tăng cường thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Tập trung vào xử lý các vi phạm về chất lượng, nhãn mác và điều kiện buôn bán thuốc BVTV, phân bón trên địa bàn, kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, nhập lậu, sử dụng thuốc BVTV sai nguyên tắc “4 đúng”, vứt bao gói thuốc sau sử dụng không đúng nơi quy định...

Đề thực hiện tốt các nội dung trên, Chi cục BVTV đề xuất, kiến nghị:

Cục Bảo vệ thực vật tham mưu với Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát, đánh giá, loại bỏ một số loại thuốc BVTV, phân bón kém hiệu quả, có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, môi trường và làm mất an toàn thực phẩm. Thực hiện việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm ngay từ khâu nhập khẩu, sản xuất phân bón, thuốc BVTV, tránh để các loại phân bón thuốc BVTV giả, kém chất lượng, vi phạm nhãn mác lưu thông rộng rãi trên thị trường sẽ rất khó kiểm soát.

UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện thực hiện tốt, đẩy đủ nhiệm vụ thanh, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm theo phân cấp tại Quyết định số 1127/QĐ-UBND ngày 28/5/2015 của UBND tỉnh về việc phân công, phân cấp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Các cấp Hội, Đoàn thể: Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên có ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật nói chung trong đó có các quy định về sản xuất, buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, an toàn thực phẩm; có sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất đồng thời có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các hội viên để sản xuất ra sản phẩm an toàn. Có như vậy mới hạn chế được các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm mà cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay được./.

Phan Văn Đạo

Chi cục trưởng Chi cục BVTV

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn