Phát triển Tổ dịch vụ Bảo
vệ thực vật - Giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả
Trường Giang - Chi cục Trồng trọt và BVTV
Công tác phòng trừ dịch hại có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất
nông nghiệp, có ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nông sản, sức khoẻ con
người và môi trường. Việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay còn nhiều khó khăn, bất
cập do còn nhiều nông dân hạn chế về nhận thức, ý thức, hiểu biết về thuốc
BVTV; diện tích canh tác quy mô hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, chế độ canh tác, sử
dụng giống, thời vụ rất khác nhau ở các hộ ngay trên cùng một cánh đồng,
...Trong khi đó, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm đang được xã hội quan tâm
đặc biệt, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất mà còn ảnh hưởng
tới cả cộng đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 38
tổ dịch vụ bảo vệ thực vật ở 11 huyện, thành, thị được xác nhận đủ điều kiện
hoạt động (Lâm Thao 08; Đoan Hùng 07, Thanh Thủy 04; Phù Ninh 04; Tam Nông 03;
Cẩm Khê 03;Thanh Ba 02; Thị xã Phú Thọ 02; Việt Trì 02; Hạ Hòa 02; Tân Sơn 01)
với 266 người tham gia. Trong 38 tổ dịch vụ BVTV được xác
nhận đủ điều kiện hoạt động thì có 05 tổ thực hiện dịch vụ BVTV toàn phần (bằng
13,1%) bao gồm điều tra dự tính dự báo và tổ chức phòng trừ sâu bệnh tập trung.
Tổng diện tích các loại cây trồng thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật là 4.200 ha
trong đó: Trên cây lúa 3.850 ha, cây rau 157 ha, cây chè 49 ha, cây bưởi 44 ha,
cây trồng khác (bồ đề) 100 ha. Ông Hoàng Công Trúc
– Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp và điện năng xã Thạch Sơn cho biết: Xã chúng
tôi có tới gần 2.000 hộ sản xuất, với diện tích gieo cấy vụ xuân khoảng 140 ha
và vụ mùa khoảng 120 ha. Khâu dịch vụ BVTV được HTX triển khai từ năm 2005, Tổ
dịch vụ hoạt động duy trì từ 8 – 10 người, cao điểm phòng trừ thì 12 người với
4-5 máy động cơ hoạt động. Chúng tôi đảm nhiệm dịch vụ BVTV toàn phần từ điều
tra đến phun thuốc với giá dịch vụ trọn gói hiện nay là 35.000 đồng/sào. Tổ
dịch vụ của chúng tôi đem lại nhiều lợi ích cho bà con xã viên, người làm ruộng
mà không phải dính dáng gì tới thuốc BVTV, chính vì vậy người dân xã tôi không
có tình trạng bỏ gieo cấy vụ mùa như nhiều địa phương khác vì lo ngại cấy không
được ăn do sâu bệnh. Chi phí đầu vào thấp hơn so với người dân bỏ ra do không
có hiện tượng sử dụng thừa loại thuốc, lượng thuốc, sử dụng không đúng kỹ thuật.
Đồng thời hiệu quả phòng trừ cao hơn do phun đúng thời điểm, đúng đối tượng
dịch hại, đúng thuốc và đồng loạt trên cùng một cánh đồng. Vỏ bao bì được thu
gom không có hiện tượng vứt bừa bãi như ở các nơi khác.
Chưa thể thành lập được Tổ dịch vụ
BVTV ở công ty, nhưng cách làm này của Công ty chè Á Châu cũng là một trong
những giải pháp để kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Quý
– Giám đốc Công ty chè Á Châu chia sẻ: Với diện tích 540 ha thu mua từ hơn 700
hộ nông dân của 4 xã thuộc huyện Yên Lập (Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Phúc Khánh) và
Tân Sơn (Mỹ Thuận) tham gia liên kết với công ty, để có sản phẩm chè đồng đều
và đạt tiêu chuẩn, nhất là việc sử dụng thuốc BVTV đang là vấn đề rất nan giải
và công ty rất quan tâm. Để đạt được mục tiêu đó, hiện nay chúng tôi đã triển
khai được gần 50% số hộ tham gia thực hiện đảm bảo các khâu kỹ thuật theo yêu
cầu của công ty và công ty cũng liên kết với một số doanh nghiệp khác đứng ra
cung ứng một số vật tư chất lượng với giá gốc và cho trả chậm như phân bón tổng
hợp NPK, thuốc BVTV để mong muốn thu mua được nhiều sản phẩm đạt chất lượng từ
người nông dân.
Như vậy, có thể khẳng định hoạt động của
Tổ dịch vụ BVTV đã đem lại nhiều lợi ích không chỉ là bài toán kinh tế đơn thuần
của một dịch vụ mà nó còn mang lại nhiều lợi ích khác về mặt xã hội và môi
trường đó là: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do không còn tình trạng sử dụng
thừa thuốc, không đúng thuốc, phun không đúng thời điểm phải phun lại như nhiều
hộ nông dân; việc bảo quản thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói
thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thuận lợi, hạn chế được tình trạng
vứt bao gói như trên đồng ruộng. Giảm thiểu số người
nông dân tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV (Một tổ dịch vụ có 4- 6 người có thể
thay thế được từ 50 – 100 người nông dân), giảm thiểu số ngày công phun thuốc
của các hộ cộng lại. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý thuận lợi hơn, thay vì
quản lý quá trình sử dụng thuốc của hàng triệu nông dân, giờ chỉ cần quản lý
các tổ dịch vụ BVTV. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước dễ kiểm soát nguồn thuốc,
quy trình sử dụng thuốc, ...
Với diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh khoảng 68 nghìn ha lúa,
18 nghìn ha ngô, 13,7 nghìn ha rau, đậu, hơn 16 nghìn ha chè và gần 13 nghìn ha
cây ăn quả các loại, cùng nhiều loại cây trồng khác với hàng triệu người tham
gia sản xuất. Cùng với chính sách dồn đổi ruộng đất đang được triển khai mạnh
mẽ ở nhiều huyện, thành, thị, hy vọng thời gian tới, Tổ dịch vụ BVTV cũng sẽ
phát triển thuận lợi hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho toàn xã hội./.
Ảnh: Đội dịch vụ dùng máy phun động cơ phun
thuốc bảo vệ thực vật tại Thạch Sơn - Lâm Thao.