Thứ Bảy, 23/11/2024
Tổng kết mô hình quản lý dịch hại (IPM) trên cây chè năm 2018
Gửi bài In bài

Ngày 04, tháng 10, năm 2018, tại xã Hương Xạ, huyện Hạ Hoà, Chi cục TT&BVTV tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị tổng kết mô hình quản lý dịch hại (IPM) trên cây chè năm 2018 có sử dụng phân bón vi sinh đa chức năng Azotobacterin. Tham dự hội nghị có Lãnh đạo phòng ban chuyên môn thuộc huyện, 7 xã trọng điểm trồng chè của huyện, một số cơ sở thu mua chè trên địa bàn và các hộ tham gia mô hình với tổng số gần 60 đại biểu. Hội nghị tiến hành thăm quan, đánh giá kết quả ngoài thực địa tại các hộ trồng chè ở Khu 5 của xã và cùng thảo luận kết quả tại hội trường của xã.

Mô hình được triển khai từ tháng 2/2018 trên diện tích 2,5 ha với 3 hộ tham gia và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM): Đồi chè được điều tra hệ sinh thái hàng tuần để nắm bắt được tình hình sinh trưởng và sâu bệnh từ đó đưa ra biện pháp chăm sóc phù hợp nhất. Ngoài ra, trong mô hình có sử dụng phân vi sinh đa chức năng Azotobacterin, không sử dụng phân đạm đơn (Urê) mà sử dụng phân tổng hợp NPK Lâm Thao nhưng với liều lượng chỉ bằng 70% so với công thức đối chứng không sử dụng phân vi sinh.

Ông Phùng Vạn Thắng một trong những hộ tham gia mô hình phấn khởi chia sẻ: Chúng tôi thực sự vui mừng vì thấy rõ sự khác biệt so với những năm trước và ngay cả lô chè đối chứng, ngoài tăng năng suất, giá thu năm nay cũng khá cao và ổn định, trung bình chúng tôi bán được 4.000 đồng/kg. Đến thời điểm này là lứa thứ 5 và sẽ còn thu được 1 lứa nữa vào giữa đến cuối tháng 11. Qua 5 lứa tôi cộng vào thấy năng suất đạt trên 20 tấn/ha (mỗi lứa trên dưới 4 tấn/ha), trong khi đó nương đối chứng đạt 16 tấn/ha, như vậy đến thời điểm này mô hình tăng được 13 triệu đồng/ha so với đối chứng, nếu thu lứa tiếp theo chắc sẽ tăng được 15 triệu đồng/ha. Đặc biệt cả vụ mô hình chỉ phun 3 lần thuốc BVTV, đối chứng phun 5 lần, giảm hơn nhiều so với những năm trước. Ông cũng chia sẻ thêm, bón phân vi sinh phải đúng kỹ thuật mới có hiệu quả, phải vùi được phân vào đất, tưới đủ ẩm hoặc tranh thủ khi có mưa thì vi sinh vật sinh sôi nảy nở khi đó mới phát huy được hiệu quả.

Hội nghị cũng nhận được các ý kiến đóng góp từ các cơ sở thu mua chè tại địa phương, Ông Đỗ Thanh Sơn – Trưởng làng nghề chè Phú Ích, đồng thời là chủ cơ sở chế biến chè cho biết: Chúng tôi chỉ mong muốn thu mua được nương chè đạt chất lượng như mô hình vì chất lượng búp chè tươi ảnh hưởng lớn đến chất lượng chè chế biến và uy tín của cơ sở. Với 2,5 ha chè của mô hình chúng tôi thu mua hết và mong muốn có thêm nhiều diện tích chè sản xuất theo IPM như thế để sản phẩm của chúng tôi ngày càng có chất lượng.

Với kết quả đạt được từ mô hình, các đại biểu đều thống nhất sẽ mở rộng diện tích IPM chè và các cây trồng khác trong thời gian tới trên địa bàn. Các xã cũng mong muốn các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp sẽ phối hợp để tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn tại cơ sở để góp phần đẩy nhanh ứng dụng IPM vào sản xuất./.

 

                                             Cao Văn Tài
                                                     Trạm trưởng trạm TT & BVTV huyện Hạ Hòa

 
   
                       Mô hình IPM trên cây chè tại xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn